Thời gian qua, số lượng vụ kiện hành chính có xu hướng tăng mạnh, tỉ lệ vụ án hành chính được giải quyết còn ở mức độ thấp do nhiều vụ án hành chính có tính chất phức tạp; có khó khăn trong việc triệu tập người bị kiện tham gia tố tụng hành chính; việc chuẩn bị tài liệu để phục vụ tố tụng còn chậm hoặc không cung cấp tài liệu theo yêu cầu của cơ quan tố tụng dẫn đến chất lượng xét xử không cao. Tỉ lệ các vụ kiện hành chính mà Tòa tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính vẫn còn ở mức cao.
Nguyên nhân một phần xuất phát từ trình độ, năng lực còn hạn chế của một bộ phận cán bộ, công chức đã làm phát sinh các vụ việc, vụ án hành chính; cán bộ, công chức còn thiếu trình độ, kỹ năng tham gia tranh tụng tại Tòa án nên ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy, không hợp tác, dẫn đến nhiều vụ việc, vụ án hành chính kéo dài hoặc bế tắc trong thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, cần phải huy động một đội ngũ luật sư giỏi, có uy tín, có chất lượng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước trong các vụ việc, vụ án hành chính trước Tòa án.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, vì thế các tranh chấp liên quan đến kinh doanh, thương mại, đầu tư... có yếu tố quốc tế đang ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các vụ kiện tranh chấp quốc tế luôn tiêu tốn nguồn lực rất lớn cả về tài chính, nhân lực và thời gian, nếu không thận trọng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia. Do đó, việc thu hút đội ngũ luật sư có chất lượng cao, am hiểu pháp luật quốc tế là hết sức cần thiết để đại diện, bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ngoài ra, thực tiễn cho thấy các vụ việc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn chiếm tỉ lệ lớn và phức tạp, trở thành “điểm nóng” gây áp lực lớn cho các cơ quan Nhà nước. Điều này cho thấy nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý ngày càng bức thiết trong việc xử lý các vụ việc phức tạp, giúp các cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng giải quyết, hạn chế sai sót và giảm thiểu tình trạng kéo dài, vượt cấp gây lãng phí nguồn lực và mất niềm tin của nhân dân. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp cho thấy, cần xây dựng đội ngũ luật sư công tinh anh, chuyên nghiệp để hỗ trợ pháp lý, đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả xử lý, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Chính vì thế, vai trò của luật sư công là cần thiết, đại diện cho cơ quan nhà nước là một bên của vụ việc tranh chấp, khiếu kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước. Khi phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện, các cơ quan nhà nước chỉ cần đề nghị các luật sư công đứng ra giải quyết vụ việc. Nếu thực hiện được việc này thì các cơ quan nhà nước sẽ không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí... để giải quyết vụ việc có liên quan đến mình. Muốn vậy, cần phải hoàn thiện thể chế theo hướng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể ủy quyền cho luật sư công tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện,... hoặc có thể ủy quyền cho luật sư công khởi kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước.
Để thu hút đội ngũ luật sư làm việc cho các cơ quan Nhà nước cần phải rà soát, đề suất sửa đổi một số văn bản pháp luật để triển khai chế định luật sư công như: Luật Luật sư; Luật Tố tụng hành chính; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Nhà nước cần phải quan tâm, thực hiện các chính sách đặc thù, ưu tiên, áp dụng chế độ thù lao tương xứng để thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân luật sư công.
Các cơ quan nhà nhà nước có thể tuyển dụng luật sư công (theo chính sách thu hút nhân tài) hoặc có thể ký hợp đồng dài hạn hoặc hợp đồng theo từng vụ án, vụ việc cụ thể (hợp đồng dịch vụ pháp lý) để làm việc cho cơ quan nhà nước. Chú trọng xây dựng, phát triển mạng lưới luật sư công theo từng lĩnh vực (dân sự, hành chính, thương mại, tranh chấp quốc tế khiếu nại, tố cáo, đất đai....) để tham gia tư vấn, giải quyết, xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đó.
Cơ chế thu hút luật sư công làm việc cho cơ quan nhà nước là hết sức quan trọng, nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước; đồng thời, luật sư công sẽ tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các cơ quan nhà nước, hạn chế những rủi ro pháp lý, thiệt hại hoặc phải bồi thường trong các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phát sinh từ hoạt động công vụ.