Ảnh minh họa.
Thời điểm bỏ phụ cấp thâm niên
Tiền lương, phụ cấp nói chung và phụ cấp thâm niên nói riêng của giáo viên hiện nay đang quy định cụ thể tại Điều 76 Luật Giáo dục năm 2019. Cụ thể, nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Trong khi đó, trước đây, khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Giáo dục 2009 (đã hết hiệu lực) quy định, giáo viên được hưởng gồm: tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.
Do đó, tính từ ngày 01/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, giáo viên chỉ còn được hưởng lương, ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề còn phụ cấp khác và phụ cấp thâm niên đã bị bãi bỏ.
Đồng thời, việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên của giáo viên cũng là tinh thần tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: "Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức)".
Có thể thấy, theo quy định trên, phụ cấp thâm niên 2021 của giáo viên sẽ bị bãi bỏ.
Tuy nhiên, trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã đề nghị lùi thời gian thực hiện phụ cấp thâm niên đến khi chế độ tiền lương mới được ban hành và có hiệu lực tại Công văn số 8982/BTC-HCSN ngày 27/7/2020. Đồng thời, tại Hội nghị Trung ương 13 sáng ngày 09/10/2020, Ban Chấp hành đã tán thành lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 01/7/2022 thay vì năm 2021 như Nghị quyết 27-NQ/TW.
Như vậy, thời điểm cải cách tiền lương được Ban Chấp hành Trung ương biểu quyết là từ ngày 01/7/2022.
Trước đó, tại Công văn 977/NGCBQLGD-CSNGCB năm 2020 trả lời chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục ban hành thì chính sách tiền lương và phụ cấp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện theo quy định của Chính phủ. Theo đó, các chính sách về chế độ tiền lương (trong đó có chế độ phụ cấp thâm niên) đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi có các quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ.
Thu nhập của giáo viên liệu có giảm nếu bỏ phụ cấp thâm niên
Trước đây, thu nhập của giáo viên được tính như sau:
Thu nhập giáo viên = Tiền lương theo hệ số + Phụ cấp ưu đãi theo nghề + Phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác (nếu có) |
Từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, thu nhập của giáo viên được tính như sau:
Thu nhập giáo viên = Tiền lương theo vị trí việc làm + Phụ cấp đặc thù nghề |
Trong đó:
- Về tiền lương theo vị trí việc làm:
Thay vì lấy lương cơ sở nhân với hệ số như hiện nay, tiền lương theo vị sẽ được tính theo vị trí việc làm sau khi xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm. Cũng theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì việc xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng và sẽ tiến tới gần hơn mức lương trung bình tối thiểu của khối doanh nghiệp.
- Về phụ cấp đặc thù nghề:
Đây chính là tên loại phụ cấp gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...).
Như vậy, việc lo lắng bỏ phụ cấp thâm niên thì lương sẽ giảm là chưa hoàn toàn đúng. Vì quy định mới làm thay đổi hoàn toàn về kết cấu lương chứ không phải cắt giảm đi phụ cấp thâm niên.
Đây là chính sách mới của Nhà nước để thu hút các giáo viên trẻ. Việc thực hiện cải cách tiền lương không phải là đề giảm lương giáo viên mà là để trả lương theo đúng công sức lao động của mọi người, công bằng chứ không cào bằng.
LINH CHI