/ Luật sư - Bạn đọc
/ Bộ Công an nhận đơn tố cáo liên quan tiền từ thiện

Bộ Công an nhận đơn tố cáo liên quan tiền từ thiện

22/09/2021 07:39 |

(LSVN) - Bộ Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo và điều tra các thông tin liên quan đến vấn đề tiền từ thiện, việc huy động từ thiện của các cá nhân khiến dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua.

Đàm Vĩnh Hưng đã nhờ pháp luật vào cuộc giải quyết ồn ào với doanh nhân Phương Hằng. Ảnh: Chụp màn hình.

Ngày 22/9, Cơ quan CSĐT, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết ngoài việc đã tiếp nhận đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng không chỉ của Đàm Vĩnh Hưng mà còn nhận được rất nhiều đơn tố cáo của Hoài Linh, Vy Oanh và một số ca sĩ, nghệ sĩ khác. 

Theo đó, các ca sĩ, nghệ sĩ nộp đơn tố cáo vì cho rằng bà Hằng đã có hành vi vu khống, xúc phạm danh dự người khác trên mạng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Cơ quan CSĐT, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết đang xác minh các đơn tố cáo và sẽ thông tin sau.

Trước đó, ngày 21/9, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng cho biết phía Cơ quan CSĐT, Công an TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý và đang trong quá trình xác minh đơn tố cáo doanh nhân Nguyễn Phương Hằng của anh. Nam ca sĩ nói thêm anh đã yêu cầu Công ty kiểm toán vào cuộc để kiểm toán toàn bộ các khoản tiền thu chi liên quan đến từ thiện và cung cấp kết quả kiểm toán cho cơ quan điều tra.

“Hưng đã xác định sẽ đi đến cùng bằng con đường pháp luật, nên dù có phải chờ đợi cơ quan điều tra xác minh và kết luận thì Hưng vẫn sẽ chờ”, anh nói.

Liên quan đến vấn đề trên, trong buổi livestream hôm 17/9, phía Thủy Tiên - Công Vinh cũng cho biết đã nộp đơn kiện người vu khống mình. Nam cầu thủ cho hay: “Trong suốt thời gian vừa qua, hai vợ chồng chịu điều tiếng rất lớn khi bị vu khống trên mạng xã hội Facebook. Một số cá nhân đã vu khống, bôi nhọ danh dự, bịa đặt trên internet, làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, ảnh hưởng đến lợi ích cũng như tình hình kinh tế. Với quyền công dân của mình, vợ chồng chúng tôi sẽ nhờ đến cơ quan pháp luật để bảo vệ. Những giấy tờ, sao kê này sẽ là bằng chứng để chúng tôi gửi cơ quan chức năng, cơ quan cảnh sát điều tra. Chúng tôi tin vào pháp luật, tin rằng không một ai đứng trên pháp luật được. Dù bất cứ là ai thì chúng tôi cũng sẽ có đơn kiện”.

Trong thời gian vừa qua, mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều thông tin liên quan đến việc làm từ thiện, kêu gọi từ thiện từ một số cá nhân, việc kêu gọi từ thiện này xuất phát trong những thời điểm cấp thiết như: Thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, có người kêu gọi từ thiện xong lập tức đem đi trao đến tay bà con nghèo gặp khó khăn thì cũng có người "giữ" lại tiền trong tài khoản dẫn đến dư luận đặt rất nhiều câu hỏi về việc cần phải minh bạch số tiền quyên góp, minh bạch quá trình sử dụng tiền...

Không chỉ riêng số tiền được các nghệ sĩ có tên tuổi, có danh tiếng kêu gọi mà một số cá nhân khác cũng kêu gọi và phân phối tiền từ thiện. Từ việc tiếp nhận tiền đóng góp từ người dân đến việc phân phối tiền từ thiện này đã phát sinh những bất cập nên đã có đơn tố cáo các cá nhân kêu gọi từ thiện.

Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc thích nói gì thì nói, thích viết gì thì viết

Trao đổi với Tạp chí Luật sư VIệt Nam, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội, quyền của mỗi người đối với danh dự, nhân phẩm của mình được pháp luật bảo vệ và được thể hiện trong nhiều quy định pháp luật khác nhau, từ đạo luật cao nhất là Hiến pháp cho đến các quy định pháp luật chuyên ngành.

Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013 đã ghi nhân công dân có quyền tự do ngôn luận. Bên cạnh việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, Khoản 1 Điều 20, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Vì vậy, tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc thích nói gì thì nói, thích viết gì thì viết, mà tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ, giới hạn không làm ảnh hưởng đến các quyền và giá trị khác cũng được Hiến pháp bảo vệ. Các giới hạn này được thể hiện ở các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số văn bản khác.

Mọi hành vi đi quá giới hạn, làm tổn hại hoặc xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể, Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ", “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.

Ngoài ra, tại điểm d, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng đưa ra các hành vi bị cấm bao gồm:

“Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo đó, hành vi vu khống người khác trên mạng xã hội tuỳ theo mức độ và tính chất của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, cá nhân có thể bị xử phạt số tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. 

Trong trường hợp nếu như hành vi vu khống đó gây những hậu quả nghiêm trọng thì hành vi đó có thể sẽ bị cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

“Khi đó, người bị vu khống có thể làm đơn gửi tới cơ quan Công an hoặc trực tiếp tới trụ sở công an để trình báo về sự việc trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như danh dự, nhân phẩm của mình”, Luật sư Hoài cho biết.

Ngoài ra họ còn phải bồi thường về vật chất những thiệt hại gây ra cho cá nhân, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật Dân sự nếu có. Theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong quan hệ dân sự như sau: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Về cách xác định thiệt hại được quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cũng cho rằng, thông tin trên mạng xã hội là thông tin dư luận, thông tin chưa được kiểm chứng, đó là việc người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận. Đã là dư luận xã hội thì người ta có thể có những quan điểm khác nhau, suy nghĩ khác nhau, bày tỏ những thái độ khác nhau.

Tuy nhiên, pháp luật quy định việc bày tỏ quan điểm, thái độ của người này không được nhằm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác. Nếu các nghệ sĩ thấy rằng đã có người loan tin, bịa chuyện nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của mình, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân mình thì có quyền trình báo sự việc với cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Nếu những đồn đoán, nghi ngờ của một số người, một nhóm người trong đó bao gồm cả những người đã góp tiền cho nghệ sĩ này làm từ thiện vẫn còn tiếp diễn (sau khi nghệ sĩ này đã giải thích, xuất trình các chứng cứ), vẫn có người chửi bới, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm uy tín của nghệ sĩ này thì nghệ sĩ này có quyền tố cáo hoặc khởi kiện dân sự.

“Việc các nghệ sĩ bị tố cáo, có khởi kiện hay không đó là quyền, mà đã là quyền thì có thực hiện hay không thực hiện là do bản thân họ. Dù gì thì đây cũng là câu chuyện đáng buồn, hoạt động từ thiện tự phát của các nghệ sĩ thiếu chuyên nghiệp, thiếu minh bạch dẫn đến nghi ngờ trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của những nghệ sĩ chân chính và gây ra những bức xúc, hệ lụy trong xã hội, thậm chí có thể dẫn đến những xung đột xã hội và kéo theo rất nhiều hệ lụy khác”, Luật sư Cường nói.

Sự việc này có lẽ những người nổi tiếng, các nghệ sĩ, những người hoạt động từ thiện sẽ rút ra được rất nhiều bài học cho mình. Đồng thời, nhà nước cũng sẽ phải có trách nhiệm sửa đổi bổ sung Nghị định 64/2008/NĐ-CP về kêu gọi, vận động, tiếp nhận hàng, quà cứu trợ để tăng cường công tác quản lý hoạt động từ thiện tự phát, tránh những rắc rối có thể xảy ra sau mỗi lần đồng bào gặp khó khăn phải cần có sự đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng.

VÕ QUẾ 

Hành vi vu khống người khác trên mạng xã hội có xử lý được không?

Admin