Ảnh minh họa.
1. Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 01/2014/HNGĐ-GĐT ngày 27/02/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án hôn nhân gia đình “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con” tại tỉnh Đắk Lắk giữa nguyên đơn là chị Phạm Thị Kiều K. với bị đơn là anh Nguyễn Hữu P. 2. Vị trí nội dung án lệ: Đoạn 3 phần “Nhận định của Tòa án”. 3. Khái quát nội dung án lệ: - Tình huống án lệ: Trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó. - Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. 4. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Khoản 2, 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. 5. Từ khoá của án lệ: “Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi”; “Ly hôn”; “Tranh chấp về nuôi con”. |
Qua nghiên cứu toàn bộ án lệ, tác giả có một số ý kiến bình luận về án lệ như sau:
1. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
Khoản 2, 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
2. Sự cần thiết ban hành án lệ
Theo quy định tại Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi ly hôn, vợ chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Quy định này nhằm đảm bảo được quyền lợi mọi mặt cho người con. Trường hợp, vợ chồng không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Tuy nhiên, đối với người con dưới 36 tháng tuổi thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nếu có tranh chấp về nuôi con mà vợ chồng không thoả thuận được người trực tiếp nuôi con thì Toà án giao con cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Từ quy định này mà thực tiễn giải quyết các vụ án ly hôn có tranh chấp về nuôi con dưới 36 tháng tuổi thường các Toà án giải quyết giao con cho người mẹ nuôi mà không xem xét đến người trực tiếp nuôi con trước khi ly hôn là ai; người mẹ nếu trực tiếp nuôi con có đảm bảo quyền lợi cho con không.
Từ đó, dẫn đến nhiều trường hợp, sau khi Toà án giải quyết ly hôn xong thì một thời gian sau người không trực tiếp nuôi con là người chồng nộp đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Vì vậy, việc ban hành Án lệ số 54/2022 là rất cần thiết, tạo sự thống nhất trong vận dụng áp dụng pháp luật và đường lối giải quyết vụ án ly hôn có tranh chấp nuôi con mà người con là dưới 36 tháng tuổi nhưng do người chồng trực tiếp nuôi trước khi ly hôn.
3. Nội dung án lệ
Quá trình giải quyết vụ án chị Phạm Thị Kiều K. và anh Nguyễn Hữu P. đều có nguyện vọng xin được nuôi cháu Nguyễn Đắc T., sinh ngày 30/11/2016. Khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, chị Phạm Thị Kiều K. tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại cháu T. mới được 04 tháng tuổi cho anh Nguyễn Hữu P. nuôi dưỡng. Tại các Biên bản xác minh cùng ngày 23/01/2018 (bút lục số 19, 20, 24), Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ thôn H, xã E, huyện K xác nhận: “Anh Nguyễn Hữu P. nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Nguyễn Đắc T. rất tốt. Anh P. có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ N, thu nhập ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu T.”.
Mặc dù, khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho mẹ trực tiếp nuôi...”, nhưng chị K. đã không nuôi cháu T. từ khi cháu được 04 tháng tuổi. Hiện tại, cháu T. đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh P. nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu T. cho chị K. nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét một cách toàn diện, tiếp tục giao cháu T. cho anh P. trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm giao cháu T. cho chị K. nuôi dưỡng là không phù hợp, chưa xem xét đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của cháu T.
Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra đề trao đổi nghiên cứu thêm đó là khi giải quyết vụ án ly hôn có tình huống pháp lý tương tự như tình huống trong Án lệ số 54/2022/AL thì có cần phải xem xét đến nguyên nhân, hoàn cảnh việc người mẹ phải bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, việc người mẹ không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và độ tuổi của con thời điểm người mẹ bỏ đi là mấy tháng hoặc mấy tuổi không. Bởi vì thực tiễn giải quyết các vụ án ly hôn có tranh chấp việc nuôi con dưới 36 tháng tuổi có trường hợp người mẹ tự bỏ đi khi con còn rất nhỏ và không trực tiếp thăm hỏi, quan tâm đến con cho đến khi vụ án ly hôn được Toà án thụ lý giải quyết nhưng cũng có trường hợp người mẹ bị buộc phải bị bời người chồng hoặc người thân của người chồng.
Ví dụ: Do mâu thuẫn về tiền trong gia đình giữa vợ chồng mà người chồng có hành vi xua đuổi, chửi mắng, bạo hành người vợ, mặc dù gia đình hai bên có khuyên cản nhưng người chồng vẫn không thay đổi thái độ và hành vi với người vợ. Trường hợp, người vợ bỏ nhà đi về nhà mẹ ruột nhưng trong hoàn cảnh không thể không đi. Trường hợp này có xem là người mẹ tư bỏ nhà đi không. Cho nên, khi xem xét vấn đề người mẹ tự ý bỏ đi phải xem xét đến nguyên nhân của việc bỏ đi này. Nếu việc bỏ đi xuất phát từ ý chí của người mẹ mà không bị tác động bởi nguyên nhân khác thì xem xét áp dụng Án lệ số 54/2022/AL. Còn nếu việc người mẹ bỏ đi mà bị tác động bởi người chồng, hoặc gia đình chồng thì cần xem xét không áp dụng Án lệ số 54/2022/AL mà việc giao con cho người chồng hoặc người mẹ nuôi là căn cứ vào các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tình tiết “khi con còn rất nhỏ” cũng cần phải tiếp tục làm rõ thêm. Bởi vì tình huống trong án lệ là người con mới 04 tháng tuổi nhưng tình huống tương tự thời điểm người mẹ bỏ đi khi người con 10, 11 tháng tuổi hoặc hơn 01 tuổi thì có thể xem xét áp dụng Án lệ số 54/2022/AL để giải quyết hay không. Như vậy, việc xác định thời điểm người mẹ tự ý bỏ đi “khi người con còn rất nhỏ” là thời điểm người con dưới 12 tháng tuổi là phù hợp nhất. Bởi vì thời điểm mọi trẻ em rất cần sự chăm sóc của người mẹ. Nếu thời điểm người mẹ tự ý bỏ đi thì không xem xét áp dụng Án lệ số 54/2022/AL mà việc giao con cho người chồng hoặc người mẹ nuôi là căn cứ vào các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
DƯƠNG TẤN THANH
Phó Chánh án TAND Thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh