Luật sư với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật

02/10/2022 18:09 | 1 năm trước

(LSVN) - Tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật để có một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh là góp phần thực hiện sứ mệnh của Luật sư trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế.

Ảnh minh họa.

Xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong hoạt động hành nghề của Luật sư

“Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và thi hành Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của nước ta cơ bản đầy đủ, ổn định, thống nhất. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới; một số quy định còn bất cập, gây kìm hãm, cản trở sự phát triển” (1).

Để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng thì việc xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững rất được Nhà nước quan tâm.

Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, tham gia công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được quy định là một trong những nhiệm vụ của Luật sư, của tổ chức hành nghề Luật sư và của các tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư là Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Luật Luật sư ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư ngày 20/11/2012 (sau đây gọi là Luật Luật sư) quy định Luật sư tham gia công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật thông qua các tổ chức mà Luật sư là thành viên, theo đó tổ chức hành nghề Luật sư có quyền “tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước” (khoản 4, Điều 39, Luật Luật sư), Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có nhiệm vụ “tổ chức lấy ý kiến và tập hợp ý kiến đóng góp của Luật sư trong việc xây dựng chính sách, pháp luật” (điểm i, khoản 7, Điều 22, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam), Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiệm vụ “tổ chức để Luật sư tham gia xây dựng pháp luật, đề xuất lựa chọn nguồn án lệ, nghiên cứu khoa học pháp lý,…” (điểm n, khoản 5, Điều 8, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam), Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiệm vụ "tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý,…" (khoản 15, Điều 65, Luật Luật sư).

Như vậy, theo quy định hiện hành, tham gia xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp mà Luật sư là thành viên, đây vừa là quyền cũng là nghĩa vụ của Luật sư trong hoạt động hành nghề. Các văn bản quy phạm trước đây về Luật sư (Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987 và Pháp lệnh về Luật sư năm 2001) chưa quy định Luật sư tham gia xây dựng pháp luật mà chỉ quy định Đoàn Luật sư có nhiệm vụ “phản ánh ý kiến đóng góp, kiến nghị của Luật sư về xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước” (khoản 7, Điều 33, Pháp lệnh về Luật sư năm 2001). 

Các phương thức tham gia công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Luật sư

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì mỗi loại văn bản quy phạm pháp luật có trình tự, thủ tục lập pháp, lập quy khác nhau nhưng tựu trung lại thường bao gồm các bước: i) đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; ii) dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; iii) lấy ý kiến đóng góp và tiếp thu ý kiến đóng góp; iv) thẩm tra, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; v) xem xét, thông qua và ban hành. Trong các bước trên, Luật sư có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được xem là sáng kiến lập pháp, lập quy. Căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu quản lý Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các cơ quan có thẩm quyền sẽ lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là thủ tục bắt buộc trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là thủ tục bắt buộc khi xây dựng tất cả các loại văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài việc tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Luật sư còn có thể tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật dưới các hình thức khác như tham gia ban soạn thảo; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ đối với toàn bộ hoặc phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp; kiến nghị đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật. Luật sư là đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp tham gia xây dựng pháp luật tại các cuộc họp của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, cuộc họp của hội đồng nhân dân; phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri về dự thảo văn bản pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật và trong hoạt động giám sát chấp hành pháp luật của các đoàn công tác của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp.

Hiện nay, việc lấy ý kiến dự thảo văn bản pháp luật được thực hiện dưới các hình thức đăng tải toàn văn dự thảo văn bản và tờ trình trên cổng thông tin điện tử để nhân dân góp ý, thông qua hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo, tọa đàm, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, giới Luật sư tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật chủ yếu dưới hình thức góp ý dự thảo văn bản pháp luật thông qua các buổi hội thảo, hội nghị, tọa đàm do Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc các Đoàn Luật sư tổ chức. Ngoài hình thức góp ý dự thảo văn bản pháp luật, Luật sư còn tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật dưới hình thức viết bài nghiên cứu về pháp luật đăng trên các tạp chí chuyên ngành.  

Ngay từ khi được thành lập năm 2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam rất quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Trong nhiệm kỳ I (2009 – 2015), “Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và là thành viên các Ban soạn thảo các đạo luật như Luật Trưng cầu ý dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Luật sư, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình…; đặc biệt Liên đoàn Luật sư đã triển khai lấy ý kiến của giới Luật sư trong cả nước và có văn bản đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; riêng Bộ luật Tố tụng hình sự, được sự phân công của Ban soạn thảo, Liên đoàn đã xây dựng một chương riêng về bào chữa trong tố tụng hình sự” (2).

Cùng với sự phát triển của Luật sư trong cả nước, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật của giới Luật sư ngày càng phong phú và đa dạng, trong nhiệm kỳ II (2015- 2021), “Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị pháp lý do các cơ quan Đảng, Nhà nước giao phó, trong đó có công tác tham gia góp ý, xây dựng pháp luật. Những đạo luật quan trọng của đất nước đều có sự tham gia của Liên đoàn. Hầu như tất cả các dự thảo luật của Chính phủ, của TAND Tối cao, VKSND Tối cao trước khi trình Quốc hội hay nhiều văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì đều lấy ý kiến góp ý của Liên đoàn và đã được Liên đoàn Luật sư Việt Nam đóng góp ý kiến tích cực. Trong hơn 6 năm qua, Liên đoàn đã có ý kiến đóng góp với 139 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan. Các Đoàn Luật sư cũng triển khai nhiều hoạt động trong công tác tham gia xây dựng các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Những nỗ lực đóng góp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các thành viên của Liên đoàn trong công tác xây dựng pháp luật đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá cao; nhiều ý kiến, kiến nghị của Liên đoàn, Đoàn Luật sư về xây dựng và sửa đổi các văn bản pháp luật đã được ghi nhận, tiếp thu” (3).  

Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Luật sư

Một trong những lưu ý về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là “bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình tổng kết, xây dựng chính sách, soạn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua luật. Tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc tham gia xây dựng pháp luật” (4). Tính đến ngày 30/9/2021, cả nước có 16.134 Luật sư, trong đó có 14.835 Luật sư có trình độ cử nhân, 1.009 Luật sư có trình độ Thạc sĩ và 153 Luật sư có học vị Tiến sĩ (5). Đây là điều kiện thuận lợi để Luật sư với tư cách là những chuyên gia, những người hoạt động thực tiễn, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu tham gia xây dựng pháp luật. Để phát huy hơn nữa vai trò của Luật sư trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần được Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình hoạt động. Tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật để có một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh là góp phần thực hiện sứ mệnh của Luật sư trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Hiện nay, việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm góp ý văn bản pháp luật chủ yếu được Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đoàn Luật sư lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội tổ chức. Để công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được thực hiện thường xuyên và liên tục, mỗi Đoàn Luật sư cần có ban xây dựng pháp luật, tập hợp các Luật sư tâm huyết, có kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn sâu làm nòng cốt để cùng với các Luật sư trong đoàn kịp thời đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật. 

Thứ hai, cần đa dạng hóa các hình thức, phương thức tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Luật sư. Hiện nay, Luật sư chủ yếu tham gia góp ý dự thảo văn bản pháp luật, việc góp ý đề nghị xây dựng văn bản pháp luật còn rất ít, chưa tham gia vào việc đối thoại, xây dựng chính sách. Việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ đối với toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn rất hạn chế.

Thứ ba, công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Luật sư chưa mang tính chủ động, còn mang tính bị động, chủ yếu được thực hiện khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Với đặc thù hoạt động nghề nghiệp, Luật sư là những người thường xuyên nghiên cứu và vận dụng các quy định của pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội nên có điều kiện phát hiện “tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản luật và các văn bản dưới luật, văn bản chưa bảo đảm, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi thấp, văn bản pháp luật sai về nội dung và thủ tục, hình thức” (6).

Do vậy, trong khi hành nghề mà phát hiện phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản không còn phù hợp, các Luật sư cần chủ động thông tin đến tổ chức hành nghề Luật sư, đoàn Luật sư để kịp thời phản ánh, kiến nghị đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, hiện nay các dự thảo văn bản pháp luật đều được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo, trên các website như http://vibonline.com.vn/,  http://duthaoonline.quochoi.vn/... Luật sư quan tâm có thể chủ động góp ý các dự thảo văn bản pháp luật gắn với chuyên môn của từng Luật sư. Việc chủ động, tích cực tham gia góp ý, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Luật sư trong đời sống xã hội.

Thứ tư, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật cần được xem là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Đoàn Luật sư, tiêu chí xét thi đua khen thưởng đối với Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư. Hiện nay, báo cáo về tổ chức, hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư Việt Nam (Mẫu TP-LS-33 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2021/TT-BTP) và báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư (Mẫu 08a/BTP/BTTP/LSTN ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019) đều chưa có mục xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

(1) Kết luận 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

(2) Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tài liệu Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II (tài liệu bổ sung), trang 11.

(3) Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tài liệu Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, trang 43-44.

(4) Kết luận 19-KL/TW ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

(5) Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tlđd, trang 62-63.

(6) Những hạn chế chủ yếu và giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202202/nhung-han-che-chu-yeu-va-giai-phap-khac-phuc-nham-nang-cao-chat-luong-xay-dung-phap-luat-o-nuoc-ta-hien-nay-310649/, truy cập hồi 19h ngày 22/09/2022.

Thạc sĩ, Luật sư TRƯƠNG NHẬT QUANG

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương

Một số điểm mới của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (nhiệm kỳ 2021-2026)