/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TANDTC khẳng định luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư tham gia tố tụng

Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TANDTC khẳng định luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư tham gia tố tụng

05/01/2021 18:13 |

(LSVN) - Chiều ngày 06/11/2020, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các Bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi về các vấn đề nóng đang được cử tri quan tâm. Trong đó, đáng chú ý là câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến vấn đề tạo điều kiện cho Luật sư tham gia tố tụng.

Cơ quan điều tra luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư tham gia tố tụng

Trả lời câu hỏi chất vấn này của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định các cơ quan luôn luôn tạo điều kiện cho các Luật sư theo các quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời câu hỏi chất vấn.

Về chủ trương chung và trên thực tiễn, các cơ quan điều tra luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, triển khai vấn đề này, ngày 10/10/2019, Bộ công an đã ban hành Thông tư 46 quy định về trách nhiệm của các cơ quan Công an trong thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã người bị tạm giữ, bị can và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố,... Trong đó đã quy định rất cụ thể các biện pháp để đảm bảo các quyền nêu trên và tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư tham gia và thực hiện.

Bộ trưởng cũng cung cấp cụ thể các số liệu cho thấy điều này. Theo đó, trong năm 2020, cơ quan điều tra các cấp đã cấp 3765 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của bị can, (tăng so với trước đó là 2,42%); 7156 giấy chứng nhận bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (tăng 17,08%).

Tòa án luôn tạo môi trường thuận lợi nhất cho Luật sư tham gia tranh tụng

Cũng trả lời về việc tạo điều kiện cho Luật sư, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tranh tụng được xem là giải pháp đột phá của cải cách tư pháp. Về địa vị của Tòa án trong quá trình tranh tụng thì Tòa án không phải là chủ thể tranh tụng. Đối với các vụ án hình sự thì bên buộc tội và bên gỡ tội, tức là Luật sư và đại diện viện kiểm sát là các chủ thể tranh tụng. Trong các vụ án dân sự thì bên nguyên đơn và bên bị đơn là các chủ thể tranh tụng.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời câu hỏi chất vấn.

Tòa án luôn tạo môi trường thuận lợi nhất cho các bên tranh tụng. "Việc này chúng tôi quan niệm rằng, tham gia cùng Luật sư một cách đúng đắn, đúng pháp luật, biện luận chính là con đường đi đến công lý. Cho nên chúng tôi tạo điều kiện tối đa cho Luật sư trong quá trình tranh tụng", Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Tòa án Nhân dân Tối cao có chỉ thị và đã chỉ đạo toàn hệ thống không hạn chế thời gian tranh tụng của Luật sư nếu Luật sư còn tiếp tục. Chánh án cũng khảng định tất cả những vấn đề nêu ra trong quá trình tranh tụng đều phải được giải quyết trong phiên tòa và được ghi vào biên bản. Ngoài ra, hội đồng xét xử chỉ được tuyên án trên cơ sở kiểm tra chứng cứ công khai tại tòa và quá trình tranh tụng. Trên thực tế, rất nhiều các vụ án thời gian gần đây đã làm được việc này, đặc biệt là các vụ án lớn về tham nhũng và kinh tế.

THANH THANH

/han-che-thap-nhat-viec-bo-lot-toi-pham-va-oan-sai.html