/ Kết nối
/ Bình Định: Căn cứ pháp lý để bãi tập kết cát trái phép tồn tại

Bình Định: Căn cứ pháp lý để bãi tập kết cát trái phép tồn tại

01/12/2024 09:01 |

(LSVN) – Mặc dù pháp luật chưa có quy định cụ thể về địa điểm xây dựng bến bãi tập kết, mỗi địa phương sẽ chủ trì quản lý, xây dựng, sử dụng các bến bãi vật liệu xây dựng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, tình trạng bến bãi tập kết trái phép vẫn diễn ra.

Nằm cách Quốc lộ (QL) 19 khoảng 250m, thuộc địa phận thôn 3, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, một bãi tập kết cát có diện tích khoảng 2000m2 với trữ lượng lên đến khoảng 6000m3 tồn tại ngay phía dưới đường dây điện cao thế.

Tại thời điểm ngày 29/11, những chiếc xe đầu kéo đang di chuyển vào lấy cát, phía bên trong khuôn viên bãi tập kết có 03 chiếc máy đào cỡ lớn đang túc trực chờ sẵn. Bên trong khuôn viên bãi tấp kết cát còn xây dựng một nhà tạm để phục vụ cho việc trong coi, cũng như trao đổi mua bán cát.

Bãi tập kết ai quy định vì sử dụng đất không đúng mục đích.

Bãi tập kết ai quy định vì sử dụng đất không đúng mục đích.

Khi thấy sự có mặt của PV, mọi hoạt động bên trong bãi tập kết đều dừng lại. Người dân địa phương cho biết, bãi tập kết này đã tồn tại một thời gian dài, hàng ngày có rất nhiều xe trọng tải lớn vào lấy cát. Thời gian trước có đoàn vào kiểm tra, nhưng cho đến nay bãi tập kết này vẫn tồn tại.

Liên quan đến vấn đề này, ông Văn Ngọc Quế, Phó chủ tịch UBND xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết, bãi trữ cát tại thôn 3, xã Bình Nghi là của ông P.N.A, một doanh nghiệp tại địa phương. Bãi trữ cát này là sai quy định vì sử dụng đất không đúng mục đích.

Ông Quế cho biết thêm, cách đây vài tháng, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra bãi trữ cát của ông P.N.A. Lúc kiểm tra, ông A. có xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh được nguồn gốc cát. Vì bãi trữ cát sử dụng trên đất sản xuất nông nghiệp, sai với mục đích sử dụng nên chính quyền địa phương đã nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu doanh nghiệp không khắc phục chúng tôi sẽ xử lý theo pháp luật. Nếu như bãi tập kết này ảnh hưởng đến hệ thống hành lang đường điện, chúng tôi sẽ kiểm tra phối hợp giữa các đơn vị và xử lý ngay", ông Quế nói.

Hàng ngày xe tải lớn vẫn ra, vào lấy cát tại bãi tập kết trái phép này.

Hàng ngày xe tải lớn vẫn ra, vào lấy cát tại bãi tập kết trái phép này.

Đối với trường hợp này, Luật sư Trương Đức Trung, Văn phòng Luật sư Phong & Partners đưa ra luận điểm, Bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng được hiểu là địa điểm cụ thể để tập kết và tập kết vật liệu xây dựng. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về địa điểm xây dựng các bãi tập kết, mỗi địa phương sẽ chủ trì quản lý, xây dựng, sử dụng các bến bãi vật liệu xây dựng phù hợp với quy hoạch trên địa bàn địa phương.

Tuy nhiên, quản lý và quy hoạch các bên bãi tập kết vật liệu xây dựng luôn là nỗi khó khăn của các cơ quan nhà nước, bởi lẽ các bến bến tập kết này thường tự phát, xây dựng không phép gây ra nhiều hệ lụy đối với môi trường, giao thông và cuộc sống của người dân.

Hiện nay, pháp luật vẫn chưa có chế tài xử lý trực tiếp hành vi xây dựng các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng trái quy định, để có cơ sở xử lý hành vi này, các cơ quan có thẩm quyền thường áp dụng chế tài xử phạt trong lĩnh vực đất đai để xử lý. Như trong trường hợp bãi trữ cát ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp sẽ bị xử lý về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người thực hiện hành vi xây dựng các bãi tập kết trái phép có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với trách nhiệm hành chính, căn cứ theo điểm c, khoản 1 Điều 10 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, hành vi sử dụng đất nông nghiệp sang loại đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép sẽ bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1ha đến dưới 0,5ha.

Đối với trách nhiệm hình sự, hành vi xây dựng, tập kết bãi tập kết vật liệu xây dựng trái pháp luật có thể bị xử phạt lên đến 07 năm tù theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Ngoài ra, nếu hành vi xây dựng bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép gây nguy hại môi trường hoặc gây cản trở giao thông sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật trong lĩnh vực môi trường hoặc lĩnh vực giao thông đường bộ.

Nghị định 123/2024/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Điều 8. Sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép

2. Hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05ha;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05ha đến dưới 0,1ha;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1ha đến dưới 0,5ha;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5ha đến dưới 01ha;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01ha đến dưới 02ha;

e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ trên 02ha trở lên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Điều 10. Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép

1. Hành vi chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05ha;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05ha đến dưới 0,1ha;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1ha đến dưới 0,5ha;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5ha đến dưới 01ha;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01ha đến dưới 02ha;

e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 02ha trở lên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai

1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

PV MIỀN TRUNG

Các tin khác