/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Bồi dưỡng chính trị, tư tưởng và đạo đức Luật sư cần thực hiện ngay trong thời gian sinh viên

Bồi dưỡng chính trị, tư tưởng và đạo đức Luật sư cần thực hiện ngay trong thời gian sinh viên

23/04/2021 02:29 |

(LSVN) - Đạo đức thể hiện nhân cách của con người, nhân cách và bản lĩnh chính trị hình thành từ nhận thức, mà nhận thức là cả một quá trình. Do đó, không phải đợi đến lúc Học viện Tư pháp đào tạo nghề Luật sư, các Văn phòng, Công ty luật nhận tập sự mới quan tâm đến bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và tư tưởng chính trị cho Luật sư. Thiết nghĩ, việc bồi dưỡng chính trị, tư tưởng và đạo đức cần được thực hiện ngay trong thời gian sinh viên học cử nhân luật.

Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Chủ trương của Đảng và căn cứ pháp lý

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế đối với đội ngũ Luật sư căn cứ các văn bản của Đảng và Nhà nước, như: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong đó, xác định phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp liên quan Luật sư là: “Đào tạo, phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Nghị quyết này được tiếp tục thực hiện theo Kết luận của Bộ Chính trị.

Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009, của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư. Chỉ thị này được tiếp tục thực hiện theo Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư.

Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”. Trong đó xác định mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ Luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề Luật sư quốc tế, có đủ khả năng tư vấn liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội, trong đó có các cơ quan của Chính phủ, UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế của Nhà nước".

Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020, đã đánh giá: “Chất lượng của đội ngũ Luật sư còn nhiều hạn chế, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế”. Một trong các nguyên nhân là “Chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo, thực tập hành nghề Luật sư còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc cải cách tư pháp, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế”.

Về giải pháp thực hiện, một trong các giải pháp là “Nâng cao năng lực đào tạo cử nhân luật, chất lượng đào tạo nghề Luật sư, chất lượng tập sự hành nghề Luật sư theo chương trình chuẩn quốc gia về đào tạo nghề Luật sư theo hướng tiếp cận chương trình đào tạo tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và trên thế giới, kết hợp triển khai xây dựng các cơ sở đào tạo trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm lớn về đào tạo pháp luật”.

“Cuộc hành trình ngàn dặm khởi đầu bằng một bước”

Sau 4 năm dùi mài kinh sử tốt nghiệp cử nhân luật, người muốn trở thành Luật sư còn phải qua 1 năm đào tạo nghề Luật sư và 1 năm tập sự hành nghề Luật sư. Như vậy, kết quả đào tạo 4 năm cử nhân luật quyết định chất lượng đầu vào của nghề Luật sư.

Do tầm quan trọng của việc đào tạo cử nhân luật, Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, cần phải nâng cao năng lực đào tạo cử nhân luật. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Luật sư để cải tiến chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, nhằm đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Trường Đại học Luật cung cấp cho sinh viên kiến thức pháp luật và phương pháp nghiên cứu, Học viện Tư pháp đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, các tổ chức hành nghề Luật sư (Văn phòng Luật sư, Công ty luật) giúp người tập sự hành nghề Luật sư cọ xát thực tiễn, áp dụng kiến thức, phương pháp nghiên cứu và kỹ năng vào thực tiễn hoạt động nghề nghiệp.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, muốn trở thành một Luật sư giỏi có kiến thức pháp luật sâu rộng, có kỹ năng hành nghề và khả năng giao tiếp tốt với khách hàng thì trước hết đòi hỏi người Luật sư phải thông thạo tiếng Anh và sử dụng thành thạo máy vi tính. Hai nội dung đào tạo này phải được thực hiện ngay từ Trường Đại học nhằm đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi cho rằng, không riêng gì đối với nghề Luật sư mà các ngành nghề khác cũng đều cần 2 điều kiện này. Đây là điều kiện cần, là chìa khóa để các sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật vững bước tiến qua 2 cánh cửa: 01 năm đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và 01 năm tập sự hành nghề Luật sư.

Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển số lượng khoảng từ 18.000-20.000 Luật sư, đạt tỷ lệ số Luật sư trên số dân khoảng 1/4.500, đảm bảo trên 50% các vụ án hình sự có Luật sư tham gia, 50% số lượng các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của Luật sư, số Luật sư có khả năng tham gia tư vấn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người.

Theo Đề án “Xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ Luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Luật sư” đề ngày 12/8/2020 của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, số lượng Luật sư tính đến 31/12/2019 là 13.859 Luật sư, trong đó có 840 thạc sĩ và 126 tiến sĩ. Kết quả kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư năm 2020 (đợt 1) phía Bắc chỉ đạt 56,40%, phía Nam chỉ đạt 60,41%, cho thấy chất lượng đầu vào chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đối chiếu với chỉ tiêu của Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 thì các chỉ tiêu đều không đạt, chỉ riêng chỉ tiêu 150 Luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thì với con số 126 tiến sĩ luật và 840 thạc sĩ luật, chúng tôi cho rằng khả năng đạt hoặc có thể vượt chỉ tiêu này.

Luật Luật sư quy định phạm vi hành nghề Luật sư rất rộng: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. Có thể nói, mọi hoạt động của cá nhân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều cần đến Luật sư. Có những hoạt động pháp lý chỉ có Luật sư mới có quyền thực hiện. Xã hội càng phát triển, càng hội nhập sâu rộng quốc tế, nhu cầu Luật sư càng tăng cao.

Trong Chiến lược cải cách tư pháp xác định mục tiêu “Hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Ba chủ thể tham gia hoạt động xét xử là Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ví Luật sư là một trong “kiềng 3 chân” của hoạt động tư pháp. Nói như thế để thấy vai trò, vị trí của Luật sư trong thiết chế dân chủ và yêu cầu đào tạo cử nhân luật (“tiền thân” của Luật sư) là hết sức quan trọng.

Chúng tôi thiết nghĩ, các Trường Đại học Luật cần tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên luật muốn trở thành Luật sư để chuẩn bị ngay từ khi còn học Đại học. Khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn hàng năm thường tổ chức cho sinh viên tọa đàm cùng Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh để được tìm hiểu, giải đáp về nghề Luật sư, giúp các em sinh viên an tâm khi chọn nghề Luật sư.

“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Có "Tài" mà không có "Đức" là người vô dụng, có "Đức" mà không có "Tài" thì làm việc gì cũng khó. Luật Luật sư quy định: “Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý..., xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư xác định rõ: “Xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp”.

Đạo đức thể hiện nhân cách của con người, nhân cách và bản lĩnh chính trị hình thành từ nhận thức, mà nhận thức là cả một quá trình. Do đó, không phải đợi đến lúc Học viện Tư pháp đào tạo nghề Luật sư và các Văn phòng, Công ty luật nhận tập sự mới quan tâm đến bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và tư tưởng chính trị cho Luật sư. Thiết nghĩ, việc bồi dưỡng chính trị, tư tưởng và đạo đức cần được thực hiện ngay trong thời gian sinh viên học cử nhân luật.

Luật sư NGUYỄN VĂN TRUNG

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh 

Tài liệu giảng dạy mầm non phải dễ hiểu, dễ làm

Lê Minh Hoàng