/ Đời sống - Xã hội
/ Bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột Lần thứ 9/2025: 'Xin chào và hẹn gặp lại lần sau'

Bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột Lần thứ 9/2025: 'Xin chào và hẹn gặp lại lần sau'

14/03/2025 09:52 |1 tháng trước

(LSVN) – Tối 13/3, tại Quảng trường 10/3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột Lần thứ 9.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” được tổ chức từ ngày 09/3 đến 13/3/2025 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân, du khách trong và ngoài nước.

Tham dự buổi lễ về phía Trung ương có ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các đại biểu đại diện các Bộ, Ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành và bạn bè quốc tế.

Về phía địa phương có ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Trưởng Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025; bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; ông Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức…

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại lễ bế mạc.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại lễ bế mạc.

Phát biểu tại buổi bế mạc ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND nhấn mạnh: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với 17 hoạt động chính thức và nhiều hoạt động hưởng ứng diễn ra ở khắp các địa phương trong tỉnh. Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các Ban, Bộ ngành Trung ương; tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, mỗi hoạt động trong khuôn khổ của Lễ hội đã được chuẩn bị và tổ chức chu đáo, hiệu quả mang đến những trải nghiệm tích cực cho người dân và du khách khi đến với Lễ hội.

Lễ hội lần này, có sự tham gia của người đứng đầu tổ chức cà phê quốc tế (ICO) đến tham dự Lễ hội và có bài phát biểu tại Lễ Khai mạc, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc nâng cao vị thế cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới. Việc một tổ chức uy tín như ICO dành sự quan tâm đặc biệt đến Lễ hội cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của cà phê Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) Vanusia Nogueira tham dự tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột Lần thứ 9.

Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) Vanusia Nogueira tham dự tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột Lần thứ 9.

Đây cũng là cơ hội lớn để ngành cà phê Việt Nam mở rộng hợp tác với các tổ chức và thị trường quốc tế. Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột và Lễ hội cà phê lần thứ 9, chúng ta đã đón 28 đoàn với 188 vị khách quốc tế. Nhiều hoạt động đã thu hút nhiều các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê, các chuyên gia, du khách trong nước và nước ngoài đến tham dự như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP thu hút sự tham gia của 180 đơn vị với 435 gian hàng, trong đó có 12 gian hàng của 06 doanh nghiệp nước ngoài; có tổng cộng 175.000 lượt khách tham quan hội chợ (bình quân 35.000 lượt khách/ngày).

Các đơn vị doanh nghiệp ký kết hợp tác tại Hội nghi giao thường kết nối nâng tầm cà phê Việt.

Các đơn vị doanh nghiệp ký kết hợp tác tại Hội nghi giao thường kết nối nâng tầm cà phê Việt.

Tại Hội nghị giao thương quốc tế - kết nối, nâng tầm cà phê Việt đã thu hút được 730 đại biểu tham dự để cùng thảo luận, tìm cơ hội và giải pháp để phát triển cà phê bền vững, gia tăng giá trị cà phê Việt. Hội thi Nhà nông đua tài với sự tham gia của 07 tỉnh, thành phố chứng tỏ được sự lan tỏa của Lễ hội đến với các tỉnh bạn; Hội trại cà phê được tổ chức tại Di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA nơi ra đời của chi bộ đồn điền đầu tiên trong tỉnh đã thu hút được 16 đội và hơn 20.000 du khách tham gia; Cuộc thi rang cà phê đặc sản Việt Nam 2025 là nơi hội tụ những người yêu thích, nhiệt tình, tâm huyết với cà phê chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với sự tham gia của 36 nghệ nhân rang cà phê xuất sắc đến từ 13 tỉnh, thành trong cả nước; Ngày hội cà phê miễn phí được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình với 430 quán cà phê đăng ký phục vụ miễn phí; Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền Lễ hội trên môi trường mạng đã nhận 51 tác phẩm dự thi của các tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh, chọn được 19 tác phẩm xuất sắc để trao giải. Lễ hội đã thu hút khoảng 250.000 lượt du khách, trong đó có 1.800 du khách quốc tế đến với tỉnh.

UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tổ chức cá nhân có những đóng góp cho sự thành công của lễ hội.

UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tổ chức cá nhân có những đóng góp cho sự thành công của lễ hội.

Đối với các hoạt động văn hóa, sự đổi mới trong công tác tổ chức đã mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách, tiêu biểu phải kể đến Lễ hội đường phố với sân khấu 360 độ tại tượng đài Ngã sáu Buôn Ma Thuột - nơi ghi dấu chiến thắng lịch sử 10/3/1975. Lễ hội ánh sáng sôi động, mãn nhãn với màn biểu diễn Drone vô cùng ấn tượng tạo sức hút lớn cho người dân, nhất là giới trẻ và du khách. Cùng với đó, du khách đến với Đắk Lắk đã được trải nghiệm các tour du lịch vô cùng hấp dẫn, được tham gia các Lễ hội truyền thống: Hội voi Buôn Đôn, Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk...

Tại Lễ hội lần này, tỉnh Đắk Lắk rất vinh dự khi “Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk” đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự công nhận giá trị truyền thống, các kỹ thuật trồng, chế biến cà phê của tỉnh, là niềm tự hào của người nông dân trồng cà phê, của ngành cà phê, của tỉnh Đắk Lắk nói chung.

LAM SƠN

Các tin khác