(LSVN) - Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường, nhưng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì phải bồi thường. Tuy nhiên, luật không dự liệu trường hợp tình thế cấp thiết không phải do con người gây ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ thể có phần lợi ích bị thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định quan trọng được ghi nhận và hình thành sớm nhất trong Bộ luật Dân sự (BLDS). Những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lẽ công bằng mà pháp luật muốn hướng tới. Theo nguyên tắc chung, người nào có hành vi gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên, đối với những trường hợp gây thiệt hại được pháp luật cho phép thì chủ thể gây thiệt hại sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường. Và trường hợp gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là ví dụ điển hình của việc loại trừ trách nhiệm bồi thường đối với chủ thể có hành vi gây thiệt hại.
1. Quy định của BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn của tình thế cấp thiết
Khái niệm tình thế cấp thiết được quy định tại Điều 171 của BLDS 2015: “Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.”
Và theo quy định tại Điều 595 BLDS 2015 thì chủ thể gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết được loại trừ trách nhiệm bồi thường. Như vậy, để được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, phải có nguy cơ đang thực tế đe dọa cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nguồn gốc gây nên sự nguy hiểm đối với lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ có thể là do: hành vi nguy hiểm của con người, tác động của thiên nhiên (lũ, lụt, cháy, sét đánh v.v…). Ở đây cần lưu ý là nguy cơ đe dọa gây thiệt hại nhưng thiệt hại chưa xảy ra.
Chính vì vậy, bản thân người gây thiệt hại phải căn cứ, cân nhắc, tính toán về nguy cơ này. Đây là sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại phải là sự nguy hiểm đe dọa ngay tức khắc thì mới được coi là trong trường hợp tình thế cấp thiết. Nếu sự đe dọa đó còn chưa xảy ra mà đã hành động để gây thiệt hại thì không thể coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Nếu sự đe dọa này chỉ theo suy đoán chủ quan của người gây thiệt hại, thực tế có thể xảy ra hoặc không mà người đó đã có hành vi gây thiệt hại thì cũng không thể coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.
Thứ hai, sự đe dọa thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải có thật, đang xảy ra và chưa kết thúc. Ở đây có thể hiểu nếu không có hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết thì hậu quả tất yếu sẽ xảy ra. Điều kiện thứ hai này cho thấy mối quan hệ nhân quả giữa sự nguy hiểm với lợi ích cần bảo vệ. Sự nguy hiểm tuy mới đang đe doạ ngay tức khắc đến các lợi ích cần bảo vệ, nhưng phải là sự nguy hiểm thực tế, phải có thật, tồn tại khách quan, không phải do người gây thiệt hại tưởng tượng ra. Có thể nói nguồn nguy hiểm đang xảy ra có quan hệ nhân quả với những thiệt hại cho lợi ích hợp pháp có nguy cơ thực tế sẽ xảy ra.
Thứ ba, việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là biện pháp duy nhất để khắc phục nguy cơ đó. Để được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết thì việc gây thiệt hại phải là biện pháp duy nhất để khắc phục nguy cơ đó. Như đã phân tích ở trên, bản thân người gây thiệt hại phải có sự cân nhắc, tính toán về nguy cơ thiệt hại sắp xảy ra nên có sự suy xét xem hành vi gây thiệt hại của mình trong tình huống đó có phải là biện pháp duy nhất để khắc phục thiệt hại hay không. Người gây ra thiệt hại không còn biện pháp nào khác để lựa chọn để cứu lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, lợi ích chính đáng của cá nhân người thực hiện hành vi hoặc của người khác.
Thứ tư, thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Khi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết bản thân người gây thiệt hại phải cân nhắc, tính toán giữa thiệt hại mà mình sắp gây ra và hậu quả có thể xảy ra cho đối tượng mà mình sắp bảo vệ khi có nguy cơ đe dọa gây thiệt hại. Do đó, chỉ được coi là thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết nếu thiệt hại xảy ra nhỏ hơn với thiệt hại cần ngăn ngừa.
Như vậy, để được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về mặt dân sự phải tuân thủ các điều kiện trên. Nếu như vi phạm một trong bốn điều kiện trên thì chủ thể gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 595 BLDS 2015: “Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.”
Theo quy định trên, thì chủ thể gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết chỉ phải bồi thường phần vượt quá phần lợi ích cần hy sinh để bảo vệ phần lợi ích lớn hơn. Phần lợi ích cần hy sinh thuộc trách nhiệm bồi thường của chủ thể đã gây ra tình thế cấp thiết. Tại khoản 2 Điều 595 BLDS 2015 cũng quy định: “Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Hơn nữa, không phải lúc nào các thiệt hại xảy ra cũng mang tính định lượng để có thể so sánh thiệt hại nào là lớn hơn và thiệt hại nào là nhỏ hơn.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, mục đích của tình thế cấp thiết là để bảo vệ bảo vệ lợi ích lớn hơn bằng cách hy sinh lợi ích nhỏ hơn, nếu như người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây thiệt hại lớn hơn để bảo vệ một lợi ích nhỏ hơn thì hành động đó không được coi là hành động có ích nữa. Chính vì vậy, để xác định một hành vi gây thiệt hại có phải thuộc tình thế cấp thiết hay không thì phải so sánh được giữa phần lợi ích được hy sinh và lợi ích được bảo vệ.[1]
2. Bất cập về quy định bồi thường thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
Khoản 3 Điều 171 BLDS 2015 quy định: “Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản bị thiệt hại trong tình thế cấp thiết được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 595 của Bộ luật này.”
Như vậy, nếu như chủ thể có phần lợi ích bị hy sinh trong tình thế cấp thiết sẽ được bồi thường theo quy định tại Điều 595 BLDS 2015. Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 595 quy định: “Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Theo đó, người đã gây ra tình thế cấp thiết phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho người bị thiệt hại. Quy định này đã không dự liệu được trường hợp tình thế cấp thiết không phải do con người gây ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ thể có phần lợi ích bị hi sinh. Ví dụ như trường hợp cây đổ làm chập điện dẫn đến cháy nhà…
Như vậy, chủ thể có phần lợi ích bị hy sinh để bảo vệ lợi ích cho người khác sẽ phải chịu thiệt hại mà không được bất cứ chủ thể nào bồi thường. Quy định này dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các chủ thể về việc được pháp luật bảo hộ quyền tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 3 BLDS 2015: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. Theo tác giả, để đảm bảo công bằng nên quy định theo hướng chủ thể có lợi ích được bảo vệ phải có trách nhiệm chịu một phần trách nhiệm bồi thường cho chủ thể có lợi ích bị hy sinh. Bởi lẽ, đây là sự cố do thiên nhiên gây ra, vì bảo lợi lợi ích cho chủ thể này nên phải hy sinh lợi lợi ích chủ thể khác nên chủ thể có lợi ích được bảo vệ có trách nhiệm chuyển giao một phần lợi ích cho chủ thể bị thiệt hại.
[1] PGS.TS.Trần Thị Huệ, Bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép, tạp chí Luật học số 06/2001 |
HOÀNG ĐÌNH DŨNG Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4 Tạp chí Tòa án |