Ảnh minh họa.
Ngày 12/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề cập tới việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao.
Theo ông Lê Tấn Tới, nhiều ý kiến nhất trí bổ sung các đối tượng cảnh vệ nêu trên. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, vì đã có đối tượng cảnh vệ là Ủy viên Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng đối với Thường trực Ban Bí thư.
Cũng theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, khoản 1, Điều 10 của Luật Cảnh vệ (được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật này) quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam theo hướng liệt kê các đối tượng cảnh vệ cụ thể (trong đó có người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư).
Việc này thống nhất với nội dung Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Theo đó, Kết luận số 35 xác định lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam gồm: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư… và Luật Cảnh vệ hiện hành đã quy định Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng (Ủy viên Ban Bí thư) là đối tượng cảnh vệ.
Do đó, dự thảo Luật bổ sung người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư là đối tượng cảnh vệ là phù hợp và không mâu thuẫn với quy định tại Quy chế làm việc của Ban Bí thư.
Cũng theo ông Lê Tấn Tới, việc các chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị được quy định có cùng chế độ, biện pháp cảnh vệ là phù hợp và đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua, không phát sinh vướng mắc.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ lại quy định về đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư trong dự thảo Luật và không bổ sung quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng đối với đối tượng cảnh vệ này.
Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ (điểm e khoản 3 Điều 1), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết một số ý kiến nhất trí quy định như dự thảo Luật.
Một số ý kiến khác đề nghị làm rõ tiêu chí, trường hợp cấp thiết ngay trong Luật và làm rõ sự tương thích về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an với quy định của Hiến pháp.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội giải thích quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả biện pháp cảnh vệ, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Do đó, việc dự thảo Luật bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ là phù hợp với thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và công tác cảnh vệ.
Với lập luận việc quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải được quy định trong luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ cụ thể, không phải giao ban hành văn bản quy định về nội dung này, là phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Theo tổng kết công tác cảnh vệ của Bộ Công an, từ tháng 07/2018 đến nay, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với 56 trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc theo đề nghị của các bộ, ngành, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Vì công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, khó lường, đòi hỏi pháp luật phải có những quy định linh hoạt để thuận lợi cho việc thực hiện, nên dự thảo Luật đã quy định khái quát trường hợp, tiêu chí áp dụng là: "Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại".
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng cho biết, việc quy định cụ thể, liệt kê trường hợp hoặc tiêu chí áp dụng trong dự thảo Luật là khó bảo đảm tính đầy đủ, kịp thời, linh hoạt để giải quyết các tình huống đột xuất cần triển khai công tác cảnh vệ.
QUÝ NGUYỄN (t/h)
Dự kiến bổ sung một số khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp