/ Góc nhìn
/ Biếu, tặng quà Tết: Hiểu sao cho đúng?

Biếu, tặng quà Tết: Hiểu sao cho đúng?

05/01/2024 06:54 |

(LSVN) - Trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời của dân tộc. Tết luôn có một giá trị rất thiêng liêng đối với mỗi người. Biếu, tặng quà Tết phù hợp hoàn cảnh, điều kiện thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện tấm lòng thành kính đối với các bậc bề trên, là lúc các cơ quan, đoàn thể chăm lo đời sống người lao động và tri ân những người đã giúp đỡ ta trong cuộc sống. Nhận chút quà của người biếu tỏ tấm lòng thành, người nhận càng trở nên giàu có về tình cảm, đạo hiếu nghĩa. Điều quan trọng là người biếu không cảm thấy đó là gánh nặng, người nhận cảm nhận được sự tôn trọng. Và quà Tết có giá trị thiêng liêng vì lẽ đó. Vậy biếu, tặng quà Tết như thế nào: Hiểu sao cho đúng?

 Ảnh minh họa. 

Ngày 23 tháng 11 năm 2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 26-CT/TW về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024, trong đó quy định rõ việc không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cán bộ lãnh đạo các cấp chỉ được dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi... Thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và những điều đảng viên không được làm.

Một năm trước đó, ngày 18/11/2022, Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, trong đó cũng có nội dung nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cơ quan nhà nước, các cá nhân có thẩm quyền cần thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống, hội nghị tổng kết năm, gặp mặt đầu năm, Tết trồng cây… một cách thiết thực, an toàn, tiết kiệm nhất và bảo đảm phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hoá của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương trên cả nước. Chỉ thị của Ban Bí thư nêu rõ, lãnh đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Đây là năm thứ hai Ban Bí thư ra Chỉ thị có nội dung nhấn mạnh yêu cầu không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.

Yêu cầu này của Ban Bí thư là hết sức cần thiết bởi trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả tích cực, được dư luận ủng hộ. Đảng ta xác định đây là cuộc chiến lâu dài, gian khó, không ngừng nghỉ. Tham nhũng, tiêu cực vẫn tìm mọi cách biến đổi, ẩn giấu một cách tinh vi và khó lường dưới nhiều hình thức, như những biến thể của virus. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, điều tra, đưa ra ánh sáng với giá trị vật chất lớn. Không ít cán bộ tha hóa, biến chất lợi dụng dịp Tết để đưa hối lộ, lấy lòng cấp trên bằng nhiều cách, làm cho tục lệ chúc Tết tốt đẹp bị biến tướng thành cơ hội lấy lòng cấp trên nhằm đạt được các mục đích cá nhân bằng những món quà giá trị lớn khủng khiếp và không xuất phát từ tấm lòng.

Trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời của dân tộc. Tết luôn có một giá trị rất thiêng liêng đối với mỗi người. Biếu, tặng quà Tết phù hợp hoàn cảnh, điều kiện thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện tấm lòng thành kính đối với các bậc bề trên, là lúc các cơ quan, đoàn thể chăm lo đời sống người lao động và tri ân những người đã giúp đỡ ta trong cuộc sống. Nhận chút quà của người biếu tỏ tấm lòng thành, người nhận càng trở nên giàu có về tình cảm, đạo hiếu nghĩa. Điều quan trọng là người biếu không cảm thấy đó là gánh nặng, người nhận cảm nhận được sự tôn trọng. Và quà Tết có giá trị thiêng liêng vì lẽ đó. Vậy biếu, tặng quà Tết như thế nào: Hiểu sao cho đúng? 

Với Chỉ thị này, Ban Bí thư một lần nữa nhắc nhớ các cá nhân ở cương vị lãnh đạo, quản lý, các cơ quan nhà nước cần thực hành nêu gương, thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư. Việc thực hiện tốt Chỉ thị cũng là một kênh tuyên truyền và lan tỏa tích cực để người dân nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của Tết truyền thống cũng như giá trị văn hóa của việc biếu, tặng quà Tết. Hành vi biếu tặng với sự tri ân, trân trọng hoàn toàn khác về bản chất so với hành vi đút lót, hối lộ quà cáp để nhằm mục đích mua bán, đổi chác, vụ lợi. Sự méo mó, biến tướng, lồng động cơ vụ lợi cá nhân vào hành vi biếu tặng quà Tết cần bị lên án và loại bỏ khỏi đời sống.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền là những người được tách ra từ xã hội, được nhân dân tín nhiệm để thực hiện công việc tổ chức và quản lý xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, trong đó phục vụ nhân dân là lẽ sống, là mục đích hướng đến của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hơn ai hết, hành động nêu gương của họ có sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc định hướng, dẫn dắt xã hội thực hiện nét đẹp truyền thống vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Xã hội chỉ tốt đẹp khi mỗi người hiểu đúng và cùng chung tay gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có chúc Tết và biếu, tặng quà Tết.

LONG BÙI

Các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

 

Nguyễn Mỹ Linh