/ Kinh tế - Pháp luật
/ Đề xuất bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản

Đề xuất bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản

29/11/2023 07:00 |

(LSVN) - Góp ý cụ thể cho dự thảo Luật, đại biểu cho rằng các quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện nay đang bỏ trống các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản. Quá trình tổ chức thi hành có ý kiến cho rằng, tổ chức đấu giá tài sản được làm những gì pháp luật không cấm, có quyền tự do thỏa thuận các giao dịch dân sự…

Ảnh minh họa. 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 28/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tham gia thảo luận, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Đại biểu tỉnh Quảng Bình) cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cấp về thể chế, thúc đẩy công khai, minh bạch, khách quan của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Qua nghiên cứu dự thảo và từ thực tiễn theo dõi công tác đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cơ bản nhất trí với nội dung và bố cục của dự thảo Luật. Góp ý cụ thể cho dự thảo Luật, đại biểu cho rằng: Các quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện nay đang bỏ trống các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản. Quá trình tổ chức thi hành có ý kiến cho rằng, tổ chức đấu giá tài sản được làm những gì pháp luật không cấm, có quyền tự do thỏa thuận các giao dịch dân sự… Do đó, đại biểu đề nghị Luật cần bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản như: gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để dành lợi thế về cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá…

Bên cạnh đó, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Đại biểu tỉnh Long An) thống nhất và tin tưởng dự án Luật sẽ tháo gỡ vướng mắc, tiêu cực trong đấu giá tài sản. Thống nhất về mức tiền đặt trước, mức tiền đặt trước từ 5-20% đối với tài sản đặc thù, tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định. Do đó, đại biểu đề nghị giữ quy định như hiện hành.

Quy định này là phù hợp tạo điều kiện thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá. Nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá, dù thực tế có một số đối tượng tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc. Từ thực tế trên, đại biểu đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Về dừng phiên đấu giá, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết ngoài những biểu hiện bất thường trong tham giá đấu giá như giá được trả tăng rất nhiều so với giá khởi điểm. Luật chưa quy định quyền của đấu giá viên hay quyền của người có tài sản đấu giá yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp trên. Hay đấu giá tài sản thi hành án dân sự mà số tiền đấu giá đã đủ để thi hành án chưa có quy định dừng đấu giá...

PV

Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân vẫn phải tuân thủ quy tắc và đạo đức hành nghề

Nguyễn Mỹ Linh