Ảnh minh họa.
Thực hiện nhiệm vụ giám sát việc tổ chức thực hiện di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội theo quy hoạch, Bộ Xây dựng đã có văn bản, nhiều lần đôn đốc các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Theo Bộ Xây dựng, Quyết định số 130/QĐ-TTg cũng đã xác định nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời. Cụ thể, ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Bên cạnh đó, tổ chức đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho di dời. Các công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa, ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng.
Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể Trung ương) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.
Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng; trong đó, chỉ đạo tập trung phát triển tại Khu Tây Hồ Tây (khoảng 35ha) và một phần tại Khu vực Mễ Trì.
Theo Bộ Xây dựng, phương án di dời gồm 2 nhóm:
Thứ nhất là nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ: bao gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới và 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ (Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam).
Thứ hai, nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm 13 cơ quan gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng (Các cơ quan này đã đề xuất xây dựng trụ sở mới tại khu vực quy hoạch xây dựng các trụ sở bộ ngành); Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Thực hiện di dời theo Quy hoạch chi tiết trung tâm Ba Đình được phê duyệt).
VĂN QUANG