/ Đời sống - Xã hội
/ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội về sách giáo khoa

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội về sách giáo khoa

05/01/2021 18:13 |

(LSVN) - Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 03/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về sách giáo khoa.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Bộ đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa. Việc đổi mới sách giáo khoa là thực hiện theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, Nghị quyết 88 của Quốc hội về thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

Đợt đổi mới lần này là đổi mới căn bản từ chương trình, mục tiêu, nội dung, phương pháp đến tất cả các yếu tố được thực hiện. Trong đó, sách giáo khoa là tài liệu để thể hiện chương trình, nó khác với lần đổi mới trước là đổi mới chương trình, có chương trình tổng thể, từ chương trình các môn học, nhóm tác giả sẽ xây dựng, biên soạn sách giáo khoa theo hướng thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa và theo phương thức xã hội hóa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 46 sách thuộc 5 bộ sách của 3 nhà xuất bản. Các bộ sách đều được các nhà trường lựa chọn, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, với sách Tiếng Việt lớp 1 (bộ sách Cánh Diều) đã nhận được phản ánh của người dân, cử tri, các nhà khoa học về một số ngữ liệu chưa phù hợp với tâm lý trẻ. Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng thẩm định, nhà xuất bản chỉnh sửa nên hiện nay những cá nhân, đơn vị có trách nhiệm liên quan đang tích cực chỉnh sửa. Không chỉ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Cánh Diều) mà các bộ sách khác cũng đang được rà soát, chỉnh sửa sao cho phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, theo kinh nghiệm thế giới, việc rà soát, chỉnh sửa, hiệu đính sách giáo khoa là thường xuyên. Sau 1 năm triển khai, Bộ sẽ đánh giá, rà soát để tiếp tục hoàn thiện sách giáo khoa. Đổi mới giáo dục cần có lộ trình, đổi mới sách giáo khoa cần 5 năm để thực hiện. Năm nay là năm đầu tiên thực hiện đổi mới với 46 cuốn sách giáo khoa lớp 1, số lượng khá lớn nên không tránh khỏi sai sót. Để khắc phục những sai sót đó, ngành Giáo dục sẽ nghiêm túc lắng nghe ý kiến đóng góp để tiếp tục rà soát, hoàn thiện các bộ sách.

Về sách tham khảo, Tư lệnh ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, trong thực tế, các văn bản của Bộ đã nêu rõ: Sách giáo khoa là tài liệu được sử dụng chính thức và bắt buộc, còn sách tham khảo thì không phải là bắt buộc trong nhà trường. Sách tham khảo do các nhà xuất bản phát hành theo Luật Xuất bản. Trong đó, giám đốc nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa.

Về quản lý ấn phẩm xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông bàn thảo về tăng cường các giải pháp quản lý sách lậu, sách không đảm bảo chất lượng nhằm đảm bảo thị trường sách tham khảo tốt hơn. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 21 với nội dung không được ép học sinh mua sách tham khảo với bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, thời gian qua, một số nhà trường chưa thực hiện nghiêm túc vấn đề này nên Bộ đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo các trường chấn chỉnh và Bộ cũng trực tiếp đi thanh tra. Tới đây, ngành Giáo dục sẽ tăng cường quản lý để không còn tình trạng ép phụ huynh mua sách tham khảo.

Giải trình vấn đề giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn 2 lần so với sách giáo khoa cũ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, do bộ sách giáo khoa mới nhiều trang hơn, chất lượng in màu tốt hơn, lại thực hiện xã hội hóa nên không được Nhà nước trợ cấp chi phí in ấn nên giá sách cao hơn. Giá đó là sau khi các nhà xuất bản đã được yêu cầu giảm và được Bộ Tài chính chấp nhận sau khi nhà xuất bản giải trình.

Để giá sách giáo khoa phù hợp hơn, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã kiến nghị đưa sách giáo khoa là mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Chính phủ cũng đã có báo cáo Quốc hội và Quốc hội cũng giao cho Bộ Tài chính rà soát sửa đổi Luật Giá để đưa sách giáo khoa là mặt hàng được Nhà nước định giá./.

MINH HIỀN (t/h)

/khang-nghi-giam-doc-tham-trong-to-tung-dan-su.html