Đề nghị bổ sung cơ chế khuyến khích tự nguyện nộp lại tài sản tham nhũng

14/05/2023 12:01 | 1 năm trước

(LSVN) - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam kiến nghị xem xét nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản tham nhũng đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại đã gây ra.

Ảnh minh họa.

Mới đây, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Chính trị; Ban Bí thư; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ và các cơ quan kiến nghị nhiều vấn đề sau khi giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, qua giám sát cho thấy, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã đạt được những kết quả ngày càng tích cực hơn.

Tuy nhiên, khối lượng tài sản phải thu hồi trong các vụ án là rất lớn nhưng tới thời điểm giải quyết các vụ án, tài sản phải thu hồi còn lại rất ít hoặc không còn để đảm bảo thu hồi. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản còn thấp, quá trình giải quyết vụ án còn chậm...

Rất nhiều tài sản kê biên có tranh chấp về quyền sở hữu chung (giữa vợ/chồng/con/thân nhân người phạm tội; giữa các cổ đông trong công ty, doanh nghiệp...) nên thi hành án kéo dài.

Đến khi có tranh chấp về tài sản kê biên thì việc giải quyết của tòa án lại chưa thống nhất, có nơi Tòa án thụ lý, giải quyết tranh chấp; có nơi lại không thụ lý với lý do “tài sản đã bị kê biên trong bản án khác”…

Cũng theo báo cáo, kết quả thi hành án để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn thấp, chỉ đạt 32,53% so với tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Theo đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định nguyên nhân hạn chế, thiếu sót có nhiều, trong đó có nguyên nhân do thể chế pháp luật hiện hành về thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế có nhiều quy định còn vướng mắc, thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi dẫn tới nhiều cách hiểu, cách áp dụng khác nhau.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chưa có các biện pháp, hướng dẫn, quy định cụ thể để truy tìm tài sản, xác định “đường đi” của tài sản bị chiếm đoạt để làm rõ hành vi che giấu nguồn gốc. Kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa ra xét xử. Còn trước đó, dù bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều không áp dụng là điều kiện để đối tượng vi phạm có thời gian tẩu tán tài sản.

Thêm nữa, do chưa có cơ chế về kiểm soát thu nhập cũng như Luật Đăng ký tài sản nên việc kê khai tài sản cũng làm ảnh hưởng đến công tác xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án. 

Việc kê biên xử lý tài sản là vốn góp, cổ phần của cá nhân, tổ chức phải thi hành án cũng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, chưa quy định rõ đơn vị thẩm định tài sản của doanh nghiệp, giá trị còn lại của doanh nghiệp và giá trị phần vốn góp của người phải thi hành án như thế nào…

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhận định, hầu hết các cơ quan hoạt động tư pháp hiện đang bị quá tải do khối lượng công việc ngày càng tăng.

Các vụ án lớn với số lượng bị cáo, bị hại lên đến hàng nghìn người, số tiền phải thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng và số tài sản phải xử lý lên đến hàng trăm, hàng nghìn tài sản mỗi vụ, trong khi số lượng, chất lượng cán bộ hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật cũng chưa đáp ứng yêu cầu trong đấu tranh, phát hiện xử lý các tội phạm tham nhũng, chức vụ, nhất là tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng…

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao, nhất là chưa quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. 

Để khắc phục các vấn đề trên, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phân công kiểm tra và giám sát việc thực hiện rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt.

Đồng thời tháo gỡ “điểm nghẽn, nút thắt” trong các giai đoạn giải quyết, thu hồi tài sản của các cơ quan; hoàn thiện quy định về phòng, chống tham nhũng trong thu hồi tài sản.

Kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm giữ, tạm ngừng giao dịch tài khoản. Tạm thời kê biên tài sản/phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong một thời hạn cụ thể trước khi áp dụng các quy định tại Điều 128, Điều 129, Bộ luật Hình sự hiện hành.

Xem xét nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại đã gây ra để xây dựng hành lang pháp lý thống nhất có tính khả thi. Các quy định về hạn chế hình thức sử dụng tiền mặt và tăng cường các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cần được thực hiện triệt để quyết liệt trong các lĩnh vực.

Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các tổ chức quốc tế để xác minh, truy tìm tài sản, thực hiện việc tương trợ tư pháp về hình sự đối với tài sản, tài khoản người phạm tội tẩu tán ra nước ngoài.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa để giảm thiệt hại, thất thoát về tài sản tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy Nhà nước.

MINH QUÝ

Quy định về ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hành chính