Các biện pháp XLCH người chưa thành niên phạm tội
Theo quy định tại Điều 36 Luật tư pháp người chưa thành niên năm 2024 thì biện pháp XLCH bao gồm 12 biện pháp: khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; hạn chế khung giờ đi lại; cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Việc quy định 12 biện pháp XLCH là phù hợp, xuất phát từ các lý do như sau: Bộ luật Hình sự đang quy định các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng khi người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự. Về bản chất, đây là các biện pháp đưa người chưa thành niên ra khỏi trình tự tố tụng hình sự thông thường vốn được áp dụng cho người trưởng thành, nói cách khác là chuyển hướng người chưa thành niên sang một thủ tục nhanh chóng, đơn giản và thân thiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trên thế giới, việc áp dụng biện pháp XLCH trước khi xét xử là mục tiêu cốt lõi trong nỗ lực củng cố hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại nhiều nước, theo đó buộc người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình, nhưng hạn chế tối đa tình trạng kỳ thị, ngăn ngừa hậu quả tiêu cực của việc phải tham gia quy trình tố tụng hình sự phức tạp, thúc đẩy người chưa thành niên khắc phục sai phạm và tránh tái phạm.
Có thể nói, việc sửa đổi, bổ sung chế định này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua, luôn chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống người dân, nhất là đối tượng yếu thế với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phù hợp quan điểm định hướng của Đảng về “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội”[1].
Tạo điều kiện cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn khi áp dụng phù hợp với từng đối tượng người chưa thành niên (hoàn cảnh gia đình, mức độ hành vi, loại tội phạm đã thực hiện), bảo đảm việc giáo dục người chưa thành niên khi thi hành biện pháp XLCH hiệu quả nhất.
Việc bổ sung các biện pháp XLCH, nâng cao trách nhiệm của gia đình, thu hút sự tham gia của cộng đồng, giảm áp lực quản lý cũng như kinh phí cho ngân sách nhà nước [2].
Trong phạm vi bài viết, người viết chỉ lấy hai biện pháp XLCH đó là: Quản thúc tại gia đình và hạn chế khung giờ đi lại để tập trung đánh giá và làm nổi bật những ưu điểm, nhược điểm.
Theo quy định tại Luật tư pháp người chưa thành niên năm 2024
“Điều 44. Quản thúc tại gia đình
1. Quản thúc tại gia đình là việc buộc người chưa thành niên phạm tội ở nhà dưới sự giám sát trực tiếp của gia đình và chỉ được rời khỏi nhà trong trường hợp cần thiết với sự cho phép của người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
2. Quản thúc tại gia đình có thể được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 37 và phạm một trong các tội quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51 của Luật này;
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý; phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 37 và phạm một trong các tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 51 của Luật này.
3. Quản thúc tại gia đình được áp dụng khi có đề nghị và cam kết của cha, mẹ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột hoặc chị ruột là người thành niên ở cùng nhà với người chưa thành niên phạm tội. Người đề nghị phải bảo đảm có nơi cư trú rõ ràng, có điều kiện cơ sở vật chất, có khả năng chăm sóc, giáo dục và trực tiếp giám sát người chưa thành niên phạm tội.
4. Thời hạn áp dụng biện pháp quản thúc tại gia đình và thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này là từ 03 tháng đến 01 năm.
Điều 45. Hạn chế khung giờ đi lại
1. Hạn chế khung giờ đi lại là việc giới hạn người chưa thành niên phạm tội ra khỏi nhà vào khung giờ nhất định trong khoảng thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp cần thiết được người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho phép.
2. Thời hạn áp dụng biện pháp hạn chế khung giờ đi lại là từ 03 tháng đến 06 tháng”.
Dựa trên quy định nêu trên thì tác giả đưa ra những đánh giá về ưu điểm, nhược điểm đối với hai biện pháp XLCH như sau:
Thứ nhất, đối với biện pháp XLCH quản thúc tại gia đình
Ưu điểm: Tạo điều kiện giáo dục cho người chưa thành niên vẫn có thể tiếp tục học tập, được gia đình hỗ trợ trong quá trình sửa đổi hành vi, thay vì bị giam giữ trong môi trường dễ làm gia tăng khả năng tái phạm thì biện pháp quản thúc tại gia đình làm giảm tác động tiêu cực của việc giam giữ và có thể khiến người chưa thành niên hạn chế tiếp xúc với các phần tử xấu cũng như việc giảm thiểu hình thành tâm lý phản kháng và gia tăng nguy cơ phạm tội sau này.
Duy trì môi trường quen thuộc ở trong gia đình giúp họ cảm thấy an toàn hơn, tránh bị kỳ thị và có cơ hội sửa chữa sai lầm trong môi trường thân thiện; tiết kiệm chi phí cho xã hội so với việc giam giữ, quản thúc tại gia đình ít tốn kém hơn, giảm gánh nặng lên hệ thống trại cải tạo hoặc cơ sở giáo dưỡng; giảm tỷ lệ tái phạm khi có sự giám sát của gia đình và các chương trình hỗ trợ tâm lý, giáo dục, khả năng tái phạm sẽ giảm đáng kể.
Nhược điểm: Hiệu quả áp dụng của biện pháp này phải phụ thuộc vào gia đình. Bởi lẽ, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để quản lý và giáo dục trẻ. Nếu môi trường gia đình tiêu cực (bạo lực, thiếu quan tâm), biện pháp này có thể không hiệu quả hoặc thậm chí phản tác dụng, khó kiểm soát việc tuân thủ nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ (ví dụ: cán bộ giám sát, công nghệ theo dõi), người vi phạm có thể trốn ra ngoài hoặc tiếp tục vi phạm pháp luật mà không bị phát hiện kịp thời; không đủ sức răn đe một số đối tượng có thể coi biện pháp này là quá nhẹ, không đủ tác động mạnh để khiến họ thay đổi hành vi; gánh nặng cho gia đình cha, mẹ hoặc người giám hộ sẽ chịu áp lực lớn khi phải theo dõi, dạy dỗ và chịu trách nhiệm về hành vi của họ, đặc biệt nếu họ có xu hướng nổi loạn hoặc không hợp tác; có thể gây bất công trong áp dụng, không phải người nào cũng có điều kiện để được quản thúc tại gia đình. Một số người chưa thành niên vô gia cư hoặc có hoàn cảnh đặc biệt sẽ không thể hưởng lợi từ biện pháp này, tạo ra sự bất bình đẳng trong thực thi pháp luật.
Biện pháp quản thúc tại gia đình đối với người chưa thành niên phạm tội mang tính nhân văn, giúp họ có cơ hội sửa sai mà không bị đẩy vào môi trường xấu. Tuy nhiên, để hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội nhằm đảm bảo họ được giám sát chặt chẽ và hỗ trợ tái hòa nhập một cách tích cực.
Thứ hai, đối với biện pháp XLCH hạn chế khung giờ đi lại
Ưu điểm: Giữ người vi phạm trong môi trường kiểm soát, việc hạn chế khung giờ đi lại giúp chính quyền kiểm soát tốt hơn hoạt động của người bị áp dụng biện pháp này, ngăn chặn họ tiếp tục vi phạm trong khoảng thời gian dễ phát sinh tội phạm (ví dụ: ban đêm). Giảm nguy cơ tái phạm hạn chế đi lại giúp người vi phạm tránh tiếp xúc với các đối tượng xấu, đồng thời giúp họ dần điều chỉnh lại lối sống có kỷ luật hơn. Không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc/học tập so với việc giam giữ, biện pháp này giúp người vi phạm vẫn có thể làm việc, học tập vào ban ngày, tránh tác động tiêu cực đến cuộc sống lâu dài. Tiết kiệm chi phí quản lý so với các biện pháp nghiêm khắc hơn như giam giữ hoặc quản thúc chặt chẽ, hạn chế khung giờ đi lại tốn ít chi phí hơn trong việc giám sát và thực thi. Giảm tác động tiêu cực của việc giam giữ việc bị giam giữ có thể dẫn đến tâm lý tiêu cực, bị kỳ thị xã hội và ảnh hưởng xấu đến quá trình tái hòa nhập. Hạn chế khung giờ đi lại giúp giảm thiểu điều này.
Nhược điểm: Khó kiểm soát việc tuân thủ nếu không có biện pháp giám sát chặt chẽ (ví dụ: thiết bị theo dõi, lực lượng kiểm tra định kỳ), người vi phạm có thể lách luật, ra ngoài vào giờ cấm mà không bị phát hiện. Hiệu quả phụ thuộc vào ý thức cá nhân nếu người vi phạm không có ý thức cải thiện hành vi, biện pháp này có thể không đủ mạnh để ngăn chặn họ tiếp tục vi phạm pháp luật. Có thể không đủ sức răn đe với một số đối tượng phạm tội nghiêm trọng, biện pháp này có thể bị coi là quá nhẹ và không đủ để thay đổi hành vi lâu dài.
Gây khó khăn trong sinh hoạt cá nhân một số người cần di chuyển linh hoạt do tính chất công việc (ví dụ: ca đêm, công việc gấp) có thể gặp khó khăn nếu bị áp dụng hạn chế này. Khả năng áp dụng chưa đồng đều một số khu vực có điều kiện giám sát tốt hơn sẽ thực thi có hiệu quả hơn, trong khi những nơi thiếu nguồn lực (công nghệ, nhân sự giám sát) có thể khó đảm bảo thực hiện chặt chẽ.
Biện pháp hạn chế khung giờ đi lại là một cách xử lý linh hoạt, giúp kiểm soát hành vi của người vi phạm mà không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, cần có sự kết hợp với các biện pháp giám sát (ví dụ: vòng giám sát điện tử, kiểm tra đột xuất) và các chương trình giáo dục, hỗ trợ tâm lý nhằm giúp người vi phạm thay đổi hành vi một cách bền vững.
Tham khảo một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới
Nhiều quốc gia cũng đã xây dựng các cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả các biện pháp XLCH đối với người chưa thành niên, bảo đảm mọi biện pháp đều được thực hiện công bằng và hiệu quả. Những chính sách này không chỉ bảo vệ quyền lợi của trẻ em mà còn góp phần vào việc cải thiện và phát triển hệ thống tư pháp đối với trẻ em trên toàn thế giới[3]. Tiêu biểu là một số quốc gia như Hoa Kỳ, Cộng hòa liên bang Đức, Trung Quốc. Hoa Kỳ với hệ thống tư pháp phân quyền, cho phép các bang linh hoạt áp dụng các chương trình chuyển hướng, đặc biệt là mô hình tòa án vị thành niên. Nếu như Cộng hòa liên bang Đức nổi bật với Đạo luật Tòa án Thanh thiếu niên (JGG), nhấn mạnh nguyên tắc giáo dục và phục hồi thay vì trừng phạt, thì Trung Quốc đang đẩy mạnh cải cách, tập trung vào biện pháp giáo dục hành vi và giám sát tại cộng đồng.
Cụ thể, tại Hoa Kỳ, hệ thống tư pháp dành cho người chưa thành niên chịu sự điều chỉnh của cả cấp liên bang và tiểu bang. Đạo luật Cải cách tư pháp người chưa thành niên (JJDPA) năm 2018 đưa ra các tiêu chuẩn chung, trong khi mỗi bang có thể ban hành luật riêng phù hợp với bối cảnh của mình. Bang Georgia quy định về XLCH trong Bộ luật Tư pháp người chưa thành niên, đặc biệt tại Chương VI (Điều 38 - 48), với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của trẻ em và hạn chế tác động tiêu cực từ hệ thống tư pháp hình sự.
Tại Cộng hòa liên bang Đức, pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội được xây dựng dựa trên Đạo luật Tòa án Thanh thiếu niên (JGG) và Bộ luật Hình sự Đức (StGB), với trọng tâm là giáo dục, phục hồi và tái hòa nhập thay vì trừng phạt nghiêm khắc. Theo quy định, trẻ em dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người từ 14 đến dưới 18 tuổi, việc truy cứu trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ nhận thức và sự trưởng thành về đạo đức, trí tuệ. Đặc biệt, nhóm từ 18 đến dưới 21 tuổi có thể được xem xét áp dụng luật vị thành niên nếu chưa đủ chín chắn.
Trung Quốc xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên với khung pháp lý tương đối toàn diện, trong đó các quy định về XLCH được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1997 (sửa đổi năm 2022), Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1979, Luật Phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên năm 1999 và Luật Bảo vệ người chưa thành niên năm 1991. Tiếp cận của Trung Quốc đối với XLCH nhấn mạnh nguyên tắc “giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”, hướng đến mục tiêu giúp người chưa thành niên sửa chữa sai lầm và tái hòa nhập xã hội, thay vì bị hình sự hóa sớm.
Như vậy, nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc quy định các biện pháp XLCH đối với người chưa thành niên phạm tội thì cần tiếp thu những điểm tiến bộ của các nước trên thế giới như sau:
Thứ nhất, xác định rõ thẩm quyền áp dụng biện pháp XLCH
Theo quy định tại Điều 52 Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024, thẩm quyền áp dụng biện pháp XLCH đang thuộc về cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp bởi có thể dẫn tới tình trạng chồng chéo thẩm quyền áp dụng, gây khó khăn, mất thời gian cho các cơ quan trong thực tiễn. Trên cơ sở kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức, bang Georgia (Hoa Kỳ) và Trung Quốc, chúng ta có thể loại bỏ thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc áp dụng các biện pháp XLCH, giữ nguyên thẩm quyền của Viện kiểm sát và cơ quan điều tra. Điều này phù hợp với mục đích cơ bản của XLCH, tách người chưa thành niên ra khỏi thủ tục tố tụng thông thường, bởi nếu Tòa án nhân dân còn tham gia vào việc áp dụng XLCH thì người chưa thành niên coi như vẫn đang bị xét xử.
Ngoài ra, việc trao thẩm quyền cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cũng phù hợp xu thế chung của quốc tế khi cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp XLCH cho người chưa thành niên phạm tội ngay cả trước khi có quyết định khởi tố bị can, điều này góp phần ngăn chặn hành vi phạm tội hay giảm thiểu hậu quả ở mức thấp nhất; đồng thời, Viện kiểm sát là cơ quan theo sát quá trình tố tụng nhất, có thể đánh giá đầy đủ tính chất hành vi, vụ việc cũng như giám sát việc áp dụng các biện pháp XLCH của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho Viện kiểm sát và cơ quan điều tra để họ nắm được quyền hạn, trách nhiệm của mình, biết được mục đích và hiểu được ý nghĩa của việc áp dụng XLCH, hướng đến việc áp dụng hiệu quả các biện pháp XLCH.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp XLCH cụ thể
Trong 12 biện pháp XLCH được nêu tại Điều 36 Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024, có một số biện pháp hợp lý về mặt lý thuyết, nhưng để bảo đảm khả thi trong thực tiễn thì sẽ gặp khó khăn như: “cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”, “hạn chế khung giờ đi lại” và “cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới”. Bởi vì, thực tiễn chưa bảo đảm nhân lực để hàng ngày, hàng giờ giám sát việc gặp ai, đi tới đâu, đi vào những khung giờ nào của những người chưa thành niên, trong khi các biện pháp này, theo quy định của Luật có thời gian áp dụng ít nhất là 03 tháng cho tới 01 năm [4].
Vì vậy, để những biện pháp này có tính khả thi và hiệu quả, trước hết cần phải ban hành văn bản quy định rõ, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị để phục vụ nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp XLCH của người chưa thành niên phạm tội. Viện kiểm sát và cơ quan điều tra cần xem xét ban hành thông tư để quy định cụ thể trong từng trường hợp cụ thể, đối với từng biện pháp cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người chưa thành niên mà vẫn có thể giải quyết đúng pháp luật các vụ việc. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình trong trường hợp không thực hiện đúng trách nhiệm giám sát; bổ sung quy định về trách nhiệm của nhà trường - nơi người chưa thành niên có thời gian học tập và tiếp xúc với nhiều người cùng độ tuổi trong việc giáo dục và đào tạo, giám sát người chưa thành niên thi hành các biện pháp XLCH để bảo đảm tính hiệu quả trong quá trình thực hiện.[5]
XLCH là một biện pháp tiến bộ, thể hiện xu hướng cải cách tư pháp hiện đại nhằm bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên phạm tội, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của quá trình tố tụng hình sự. Thực tiễn quốc tế cho thấy, XLCH không chỉ giúp giảm tỷ lệ tái phạm mà còn tạo điều kiện để người chưa thành niên sửa đổi hành vi, tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả. Do đó, việc tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống tư pháp phát triển, nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi XLCH tại Việt Nam, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và tăng cường các chương trình hỗ trợ sau XLCH sẽ không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống tư pháp người chưa thành niên mà còn góp phần xây dựng một nền tư pháp nhân đạo, tiến bộ, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.
[1] Chỉ thị số Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
[2] https://tapchitoaan.vn/xay-dung-che-dinh-xu-ly-chuyen-huong-thay-the-cho-hinh-phat-ap-dung-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-trong-du-thao-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien1 truy cập ngày 19/3/2025.
[3] European Commission (2019), Juvenile justice in Europe: A review of best practices, EU Justice and Home Affairs.
[4] Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=87583 truy cập ngày 21/3/2025.
[5] https://tcnn.vn/news/detail/67705/Mot-so-khuyen-nghi-ap-dung-xu-ly-chuyen-huong-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-o-Viet-Nam.html truy cập ngày 21/3/2025.
Danh mục tài liệu tham khảo
- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
- Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024.
- Bộ luật tố tụng Hình sự Floria.
- Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1977.
- Tập thể tác giả GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, PGS.TS Lê Thị Sơn, TS. Trần Hữu Tráng (2011), Dịch Bộ luật hình sự CHLB Đức, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
- Chỉ thị số Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
- https://tapchitoaan.vn/xay-dung-che-dinh-xu-ly-chuyen-huong-thay-the-cho-hinh-phat-ap-dung-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-trong-du-thao-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien1 truy cập ngày 19/3/2025.
- European Commission (2019), Juvenile justice in Europe: A review of best practices, EU Justice and Home Affairs.
- Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=87583 truy cập ngày 21/3/2025.
- https://tcnn.vn/news/detail/67705/Mot-so-khuyen-nghi-ap-dung-xu-ly-chuyen-huong-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-o-Viet-Nam.html truy cập ngày 21/3/2025.
TRẦN VĂN MINH
Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7