Ảnh minh họa.
Quỹ Bình ổn xăng dầu mục đích là điều hòa giá xăng dầu nhằm hạn chế tình trạng giá xăng dầu tăng quá cao ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và ổn định nền kinh tế. Nguyên lý hoạt động của quỹ là khi giá xăng dầu ở mức thấp, người mua trả thêm một khoản nộp vào quỹ, sau đó dùng tiền này để bù vào khi giá tăng cao, tức người dân nộp tiền trước để bình ổn cho chính mình. Các công ty xăng dầu chỉ thu hộ và giữ hộ, còn cơ quan chức năng sẽ điều tiết quỹ để giữ giá xăng dầu ổn định.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhất là khi xăng dầu tăng cao, Quỹ này không mấy phát huy tác dụng, chỉ điều tiết, kìm chế giá được một thời gian ngắn, rồi đuối sức dần và gần như bị vô hiệu hóa. Ngoài ra, việc duy trì quỹ sẽ phải có thêm bộ máy quản lý, điều hành tạo thêm chi phí không cần thiết.
Đặc biệt việc trích lập quỹ sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi. Bởi theo quy định hiện hành mỗi lít xăng bán ra thị trường phải trích lập quỹ 300 đồng, thậm chí có thể cao hơn tùy từng trường hợp. Vì vậy, bản chất hoạt động của quỹ chính là người dân đang phải ứng trước tiền của mình cho quỹ, như vậy là không thỏa đáng, không hợp lý. Bởi người tiêu dùng phải ứng tiền ra trước cho doanh nghiệp, rồi sau đó chính tiền này bù lại cho người tiêu dùng. Chưa kể khi Quỹ Bình ổn xăng dầu âm, doanh nghiệp đầu mối có thể sẽ ghim hàng khiến nhiều cửa hàng không có xăng dầu để bán... Mặt khác, Quỹ chỉ có lợi cho doanh nghiệp đầu mối còn doanh nghiệp trung gian khó khăn, vì họ không có quyền chủ động sử dụng quỹ bình ổn, thậm chí bất hợp lý trong việc trích nộp - xả Quỹ này từ các đơn vị liên quan.
Bên cạnh đó, việc điều hành giá xăng dầu là theo chu kỳ nhất định nên nếu người tiêu dùng đổ xăng vào kỳ có giá thấp thì sẽ bị trích để đóng góp vào quỹ. Tuy nhiên, nếu kỳ sau giá tăng cao nhưng họ lại không sử dụng xăng dầu thì số tiền của họ đã trích trước đó bị quỹ lại lấy ra để trả cho những người sử dụng ở chu kỳ sau. Mặc dù, có thể xảy ra tình huống ngược lại nhưng như vậy là bất hợp lý, không phù hợp với cơ chế thị trường và quyền lợi của người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chấm dứt việc duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu mà để thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và người tiêu dùng trả tiền sử dụng xăng dầu theo giá thị trường được nhà nước điều hành. Vấn đề tính toán chu kỳ điều hành giá xăng dầu sao cho có hiệu quả hơn thiết thực hơn. Theo đó, nên rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày như hiện nay có thể xuống còn 5 ngày/chu kỳ.
Có thể khẳng định, việc bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu ở thời điểm hiện nay là phù hợp với quy luật thị trường, vừa vẫn đảm bảo có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước một cách hợp lý, chừng mực nhất định.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum