Ảnh minh họa.
Luật sư hành nghề bằng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp, uy tín của chính cá nhân Luật sư, dưới tư cách cá nhân hoặc hành nghề trong một tổ chức hành nghề Luật sư. Theo Điều 49 Luật Luật sư, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân là Luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề Luật sư.
Do vậy, có thể hiểu rằng, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân là Luật sư làm việc dưới vai trò như là “người lao động” trong một doanh nghiệp (không phải là tổ chức hành nghề Luật sư) với chuyên môn là “Luật sư” và có trách nhiệm cung cấp dịch vụ pháp lý cho chính cơ quan, tổ chức đã ký hợp đồng lao động.
Chính vì lẽ đó, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đôi khi sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng, tác động bởi cơ quan ký kết hợp đồng lao động. Bởi ngoài vai trò là Luật sư, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trước hết là một người lao động của một cơ quan, tổ chức nên phải tuân thủ các thỏa thuận theo hợp đồng lao động và một số quy tắc, quy định, định hướng phát triển của cơ quan, tổ chức đó. Tuy nhiên, dù hành nghề với hình thức như thế nào, với lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của mình, người Luật sư vẫn phải tuyệt đối tuân thủ quy tắc và đạo đức hành nghề, theo đó tại Mục 23.1 Quy tắc 23, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã nhấn mạnh Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không để bị chi phối bởi các yêu cầu, quy định nội bộ của cơ quan, tổ chức để làm trái pháp luật, Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư.
Ngoài ra, Mục 23.2 Quy tắc 23, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam cũng nêu rõ: “Trong phạm vi công việc được phân công phụ trách, nếu phát hiện cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức chuẩn bị hoặc đang có hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy định nội bộ của cơ quan, tổ chức có khả năng gây thiệt hại đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, thì Luật sư cần giải thích và đưa ra ý kiến để người đó từ bỏ ý định hoặc dừng hành vi vi phạm.
Trong trường hợp cần thiết, Luật sư cần báo cáo với người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức về hành vi vi phạm”.
Đặc thù của nghề Luật sư là một nghề gắn với việc thực hiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể trong xã hội, góp phần bảo vệ công lý, sự công bằng, lẽ phải. Do vậy, trong bất cứ hoàn cảnh và môi trường công tác có tác động như thế nào, người Luật sư phải luôn nhớ đến sứ mệnh của mình, giữ gìn cái “Tâm” trong sáng, khách quan; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, sẵn sàng lên tiếng tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; có trách nhiệm và ý thức giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của nghề Luật sư.
Bên cạnh việc tuân thủ các quy tắc và đạo đức hành nghề, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân luôn phải tuân thủ các quy định pháp luật về hành nghề Luật sư. Theo đó, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn Luật sư mà Luật sư đó là thành viên.
THANH THỊNH
Thư ký Tòa án quân sự Khu vực Hải quân
Luật sư không được sử dụng các chức danh khác ngoài danh xưng Luật sư để mưu cầu lợi ích