Điều lệ LĐLSVN năm 2022 gồm 8 chương, 53 Điều. Chương I - Những quy định chung; Chương II - Cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Chương III - Đoàn Luật sư; Chương IV - Luật sư; Chương V - Tài chính và tài sản; Chương VI - Khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chương VII - Quan hệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư với các cơ quan nhà nước và các tổ chức trong nước, ngoài nước; Chương VIII - Điều khoản thi hành.
So với Điều lệ cũ (nhiệm kỳ 2014-2019) được phê duyệt bởi Quyết định số 1573/QĐ-BTP ngày 28/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Điều lệ LĐLSVN năm 2022 tăng thêm 3 điều và có một số nội dung mới như sau:
Thứ nhất, Điều 9 của Điều lệ cũ (Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) được tách thành 3 điều (Điều 9, 10, 11) quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam, của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Điều 9 Điều lệ mới quy định: Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiệm vụ điều hành hoạt động thường xuyên của Liên đoàn giữa các kỳ họp của Ban Thường vụ Liên đoàn; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; quyết định và thực hiện quan hệ với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quan hệ hợp tác quốc tế.
Thường trực Liên đoàn gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, trong đó Chủ tịch và từ 01 đến 02 Phó Chủ tịch làm việc chuyên trách, thường xuyên, toàn thời gian hành chính ở Liên đoàn. Những quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam được cấu tạo riêng thành từng điều (Điều 10 - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Điều 11 - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam).
Thứ hai, Điều 32 (Điều 30 Điều lệ cũ) quy định về việc “rút tên khỏi danh sách Luật sư của Đoàn Luật sư, chuyển Đoàn Luật sư” bổ sung thêm điểm đ vào khoản 2. Theo đó, ngoài những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d Điều 32 (như Điều 30 Điều lệ cũ), Luật sư bị từ chối rút tên khỏi danh sách Luật sư của Đoàn Luật sư nếu vi phạm nghĩa vụ đóng phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phí thành viên Đoàn Luật sư.
Thứ ba, về phí thành viên, nếu như ở Điều lệ cũ, tại Điều 37 quy định Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có trách nhiệm thu phí thành viên của các Luật sư thành viên của Đoàn mình và trích nộp cho Liên đoàn, thì theo Điều lệ mới quy định tại Điều 39, phí thành viên được tách ra làm 2 loại: phí thành viên Liên đoàn và phí thành viên Đoàn Luật sư.
Luật sư đóng phí thành viên Liên đoàn bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc Cơ quan đại diện của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; nộp phí thành viên Đoàn Luật sư bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Đoàn Luật sư mà mình là thành viên hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng Đoàn Luật sư.
Mức phí thành viên Liên đoàn, phí thành viên Đoàn Luật sư; các trường hợp miễn, giảm phí thành viên Liên đoàn, phí thành viên Đoàn Luật sư do Hội đồng Luật sư toàn quốc quy định.
Ban chủ nhiệm, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có trách nhiệm rà soát, đôn đốc các Luật sư thành viên Đoàn mình đóng phí thành viên Liên đoàn và phí thành viên Đoàn Luật sư.
Định kỳ 06 tháng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Đoàn Luật sư thông báo công khai trên Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tạp chí Luật sư Việt Nam và Trang thông tin điện tử của Đoàn Luật sư danh sách Luật sư đã nộp phí và Luật sư chưa nộp phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam và phí thành viên Đoàn Luật sư.
Định kỳ 06 tháng, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tổng hợp danh sách các Luật sư thành viên chưa đóng phí thành viên Liên đoàn, phí thành viên Đoàn Luật sư và thông báo cho Luật sư thành viên; gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam danh sách các Luật sư chưa đóng phí thành viên Liên đoàn và phí thành viên Đoàn Luật sư từ 06 tháng trở lên chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 và 31 tháng 7 hằng năm.
Luật sư không đóng phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc phí thành viên Đoàn Luật sư thì bị xử lý theo quy định sau:
- Quá 06 tháng đến dưới 12 tháng thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhắc nhở trên Trang thông tin điện tử của Liên đoàn, Đoàn Luật sư nhắc nhở trên trang thông tin điện tử của Đoàn Luật sư, nhắc nhở bằng văn bản lần thứ nhất hoặc bằng hình thức khác;
- Từ 12 tháng đến dưới 18 tháng thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhắc nhở trên Trang thông tin điện tử của Liên đoàn, Đoàn Luật sư nhắc nhở trên trang thông tin điện tử của Đoàn Luật sư, nhắc nhở bằng văn bản lần thứ hai hoặc bằng hình thức khác;
- Từ 18 tháng trở lên thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư.
Thứ tư, Điều 51 của Điều lệ LĐLSVN năm 2022 là điều mới được bổ sung, quy định về quan hệ giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư với tổ chức hành nghề Luật sư. Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư hoạt động hành nghề trong tổ chức hành nghề Luật sư; giám sát việc tuân thủ pháp luật của tổ chức hành nghề Luật sư; thực hiện việc tôn vinh, khen thưởng đối với tổ chức hành nghề Luật sư có thành tích xuất sắc trong hoạt động hành nghề Luật sư.
Thứ năm, về xử lý kỷ luật đối với Luật sư, Điều lệ LĐLSVN năm 2022 quy định rõ hơn về hình thức kỷ luật xóa tên khỏi danh sách Luật sư của Đoàn Luật sư. Cụ thể, khoản 3 Điều 42 quy định Luật sư thuộc một trong các trường hợp sau thì đương nhiên bị Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của Đoàn Luật sư mà không phải theo thủ tục xử lý kỷ luật Luật sư quy định tại khoản 5 Điều này:
- Bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư trong các trường hợp quy định tại các điểm h và i khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư;
- 18 tháng không đóng phí thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc phí thành viên Đoàn Luật sư.
Như vậy, theo quy định của Điều lệ mới, khi Luật sư thuộc một trong hai trường hợp nêu trên thì đương nhiên sẽ bị Đoàn Luật sư áp dụng hình thức kỷ luật “xóa tên khỏi danh sách Luật sư của Đoàn Luật sư” mà không phải qua thủ tục xem xét, quyết định của Hội đồng Luật sư toàn quốc như trước đây. Quy định này nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư trong công tác quản lý Luật sư thành viên, đồng thời đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian xử lý kỷ luật đối với Luật sư.
Ngoài ra, Điều 42 về xử lý kỷ luật đối với Luật sư cũng được bổ sung thêm một nội dung mới, đó là trường hợp Luật sư bị xem xét kỷ luật là thành viên ban chủ nhiệm, thành viên hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư thì không được tham gia với tư cách là thành viên ban chủ nhiệm, thành viên hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư khi xem xét kỷ luật đối với mình.
THY NGỌC