/ Đời sống - Xã hội
/ Bộ Y tế tiếp nhận 03 Cục và 10 đơn vị sự nghiệp từ Bộ LĐ-TB&XH

Bộ Y tế tiếp nhận 03 Cục và 10 đơn vị sự nghiệp từ Bộ LĐ-TB&XH

27/12/2024 10:30 |

(LSVN) - Theo đề án sắp xếp tổ chức bộ máy mới của Bộ Y tế, Bộ này sẽ tiếp nhận 03 Cục và 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH).

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế có 21 đơn vị, gồm: 18 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước (06 Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, 10 Cục) và 03 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ (Viện Chiến lược và Chính sách y tế; Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia; Báo Sức khỏe và Đời sống).

Ngoài ra, Bộ Y tế có 77 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, chia làm 06 lĩnh vực: khám chữa bệnh; phòng bệnh; đào tạo; nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm, trang thiết bị y tế; kiểm định, kiểm nghiệm; giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần và 04 đơn vị khác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo chí, đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế) cho biết năm 2025, Bộ xây dựng Đề án tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương (khi kết thúc hoạt động của Ban); tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ LĐ-TB&XH.

Theo Đề án, Bộ Y tế sẽ tiếp nhận 03 tổ chức hành chính thuộc Bộ LĐ-TB&XH, gồm: Cục Trẻ em, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; tiếp nhận nguyên trạng 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH gồm: 05 bệnh viện, 03 trung tâm, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Văn phòng Làng trẻ em SOS. Bộ Y tế cũng tiếp nhận Văn phòng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Thông tin tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025, Bộ Y tế đã có phương án sắp xếp tổ chức hành chính thuộc Bộ sau khi tiếp nhận.

Ngoài giữ nguyên 14 tổ chức hành chính thuộc Bộ và 03 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước; Bộ Y tế hợp nhất Cục Quản lý Môi trường y tế và Cục Y tế dự phòng thành Cục Y tế dự phòng và Môi trường hoặc Cục Y tế công cộng.

Hợp nhất Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em thuộc Bộ Y tế và Cục Trẻ em thuộc Bộ LĐ-TB&XH thành Cục Bảo vệ, chăm sóc Bà mẹ - Trẻ em hoặc Cục Bà mẹ - Trẻ em.

Hợp nhất Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế và Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH thành Cục Phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội.

Tổ chức lại Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH thành Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Y tế; Thành lập Phòng Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thuộc Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế trên cơ sở tiếp nhận Văn phòng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Theo Bộ Y tế, trước khi sắp xếp, Bộ có 18 tổ chức hành chính; tiếp nhận 03 tổ chức hành chính thuộc Bộ LĐ-TB&XH và Văn phòng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, tổng số là 22 tổ chức hành chính.

Như vậy, sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế có 18 tổ chức hành chính, giảm 04 tổ chức thuộc Bộ (đạt tỉ lệ giảm 18,18%).

Bộ Y tế cũng cho biết đồng thời với việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối tổ chức, Bộ sẽ sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc sắp xếp, bố trí nhân sự thống nhất thực hiện theo nguyên tắc sau:

Đối với cấp Trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ: Thực hiện sắp xếp, bố trí bảo đảm nguyên tắc 01 cấp Trưởng/01 đơn vị. Số lượng cấp Trưởng còn lại (nếu có) thì sắp xếp, bố trí ở vị trí cấp dưới liền kề.

Đối với cấp Phó các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ: Thực hiện sắp xếp, bố trí theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm thời gian sau 5 năm (tính từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án), Bộ Y tế có số lượng cấp phó theo đúng quy định.

Đối với công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và người lao động: Thực hiện tiếp nhận nguyên trạng; rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ để sắp xếp, bố trí nhân sự hợp lý, đáp ứng ngay yêu cầu công việc và thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo quy định.

Liên quan đến vấn đề trên, trước đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ Đề án sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ, trong đó dự kiến sắp xếp giảm 04 bệnh viện chuyển giao về các bộ, ngành, địa phương quản lý.

Cụ thể: Bệnh viện 74 Trung ương chuyển giao nguyên trạng về UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Bệnh viện 71 Trung ương và Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương tổ chức lại thành hai bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tổ chức lại thành cơ sở 3 của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế. Hiện, Bộ Y tế đang hoàn thiện lại đề án theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Bộ cũng đang xây dựng và hoàn thiện đề án thành lập CDC Trung ương trên cơ sở sắp xếp các đơn vị lĩnh vực y tế dự phòng, dự kiến giảm 05 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ.

TRẦN NGUYÊN (t/h)

Các tin khác