Trước đó, sáng ngày 11/12/2024, tại Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự án Luật Luật sư (sửa đổi) và đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ sung dự án Luật Phá sản (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và kết luận như sau:
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao trong việc đề nghị xây dựng 05 dự án luật và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết bổ sung dự thảo Nghị quyết và 04 dự án luật, gồm: dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự án Luật Phá sản (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), để ưu tiên các dự án luật có tính chất cấp bách hơn, bảo đảm chất lượng thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận đề xuất của Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương chỉ đạo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội để chuẩn bị hồ sơ các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội bảo đảm chất lượng, tiến độ, trong đó cần lưu ý tiếp tục hoàn thiện nội dung các chính sách, đánh giá tác động chính sách đầy đủ, nghiêm túc theo quy định; rà soát các luật có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa những vấn đề thực tiễn đang biến động mà giao Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm tính ổn định của luật và linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết; thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
4. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao gửi hồ sơ dự án luật, dự thảo Nghị quyết đã hoàn thiện đến các cơ quan của Quốc hội chậm nhất là ngày 20/02/2025 để thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 43 (tháng 3/2025) trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.