/ Thư viện pháp luật
/ Bổ sung các trường hợp văn bản được xác định là trái pháp luật

Bổ sung các trường hợp văn bản được xác định là trái pháp luật

07/03/2025 18:58 |1 tháng trước

(LSVN) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Trong đó đáng chú ý, văn bản đề xuất bổ sung các trường hợp văn bản được xác định là trái pháp luật.

Theo đó, Mục 1 Chương II dự thảo quy định những vấn đề chung về kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, gồm các nội dung:

- Nguyên tắc kiểm tra, xử lý văn bản;

- Văn bản thuộc đối tượng kiểm tra;

- Nội dung kiểm tra văn bản;

- Căn cứ pháp lý để xác định văn bản trái pháp luật, văn bản sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày;

- Văn bản thuộc đối tượng xử lý;

- Tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mục này cơ bản kế thừa và hoàn thiện các quy định tại Mục 1 Chương VIII (về kiểm tra, xử lý văn bản QPPL) của Nghị định 34/2016/NĐ-CP hiện hành.

Đồng thời, đáng chú ý quy định bổ sung các trường hợp văn bản được xác định là trái pháp luật, đó là: 

- Văn bản QPPL vi phạm một trong các quy định về đăng tải dự thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra; 

- Văn bản có dấu hiệu chứa QPPL nhưng không được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật năm 2025;

- Văn bản hướng dẫn áp dụng văn bản QPPL vi phạm khoản 2 Điều 61 của Luật năm 2025 là văn bản trái pháp luật; (tại khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định). 

Hiện nay, điểm b khoản 17 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP  sửa đổi Nghị định 34/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định, văn bản trái pháp luật gồm:

- Văn bản ban hành không đúng thẩm quyền;

- Văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn;

- Văn bản quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định tại khoản 1 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 

- Văn bản vi phạm quy định của pháp luật về đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra dự thảo;

- Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành trong trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng không thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định bổ sung về tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật để phù hợp với quy định về căn cứ kiểm tra văn bản quy định tại Điều 63 của Luật năm 2025. Cụ thể:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện văn bản quy định tại Điều 4 của Nghị định này có dấu hiệu trái pháp luật thì kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, người đã ban hành văn bản hoặc cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản theo quy định tại Nghị định này để tổ chức kiểm tra.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật phát hiện văn bản quy định tại Điều 4 của Nghị định này có dấu hiệu trái pháp luật thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

- Cơ quan, tổ chức, người nhận được kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm tổ chức kiểm tra văn bản hoặc chuyển kiến nghị, phản ánh đến cơ quan, người có trách nhiệm, thẩm quyền kiểm tra văn bản, đồng thời thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, phản ánh kiểm tra văn bản về việc đã tiếp nhận hoặc đã chuyển kiến nghị, phản ánh.

Ngoài ra, Mục 4 Chương II dự thảo quy định về xử lý văn bản QPPL trái pháp luật, gồm các nội dung: Hình thức xử lý văn bản trái pháp luật, văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày; Trình tự, thủ tục xử lý văn bản trái pháp luật; Kiến nghị, báo cáo xem xét lại kết luận kiểm tra văn bản; Thủ tục xử lý văn bản trái pháp luật trong trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ; Thời hạn xử lý văn bản trái pháp luật; Công bố văn bản xử lý văn bản trái pháp luật. 

Mục này cơ bản kế thừa, hoàn thiện các quy định tại Tiểu mục 5 Chương VIII của Nghị định 34/2016/NĐ-CP hiện hành, đồng thời xác định rõ 02 hình thức xử lý văn bản trái pháp luật, gồm: 

- Đình chỉ việc thi hành; 

- Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần. 

THU HƯƠNG

Các tin khác