/ Góc nhìn
/ Bổ nhiệm cán bộ và truyền thống gia đình

Bổ nhiệm cán bộ và truyền thống gia đình

29/07/2022 03:21 |

(LSVN) - Việc “con quan rồi lại làm quan” đã trở thành khá phổ biến dưới chế độ chúng ta. Nhìn một cách tích cực thì đó là sự phát huy truyền thống gia đình, tiếp bước cha anh, cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước, thậm chí, có người còn coi đây là “hồng phúc của dân tộc”. Trong lịch sử, đã có những gia đình khoa bảng, cha truyền con nối, ngày nay, có những gia đình khoa học, trí thức tiêu biểu thì việc “cả nhà làm quan” cũng không phải là điều lạ.

Ảnh minh họa.

Trong một ngày, gia đình nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đón nhận 2 tin vui và trở thành tiêu điểm chú ý của giới truyền thông. Bà mẹ, Tiến sĩ y khoa, Thầy thuốc nhân dân nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh lần thứ 2 từ Cộng hòa Pháp. Con trai bà, Tiến sĩ y khoa, Bác sĩ Hoàng Quốc Cường, sinh năm 1982, Phó Viện trưởng Viện Pausteur TP. Hồ Chí Minh được Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Ngọc Lan điều chuyển đến nhận công tác tại UBND thành phố Cần Thơ để bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Y tế của thành phố này.

Việc “con quan rồi lại làm quan” đã trở thành khá phổ biến dưới chế độ chúng ta. Nhìn một cách tích cực thì đó là sự phát huy truyền thống gia đình, tiếp bước cha anh, cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước, thậm chí, có người còn coi đây là “hồng phúc của dân tộc”. Trong lịch sử, đã có những gia đình khoa bảng, cha truyền con nối, ngày nay, có những gia đình khoa học, trí thức tiêu biểu thì việc “cả nhà làm quan” cũng không phải là điều lạ.

Đặc biệt, điểm xuất phát của tầng lớp “con ông cháu cha” khác hẳn thường dân, họ được đào tạo bài bản, du học nước ngoài, ở vào các vị trí dễ thăng tiến, phương tiện trên quan lộ của họ là ô tô, còn người khác thì chạy bộ. Và, trên thực tế, có những trường hợp con lãnh đạo làm lãnh đạo đã đảm đương tốt công việc trên cương vị của mình.

Dư luận xã hội chỉ chú ý và phê phán các trường hợp “bổ nhiệm thần tốc” hoặc “nâng đỡ không trong sáng”. Các trường hợp bị chỉ trích này thường được lý giải là “đúng quy trình, quy định”, là “đảm bảo tiêu chuẩn” nhưng cuối cùng khi vấp phải những phản ứng dữ dội của dư luận và truyền thông thì việc bổ nhiệm đó đã không như ý muốn của người trong cuộc, buộc họ phải lùi lại để đợi thời cơ khác, chín muồi hơn. Những trường hợp này, có thể lấy dẫn chứng thực tế sinh động từ con trai Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh được bổ nhiệm làm Bí thư thành phố Bắc Ninh hoặc con gái của nữ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc làm Phó Giám đốc Sở.

Có trường hợp được “bổ nhiệm đúng quy trình” và ngồi vững chãi trên cái ghế của mình rồi vẫn bị “ngã ngựa” một cách thê thảm như chúng ta đã thấy ở Đà Nẵng hoặc Quảng Ngãi là những dẫn chứng đầy thuyết phục mà dân gian gọi là “Cao Biền dậy non”.

Trở lại với trường hợp của Bác sĩ, Tiến sĩ Hoàng Quốc Cường. Anh ta được đào tạo cơ bản, lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Anh Quốc và Hoa Kỳ, lại đảm được chức vụ lãnh đạo một viện lớn từ năm 2019 thì tuổi 40 cũng không phải là quá trẻ so với cương vị  Giám đốc Sở của một thành phố lớn. Hơn nữa, thành phố Cần Thơ đã khuyết chức Giám đốc Sở Y tế từ 7 tháng nay, kể từ khi ông Cao Minh Chu bị khởi tố vào tháng 12 năm 2021.

Tin rằng, bài học đau đớn từ những người lãnh đạo ngành y tiền nhiệm như những Cao Minh Quang, Cao Minh Chu, Trương Quốc Cường,… còn nguyên giá trị và những lãnh đạo lớp trẻ như ông Hoàng Quốc Cường không đi vào “vết xe đổ” đó!  

NHỊ NGỌC

Khẩn trương lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

Lê Minh Hoàng