Ảnh minh họa.
1. Án lệ số 45/2021/AL về xác định bị cáo phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp “Phạm tội chưa đạt”
- Tình huống án lệ:
Bị cáo cố ý thực hiện hành vi nhằm tước đoạt tính mạng của bị hại, bị hại bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ là 100%.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định là hậu quả chết người chưa xảy ra, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” thuộc trường hợp “Phạm tội chưa đạt”.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
Điều 15, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nội dung án lệ: [4] Vụ án có đồng phạm, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm; Nguyễn Bá T cho rằng bị hại cướp người yêu của mình nên đã rủ các đối tượng khác đến nhà anh Hồng Quốc A trả thù và nói rõ mục đích tìm bị hại để “tiêu diệt nó”. Phạm Quang V, Nguyễn Đinh An K và Phạm Hoàng T1 không có mâu thuẫn với bị hại nhưng vẫn thống nhất ý chí cùng thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Bá T. Các bị cáo nhận thức được tính chất nguy hiểm và hậu quả của việc nhiều người đánh một người, cùng tác động vào những vị trí trọng yếu trên cơ thể, có khả năng làm người bị hại tử vong nhưng vẫn thực hiện. Hành vi liên tục tấn công, dùng chân tay, đánh, đấm vào người, vào mặt; dùng thanh gỗ đập vào đầu bị hại cho đến khi người bị hại nằm bất động; trước khi bỏ đi còn hỏi “mày giết nó à?”, “mày chết chưa?...” thể hiện rõ tính chất côn đồ và ý thức chủ quan của các bị cáo là cùng cố ý tước đoạt tính mạng của bị hại. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử Nguyễn Bá T, Phạm Quang V, Phạm Hoàng T1, Nguyễn Đinh Anh K về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.
[5] Theo Kết luận giám định pháp y thương tích số 68/TTPY ngày 16/01/2019 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế H: “Anh Hồng Quốc A bị chấn thương sọ não, hiện sống thực vật... Tỷ lệ tổn hại sức khoẻ là 100%”. Như vậy, trong vụ án này, các bị cáo đã cố ý thực hiện hành vi nhằm tước đoạt đoạt tính mạng của bị hại nhưng hậu quả chết người không xảy ra, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự".
Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Để xác định một vụ án đồng phạm thì việc xác định mục đích thực hiện tội phạm là yếu tố quan trọng, đối với tội "Giết người" thì cho dù các bị cáo không có mâu thuẫn với bị hại nhưng khi được rủ rê đã cùng nhau thực hiện mục đích giết người. Án lệ 45/2021/AL khi có hiệu lực pháp luật có thể áp dụng đối với các hành vi phạm tội có yếu tố đồng phạm trong đó các đồng phạm nếu có sự thống nhất ý chí để thực hiện mục đích là giết người thì đồng phạm về tội "Giết người".
Án lệ 45/2021/AL đã giải thích về tình tiết có tính chất côn đồ xác định các vấn đề bao gồm: Ý thức của người phạm tội; công cụ, phương tiện phạm tội, mức độ tấn công, cường độ tấn công và tính chất của hành vi; nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội.
Đồng thời, Án lệ 45/2021/AL xác định rằng để thỏa mãn tội danh giết người thì phải có hậu quả chết người xảy ra còn bị hại không chết mặc dù có tỷ lệ tổn thương cơ thể là 100% thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
2. Án lệ số 46/2021/AL1 về việc xác định tình tiết định khung hình phạt “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” trong tội “Dâm ô đối với trẻ em”
Khái quát nội dung án lệ:
- Tình huống án lệ: Bị cáo là giáo viên nơi bị hại là trẻ em theo học, không trực tiếp giảng dạy bị hại, có hành vi dâm ô đối với bị hại.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo phạm tội “Dâm ô đối với trẻ em” theo điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 với tình tiết định khung hình phạt “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” (tương ứng điểm d khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” với tình tiết định khung hình phạt “Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục”).
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
- Điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “Dâm ô đối với trẻ em” (tương ứng với khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”);
- Điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 31 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Nội dung án lệ: Đinh Quang D là giáo viên dạy môn địa lý của Trường trung học phổ thông L. Ngày 26/3/2017, D xuống khu học sinh dân tộc nội trú nhờ học sinh nam chặt chuối giúp ở phía sau khu tập thể của D, gặp T chơi ở phòng các học sinh nữ và biết T đang học lớp 10. Từ đó D và T thường hay nhắn tin cho nhau. Ngày 02/4/2017, T nhắn tin đến phòng D chơi và D có hành vi dâm ô đối với T. Do đó, D biết T được khoảng 1 tuần và biết T là học sinh của Trường trung học phổ thông L[4]. Theo quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 31 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Điều lệ trường Trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì nhiệm vụ của giáo viên bộ môn là phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác trong việc dạy học và giáo dục học sinh. Do đó, với tư cách là giáo viên của nhà trường, D phải có trách nhiệm giáo dục tất cả các học sinh của trường, trong đó có cháu Nguyễn Thị T. Do đó, D phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 mới đúng pháp luật".
Đối với án lệ 46/2021/AL1 có hiệu lực thì khi xác định chủ thể phạm tội để áp dụng tình tiết “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục” tại điểm c khoản 2 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội “Dâm ô đối với trẻ em” (tương ứng với khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”) xác định chủ thể có trách nhiệm giáo dục là giáo viên nhà trường mà không phân biệt là giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm… giáo viên phải có trách nhiệm giáo dục tất cả các học sinh của trường mà không xác định có trực tiếp giảng dạy hay không.
3. Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại.
Khái quát nội dung án lệ:
- Tình huống án lệ:
Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
- Điều 18; điểm a, n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với Điều 15; điểm a, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Nội dung án lệ: “Mặc dù giữa Nguyễn Đình Đ và anh Cao Văn C không có mâu thuẫn trước đó, nhưng từ lời nói của anh C “Tao thích đánh nhau, thích đổ thêm dầu vào lửa đấy. Mày là thằng nào mà đến đây hổ báo”, Đ cầm dao (loại dao dùng làm hàng mây tre đan, chuôi gỗ dài 11cm, lưỡi bằng sắt dài 13,5cm, đầu mũi dao nhọn hơi cong, bản dao nơi rộng nhất 2,5cm) chỉ vào mặt anh C nói “Mày thích đánh nhau à” rồi dùng dao đâm một nhát vào bụng anh C làm anh C bỏ chạy.
Như vậy, chỉ vì lời nói của anh C có tính chất thách thức, kích động mà Đ đã dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng (mạn sườn bên trái) của anh C là vùng trọng yếu trên cơ thể con người. Theo kết luận giám định thì anh C bị thương tích 05%, và đây là thương tích ở thời điểm giám định (sau gần 05 tháng vụ án xảy ra), không phải thương tích ở thời điểm xảy ra vụ án, nên không phản ánh đúng thương tích của anh C và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Việc anh C không chết là ngoài ý muốn chủ quan của Đ.
Do đó, hành vi nêu trên của Đ đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, thuộc trường hợp "phạm tội chưa đạt và có tính chất côn đồ".
Trong thực tiễn việc phân biệt giữa hành vi giết người vầ cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau, ngoài việc phân biệt các yếu tố như cường độ tấn công, mức độ tấn công, sử dụng hung khí, mục đích… thì việc xác định vùng trọng yếu trên cơ thể của hành vi là một yếu tố để phân biệt hai hành vi này.
Vùng trọng yếu cơ cơ thể con người là những vùng quan trọng mà nếu tác động vào có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người, đây là những vùng chứa đựng các cơ quan quan trọng quyết định sự sống cơ thể con người. Vùng trọng yếu trên cơ thể con người có thể bao gồm vùng bụng, vùng lưng và vùng đầu. Việc sử dụng hung khí tấn công vào các vùng trọng yếu này đến dẫn đến hậu quả chết người và việc xác định tội danh giết người là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, việc xem xét vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân và mức độ nghiêm trọng của thương tích cũng chỉ mang tính tương đối và trong từng trường hợp cụ thể cần phải được xem xét một cách toàn diện cùng các yếu tố khác mới có thể đánh giá đúng ý thức chủ quan của người phạm tội. Trong những điều kiện đặc biệt như sự việc xảy ra trong đêm tối, người phạm tội bị nhiều người tấn công hoặc trong lúc đang giằng co, vật lộn với nhau, người phạm tội không hoàn toàn làm chủ được hành vi của mình mà đâm chém bừa thì nên xem xét thận trọng, toàn diện để định tội danh cho phù hợp.
Như vậy, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành 02 án lệ để phân biệt giữa hành vi giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người và là án lệ thứ 3 xác định áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ, các nội dung như đã giải thích tại Án lệ 45/2021.
Tại Án lệ 17/2018/AL xác định mục đích thực hiện hành vi phạm tội còn Án lệ 47/2021/AL là xác định vùng trọng yếu trên cơ thể người, còn đối với tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ ở 03 án lệ đều được xác định giống nhau.
4. Án lệ số 48/2021/AL về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “nộp lại tiền thu lợi bất chính”
Khái quát nội dung án lệ:
-Tình huống án lệ: Bị can, bị cáo nộp lại tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
- Khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017);
- Điểm c mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nội dung án lệ: “Khi xét xử vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo trên là không chính xác, vì việc nộp lại tiền thu lợi bất chính không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự mà là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự...”.
Điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” trong Bộ luật Hình sự năm 2015 thuộc điểm b khoản 1 Điều 51.
Một người phạm tội muốn tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội phải gây ra là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và phải có đối tượng để sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả là cá nhân hoặc tổ chức cụ thể. Nhưng hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc xâm phạm khách thể là trật tự công cộng, hậu quả là ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc duy trì sự ổn định, tính có kỷ luật, tính có tổ chức trong trật tự tức là hậu quả ở đây là yếu tố phi vật chất, không định hình và không có giá trị vật chất và không xác định được đối tượng bị thiệt hại. Chính vì không xác định được hậu quả và đối tượng cụ thể của hành vi phạm tội nên trong trong tội "Đánh bạc" và "Tổ chức đánh bạc" không thể sửa chữa, bồi thường, khắc phục hậu quả được mà phải chịu trách nhiệm hình sự về chính hành vi phạm tội của mình.
Về tiền thu lợi bất chính trong tội "Đánh bạc" và "Tổ chức đánh bạc" chính là tiền có được do hành vi phạm tội gây ra, tiền này do Nhà nước truy thu bị cáo tự nguyện nộp lại cho Nhà nước hoàn toàn không thuộc trường hợp “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”.
Như vậy từ Án lệ số 48/2021/AL có thể nhận thấy vật, tiền, tài sản… mà bị cáo tự nguyện dùng để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là vật, tiền, tài sản…phải hợp pháp và đúng quy định của pháp luật mới thỏa mãn điều kiện để áp dụng tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”.
Khi Án lệ 48/2021/AL có hiệu lực thì có thể xác định đối với những vụ án mà có vật, tiền, tài sản do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản tiền thu lợi bất chính từ việc phạm tội nếu bị cáo tự nguyện nộp lại thì thuộc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.
TRẦN VĂN HÙNG
Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4