Thông tư liên tịch này quy định căn cứ, điều kiện, thời hạn, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 ngày 28 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội khóa XV thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 164/2024/QH15).

Ảnh minh hoạ.
Trong đó đáng chú ý, Điều 4 Thông tư liên tịch này nêu rõ, cơ quan tiến hành tố tụng xem xét quyết định trả lại tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa cho bị hại hoặc đại diện của bị hại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 khi có đủ các căn cứ, điều kiện sau:
- Đã xác định được rõ chủ sở hữu đối với số tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa;
- Đã xác định rõ bị hại, tổng thiệt hại và số tiền bị thiệt hại đối với từng bị hại;
- Có văn bản đề nghị được trả lại số tiền bị thiệt hại của các bị hại hoặc đại diện của bị hại;
- Có văn bản đề nghị trả lại số tiền bị thiệt hại của bị can, bị cáo hoặc người khác là chủ sở hữu.
Số tiền xem xét quyết định trả lại cho bị hại được xác định như sau:
- Số tiền xem xét quyết định trả lại cho bị hại được xác định bằng tổng số tiền thu giữ, tạm giữ, phong tỏa trừ đi số tiền tạm tính về án phí, lệ phí và các khoản ưu tiên thi hành khác theo quy định pháp luật thi hành án dân sự;
- Trường hợp số tiền xem xét quyết định trả lại cho bị hại theo quy định tại điểm a khoản này lớn hơn hoặc bằng tổng số tiền thiệt hại của các bị hại thì trả lại toàn bộ cho bị hại. Phần tiền còn lại (nếu có) được xử lý theo Điều 5 Thông tư liên tịch này;
- Trường hợp số tiền xem xét quyết định trả cho bị hại theo quy định tại điểm a khoản này nhỏ hơn tổng số tiền thiệt hại của các bị hại thì mỗi bị hại được trả lại theo tỷ lệ dựa trên tổng số tiền xem xét trả lại cho các bị hại theo quy định tại điểm a khoản này so với tổng thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
- Trường hợp tiền thu giữ, tạm giữ, phong tỏa là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực thì khi quyết định trả lại tiền cho bị hại, cơ quan tiến hành tố tụng phải đề nghị một tổ chức tín dụng có thẩm quyền quy đổi và tiến hành chi trả bằng tiền Việt Nam đồng theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm chi trả;
- Trường hợp đến giai đoạn xét xử Tòa án xác định số tiền đã trả cho bị hại không đúng với thiệt hại thực tế mà bị hại đó đã được nhận thì Hội đồng xét xử quyết định xử lý trong bản án, quyết định.
Trình tự, thủ tục trả lại tiền cho bị hại được thực hiện như sau:
- Cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu để xác định căn cứ, điều kiện trả lại tiền cho bị hại và thông báo cho bị hại, bị can, bị cáo, người khác là chủ sở hữu số tiền để họ có văn bản đề nghị. Trường hợp vụ án có nhiều bị hại mà không thể thực hiện việc thông báo trực tiếp cho bị hại thì cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Tố tụng hình sự nêu rõ thời hạn gửi văn bản đề nghị trả tiền;
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo thông báo, nếu có văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức họp để thống nhất việc quyết định trả lại tiền cho bị hại. Cuộc họp phải được lập biên bản có chữ ký của đại diện các cơ quan tham gia;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp theo quy định tại điểm b khoản này, nếu thống nhất được thì người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 ra quyết định trả lại tiền cho bị hại; trường hợp không thống nhất thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người có văn bản đề nghị biết;
- Quyết định trả lại tiền cho bị hại phải được ghi rõ trong kết luận điều tra, cáo trạng, bản án, quyết định của Tòa án. Quyết định trả lại tiền cho bị hại, văn bản thông báo không áp dụng biện pháp được đưa vào hồ sơ vụ án.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định áp dụng hoặc văn bản thông báo không áp dụng biện pháp trả lại tiền cho bị hại phải được gửi, giao như sau:
- Gửi cho Viện Kiểm sát, cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia họp; tổ chức tín dụng và kho bạc Nhà nước có liên quan trong trường hợp ra quyết định áp dụng;
- Giao cho bị can, bị cáo, bị hại hoặc đại diện của bị hại, chủ sở hữu hợp pháp của số tiền.
Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng khi nhận được quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện ngay việc trả lại tiền cho bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ và gửi các chứng từ thanh toán cho cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định để theo dõi, làm cơ sở xử lý vụ án.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2025.