/ Luật sư - Bạn đọc
/ Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống: Vì sao không đưa chữ ‘p’ vào SGK lớp 1?

Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống: Vì sao không đưa chữ ‘p’ vào SGK lớp 1?

23/02/2022 07:25 |

(LSVN) - Mặc dù văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quy định rất rõ về chuẩn tiếng Việt trong việc biên soạn tài liệu dạy và học cho học sinh Tiểu học, trong đó có cả sách giáo khoa (SGK). Tuy nhiên, sách Tiếng Việt lớp 1 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam lại “quên” đưa chữ “p” vào dạy cho học sinh lớp 1.

SGK Tiếng Việt 1 thuộc Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam. 

Theo Quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/6/2002 quy định Bảng chữ cái chuẩn cho tiếng Việt gồm 29 chữ cái, trong đó có chữ “p”. Cũng trong Quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT kể trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai cũng đã kí ban hành Mẫu chữ viết trong Trường Tiểu học gồm 29 chữ cái, trong đó có chữ “p”. Như vậy, bảng chữ cái kể trên đã được quy chuẩn hóa, có tính khoa học, tính pháp lí và tính thống nhất trong phạm vi cả nước. Với việc biên soạn SGK, việc tuân thủ các quy định kể trên cần phải chặt chẽ với yêu cầu cao nhất.

Tuy nhiên, trong sách Tiếng Việt lớp 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống do PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng làm Tổng Chủ biên đã không dạy chữ “p” và âm “p” (pờ) cho học sinh Tiểu học. Việc làm này dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trong việc dạy và học của học sinh.

Khi Bảng chữ cái chuẩn đã được Bộ GD&ĐT ban hành thì đó là một văn bản mang tính bắt buộc khi áp dụng. Tuy nhiên, Hội đồng biên tập cũng như cá nhân PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng khi biên tập cuốn sách lại không tuân thủ quy định này. Hơn nữa, khi thẩm định nội dung sách Hội đồng thẩm định cũng không chú ý hoặc bỏ qua vấn đề này.

Với việc bỏ không dạy chữ “p” và âm p (pờ) cho học sinh Tiểu học, có nhiều bất cập sẽ xảy ra trong cả nói và viết bằng tiếng Việt. Theo đó, tất cả các từ bắt đầu bằng phụ âm “p” như: Pa Kô, Pắc Bó, pê đan, penicilin… sẽ đọc như thế nào. Điều này dẫn tới việc cấu trúc cũng như giao tiếp bằng tiếng Việt sẽ bị phá vỡ, các văn bản đã ban hành thì đọc như thế nào theo cấu trúc của cuốn sách?

Việc biên soạn SGK là việc vô cùng hệ trọng, những sai sót sẽ để lại hậu quả rất lớn đối với thế hệ trẻ. Thời gian qua, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam sau khi đưa vào giảng dạy đã có nhiều “sạn” được báo chí phản ánh, như vấn đề bản quyền những bài đọc đưa vào sách, nội dung rườm rà, sai sót trong từ vựng…

PV

Góp ý về việc chọn và sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa

Lê Minh Hoàng