/ Thư viện pháp luật
/ Tiêu chuẩn chức danh, cơ cấu nhân sự trưởng phòng ở xã, phường mới

Tiêu chuẩn chức danh, cơ cấu nhân sự trưởng phòng ở xã, phường mới

03/07/2025 10:59 |9 ngày trước

(LSVN) - Trưởng phòng chuyên môn UBND xã sẽ có trách nhiệm ban hành Quy chế làm việc của phòng mình, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành và sự phân công của UBND cấp xã. Bên cạnh đó, Trưởng phòng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế trong nội bộ đơn vị. Toàn bộ hoạt động của phòng do Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước UBND và Chủ tịch UBND cấp xã, đặc biệt trong việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực được giao tại địa phương.

Cụ thể, ngày 04/6/2025, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp của Chính phủ đã ban hành Công văn số 11/CV-BCĐ về việc hướng dẫn tiêu chuẩn chức danh công chức cấp xã mới.

Trong đó, liên quan đến tiêu chuẩn đối với công chức lãnh đạo, quản lý là Trưởng phòng và tương đương, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc HĐND và UBND cấp xã, Công văn số 11/CV-BCĐ nêu rõ, để đáp ứng vai trò mới, Trưởng phòng phải có trình độ chuyên môn đại học trở lên cơ bản phù hợp lĩnh vực công tác của vị trí việc làm được bố trí hoặc có kinh nghiệm thực tiễn liên quan vị trí việc làm. Đồng thời, có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bên cạnh đó, Trưởng phòng cần phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, tinh thần phục vụ nhân dân và năng lực tổ chức, giám sát. Tiêu chuẩn này cao hơn đáng kể so với quy định trước kia, khi công chức cấp xã chỉ cần bằng trung cấp (đối với vùng khó khăn) và chưa bắt buộc kinh nghiệm quản lý.

Cơ cấu mỗi phòng một trưởng, một phó giúp xác định rõ người chịu trách nhiệm cuối cùng. Khi Trưởng phòng vắng mặt, Phó Trưởng phòng được ủy quyền điều hành nhưng không thay thế trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật Trưởng phòng thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND xã, bảo đảm thống nhất chỉ đạo.

Về chế độ làm việc và trách nhiệm của Trưởng phòng cấp xã tại Điều 13, 14 Nghị định 150/2025/NĐ-CP quy định, các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã hoạt động theo nguyên tắc người đứng đầu chịu trách nhiệm chính. Trưởng phòng là người trực tiếp điều hành hoạt động của phòng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn được phân công, đồng thời phải tuân thủ Quy chế làm việc của UBND cấp xã, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong chỉ đạo và điều hành.

Trưởng phòng có trách nhiệm ban hành Quy chế làm việc của phòng mình, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành và sự phân công của UBND cấp xã. Bên cạnh đó, Trưởng phòng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế trong nội bộ đơn vị. Toàn bộ hoạt động của phòng do Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước UBND và Chủ tịch UBND cấp xã, đặc biệt trong việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực được giao tại địa phương.

Trưởng phòng không được chuyển giao công việc thuộc thẩm quyền của mình lên UBND hoặc Chủ tịch UBND xã. Trường hợp nhiệm vụ vượt quá thẩm quyền giải quyết hoặc thuộc thẩm quyền nhưng không đủ điều kiện thực hiện, Trưởng phòng phải chủ động phối hợp với các Trưởng phòng có liên quan để hoàn thiện hồ sơ trình UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Trưởng phòng có trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, thất thoát, gây thiệt hại trong đơn vị thuộc quyền quản lý. Việc báo cáo về tổ chức, hoạt động của cơ quan cũng là một nghĩa vụ bắt buộc, được thực hiện định kỳ với UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã và các cơ quan cấp trên có thẩm quyền theo quy định.

Về tổ chức nhân sự, Trưởng phòng do Chủ tịch UBND cấp xã bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động điều hành. Mỗi phòng được bố trí một phó Trưởng phòng để giúp việc, hỗ trợ chỉ đạo một số mặt công tác. Phó Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về nhiệm vụ được giao và sẽ điều hành hoạt động phòng khi được Trưởng phòng ủy quyền trong trường hợp vắng mặt.

Toàn bộ việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, cho từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ chính sách đối với Trưởng phòng và phó Trưởng phòng do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định, căn cứ theo quy định của pháp luật.

Trước năm 2025, theo Nghị định 112/2011/NĐ-CP và Nghị định 34/2019/NĐ-CP, cấp xã không tổ chức phòng chuyên môn; 06 công chức độc lập (văn phòng - thống kê, tư pháp - hộ tịch, tài chính - kế toán, địa chính, văn hoá - xã hội, quân sự/Công an) chủ yếu tham mưu, soạn thảo văn bản nhưng không đứng ra ký trình và không chịu trách nhiệm toàn diện.

Ngoài chuyên môn, Trưởng phòng phải định kỳ báo cáo, tự kiểm tra việc thực thi pháp luật; tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị sửa đổi quy định chưa phù hợp. Những nhiệm vụ này trước đây do Chủ tịch UBND xã trực tiếp gánh vác, nay được chia sẻ cho cấp phòng, giúp bộ máy cơ sở vận hành hiệu lực hơn.

Điều 15 Nghị định 150/2025/NĐ-CP cũng xác định rõ 03 phòng chuyên môn được tổ chức tại UBND cấp xã bao gồm:

- Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã có chức năng tham mưu, giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước trong các lĩnh vực văn phòng, tư pháp và đối ngoại.

- Phòng Kinh tế (áp dụng với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (áp dụng với phường và đặc khu Phú Quốc) thực hiện nhiệm vụ liên quan đến tài chính - kế hoạch, xây dựng - công thương, nông nghiệp và môi trường.

- Phòng Văn hóa - Xã hội giúp UBND cấp xã quản lý các lĩnh vực nội vụ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học - thông tin và y tế.

 

TRẦN VỸ

Các tin khác