Ảnh minh họa.
Trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An cho biết, tình trạng ùn tắc tại các Trung tâm Đăng kiểm vẫn còn tái diễn nghiêm trọng. Cụ thể, số lượng phương tiện đến kỳ kiểm định chưa được kiểm định gần 900.000 xe; số lượng phương tiện phải kiểm định trong 06 tháng tới khoảng 2.100.000 xe. Trong khi đó, năng lực kiểm định của tất cả các Trung tâm Đăng kiểm trên toàn quốc (241 Trung tâm Đăng kiểm với 384 dây chuyền) chỉ đáp ứng khoảng 500.000 xe hàng tháng.
Để tháo gỡ tình trạng này, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT đã tìm các giải pháp ứng phó. Theo đó, về ngắn hạn, Bộ GTVT động viên cán bộ, công nhân viên Trung tâm Đăng kiểm tăng ca, làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để phục vụ người dân.
Bộ GTVT cũng khuyến cáo chủ phương tiện cần chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng (nếu có) của phương tiện trước khi đưa phương tiện đi kiểm định.
Bên cạnh đó, đăng ký đặt lịch hẹn trước qua phần mềm đặt lịch hẹn kiểm định phương tiện của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các hình thức đăng ký trực tiếp nhằm hạn chế ùn tắc.
Chủ phương tiện chỉ nên đưa các xe đến hạn đăng kiểm hoặc chủ động trên đường về quê, đi công tác, du lịch, lấy hàng, giao hàng có thể tới bất kỳ Trung tâm Đăng kiểm nào tiện đường để kiểm định.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ trong công tác kiểm định tại khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, Bộ Quốc phòng đã cử 50 cán bộ chiến sỹ kiểm định viên, Bộ Công an đã cử 100 cán bộ chiến sỹ chia thành 02 đợt. Đây cũng là những giải pháp tình thế quan trọng tháo gỡ ùn tắc đăng kiểm. Tuy nhiên, để tháo gỡ tình trạng ùn tắc đăng kiểm một cách lâu dài, Bộ GTVT đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, Bộ kiến nghị tăng cường tuyển dụng, tổ chức tập huấn, đánh giá công nhận đăng kiểm viên.
Đồng thời, Bộ cũng đang đề xuất điều chỉnh tăng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới phù hợp với thực tế để tăng thu nhập cho đơn vị kiểm định nhằm khuyến khích, động viên người lao động và góp phần hạn chế tiêu cực.
Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành quy định miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới chưa qua sử dụng. Theo đó, hàng năm có khoảng 500.000 phương tiện được miễn kiểm định mà không phải đến các Trung tâm Đăng kiểm. Quy định này đã giảm số lượng các phương tiện đến Trung tâm Đăng kiểm (theo thống kê có khoảng từ 06-12 phương tiện/01 Trung tâm Đăng kiểm/01 ngày được cấp miễn mà không phải đưa xe đến Trung tâm Đăng kiểm).
Ngoài ra, quy định mới đã thay đổi thời gian chu kỳ kiểm định ở một số nhóm đối tượng. Tuy nhiên phần lớn các nhóm phương tiện được áp dụng chu kỳ kiểm định mới đến hạn vẫn phải đến các Trung tâm Đăng kiểm để thực hiện kiểm định. Do đó, Bộ GTVT đang nghiên cứu giải pháp tự động gia hạn chu kỳ đăng kiểm theo quy định mới.
Bộ GTVT cho biết thêm, đơn vị đã nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Nghị định này đang được nghiên cứu sửa đổi bổ sung theo hướng, khai thác hiệu quả các nguồn lực của xã hội tham gia kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (không hạn chế đối tượng).
Quy định số lượng nhân sự tối thiểu để mở lại các Trung tâm Đăng kiểm đang dừng hoạt động do thiếu hụt lực lượng đăng kiểm viên (từ 03 đăng kiểm viên giảm xuống còn 02 đăng kiểm viên thực hiện đầy đủ các hạng mục kiểm tra).
Bỏ quy định về giới hạn năng suất kiểm định trên mỗi dây chuyền kiểm định để khuyến khích áp dụng công nghệ mới, phát huy và tận dụng tối đa nguồn lực và năng lực chuyên môn của đơn vị và đăng kiểm viên để tăng năng suất kiểm định.
MINH QUÝ
Đề nghị bổ sung cơ chế khuyến khích tự nguyện nộp lại tài sản tham nhũng