Ảnh minh họa.
Theo đó, từ phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01/2022, thực hiện yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học lấy ý kiến về vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật, gồm: Sự cần thiết ban hành luật; Phạm vi điều chính; Thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ đánh giá các nội dung vấn đề nêu trên đã được Bộ Công an đề xuất tiếp thu, chỉnh lý có cơ sở và phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Một trong số đó là thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.
“Dù Bộ Công an, Bộ GTVT và một số bộ ngành đã thống nhất chuyển giao nhưng trong bối cảnh chưa có sự thống nhất, đồng thuận cao nên Bộ Công an đề xuất chưa thay đổi cơ quan quản lý Nhà nước”, báo cáo Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Đối với nội dung còn lại cũng đã được Bộ Công an tiếp thu, chỉnh lý phù hợp nên Văn phòng Chính phủ cho biết các vướng mắc giữa Dự án luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, và Luật Giao thông đường bộ đã cơ bản được giải quyết, đạt được sự đồng thuận cao giữa các bộ, ngành liên quan.
Dự án luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, song song với đó là Dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo.
Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ được giao cho Bộ Công an thực hiện, thay vì Bộ GTVT như hiện nay.
Trong quá trình soạn thảo, do có 02 luồng ý kiến khác nhau nên Chính phủ đã trình 02 phương án.
Phương án 01: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Phương án 02: Dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020), đa số đại biểu Quốc hội khi được lấy ý kiến đã bày tỏ quan điểm chưa tán thành phương án chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Theo thống kê, toàn quốc có 329 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 370 cơ sở đào tạo lái xe ô tô với khoảng 2.000 cán bộ viên chức. Tuy nhiên, khi khi chuyển quản lý Nhà nước, phương án giải quyết tối ưu cũng như đánh giá tác động chưa được các cơ quan chức năng làm rõ và cũng là nguyên nhân chính khiến nội dung này không nhận được sự đồng thuận, thống nhất.
TRẦN QUÝ
Hà Nội chỉ đạo về việc tổ chức học bán trú khi học sinh đi học trực tiếp trở lại