/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bồi thường thiệt hại trong các vụ án kinh tế: Kinh nghiệm ở Châu Âu

Bồi thường thiệt hại trong các vụ án kinh tế: Kinh nghiệm ở Châu Âu

13/11/2023 15:57 |

(LSVN) - Bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bồi thường các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất thực tế, được tính thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chỉ phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút. Bài viết sẽ nghiên cứu những Bồi thường thiệt hại từ quy định trong các vụ án kinh tế ở châu Âu và từ đó đưa ra kinh nghiệm cho Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Tình hình bồi thường thiệt hại trong các vụ án kinh tế ở Châu Âu

Bồi thường thiệt hại là một biện pháp kinh tế, được áp dụng nhằm mục đích bù đắp một khoản vật chất, tinh thần và sức khỏe cho chủ thể bị thiệt hại. Quyền khởi kiện đòi bồi thường của các bị hại trong các vụ việc cạnh tranh đã được Toà công lý Châu Âu (European Court of Justice) lưu tâm từ khá lâu. Tuy nhiên, do những vướng mắc trong thủ tục tố tụng cũng như bất cập pháp lý tại các quốc gia thành viên nên mới chỉ có một số ít bị hại thực hiện quyền này và nhận được tiền bồi thường. Hơn nữa các quy định về vấn đề này của các quốc gia thành viên Châu Âu lại có nhiều sự khác biệt. Vì vậy, cơ hội cho các bị hại có thể nhận được bồi thường lại phụ thuộc rất lớn vào quốc gia mà bị hại đang sinh sống. Từ các lý do đó, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất để ban hành một Quy định áp dụng chung thống nhất cho mọi thành viên Châu Âu[1].

Theo quy định này: Toà án quốc gia có thể ra lệnh để yêu cầu các bên cung cấp thông tin, chứng cứ khi có bị hại kiện đòi bồi thường thiệt hại. Toà án sẽ phải đảm bảo rằng các yêu cầu được đưa ra là phù hợp và những thông tin mật được bảo vệ, quyết định cuối cùng của cơ quan cạnh tranh tại một quốc gia trong đó xác định hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh sẽ tự động được coi là bằng chứng về hành vi vi phạm trước toà của quốc gia đó, nơi mà hành vi vi phạm được thực hiện. Để làm cơ sở giải quyết việc kiện đòi bồi thường, các bị hại sẽ có ít nhất một năm, kể từ ngày cơ quan cạnh tranh ra quyết định cuối cùng, để thực hiện quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại, nếu như hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn tới việc tăng giá sản phẩm và sự tăng giá này diễn ra ở mọi khâu trong chuỗi cung ứng hay phân phối sản phẩm thì các bị hại cuối cùng sẽ được trao quyền khởi kiện đòi bồi thường, việc giải quyết vụ kiện thông qua cơ chế hoà giải trực tiếp giữa bị hại và bên vi phạm được cho phép nhằm giảm thời gian và chi phí. Quy định về kiện đòi bồi thường thiệt hại trên khi được áp dụng thực thi thống nhất sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo sự công bằng và đảm bảo cho quyền khởi kiện của các bị hại trong các vụ việc cạnh tranh được thực thi hiệu quả[2].

Thực trạng Bồi thường thiệt hại trong các vụ án kinh tế ở châu Âu

Lấy một số quy định về trách nhiệm bồi thường Nhà nước ở Cộng hòa Liên bang Đức. Khi chủ thể của hành vi công quyền trong lĩnh vực luật công mà hành vi của họ vi phạm quyền lợi của công dân, Hiến pháp Đức bảo đảm cho công dân sự bảo vệ pháp lý khi công chức Nhà nước có hành vi vi phạm quyền lợi của họ. Theo đó, công dân khả năng được đề nghị thẩm định tính hợp pháp của hành vi nói trên (bảo vệ pháp lý nguyên phát). Sự bảo vệ pháp lý ấy còn được bổ sung bởi Luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước (ở một số bang mới sáp nhập) vì bên cạnh việc thẩm định hành vi công quyền qua Toà án, Luật này đưa ra khả năng đòi bồi thường hậu quả của sự vi phạm trên (bảo vệ pháp lý thứ phát). Ở Đức, công dân có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, yêu cầu xoá bỏ hậu quả bất lợi trong một số trường hợp sau: Thứ nhất, khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ của công chức. Người bị thiệt hại có thể đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại, kể cả thu nhập (lãi) bị mất và tiền bồi thường cho thiệt hại tinh thần. Tuy nhiên, trong trường hợp vi phạm đó xảy ra do vô tình, công chức chỉ bị quy trách nhiệm nếu người bị thiệt hại không được bồi thường bằng một cách khác.

Thứ hai, khi có các biện pháp và quyết định bất hợp pháp của ngành tư pháp. Khi thẩm phán có hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ trong quá trình xét xử, Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm nếu sự vi phạm đó đồng thời là tội phạm (bóp méo luật hoặc nhận hối lộ). Trong trường hợp phán quyết của Thẩm phán trong thủ tục thi hành án, lệnh trong tố tụng hình sự hoặc nghị quyết trong các thủ tục nhằm xác định án phí hoặc ấn định giá trị tố tụng sẽ được ngoại trừ để bảo vệ sự độc lập của Thẩm phán, bảo vệ hiệu lực pháp luật của các phán quyết Nhà nước. Phạm vi quyền đòi bồi thường: Đối tượng của bồi thường là thiệt hại tài sản gây ra bởi một biện pháp truy tố hình sự, trong trường hợp phạt giam do toà quyết định thì cũng kể cả thiệt hại phi vật chất. Chỉ bồi thường thiệt hại tài sản, nếu kiểm tra thấy thiệt hại đó lớn hơn 25 Euro. Trong thiệt hại phi vật chất, được bồi thường 11 Euro cho mỗi ngày bị giam[3].

Thứ ba, khi có sai phạm trong hoạt động lập pháp. Theo quy định của Hiến pháp Đức, công dân không thể trực tiếp chống lại tác động gây hại sinh ra từ hành vi lập pháp. Theo đó, anh ta phải đợi luật được thi hành rồi mới khởi kiện (bảo vệ pháp lý nguyên phát). Ngoài ra các nghị sĩ phải chịu trách nhiệm trước xã hội nói chung chứ hành vi công vụ của họ không nhằm bảo vệ người thứ ba, do vậy, ở đây không tồn tại khả năng vi phạm nghĩa vụ công vụ. Về quyền khởi kiện của công dân. Vì ở Đức không có đạo luật về trách nhiệm Nhà nước. Cơ sở pháp lý quan trọng nhất của các quyền khởi kiện được quy định tại các điều khoản riêng lẻ trong các luật chuyên ngành như: Quyền khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi vi phạm nghĩa vụ công vụ. Người bị thiệt hại có thể khởi kiện đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại, kể cả thu nhập (lãi) bị mất và tiền bồi thường cho thiệt hại tinh thần. Quyền này được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Toà án giải quyết là toà án cấp bang, quyền khởi kiện theo hợp đồng từ các quan hệ nghĩa vụ theo luật công. Người bị thiệt hại có thể đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại khi cơ quan hành chính có hành vi được xem là bất hợp pháp và có lỗi khi vi phạm nghĩa vụ từ quan hệ nghĩa vụ theo luật công nhất là khi vi phạm nghĩa vụ bảo vệ tài sản và quyền lợi công dân. Thủ tục giải quyết sẽ tiến hành theo quy chế tố tụng hành chính, được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Thủ tục hành chính.

Quyền khởi kiện yêu cầu xoá bỏ hậu quả bất lợi, nhằm bảo vệ các quyền cơ bản. Người bị thiệt hại có thể yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi bị vi phạm và hậu quả kéo dài bất hợp pháp (không xét tính bất hợp pháp của sự vụ, chỉ xét tính bất hợp pháp của hậu quả), không phụ thuộc vào lỗi của chủ thể, nhưng không được yêu cầu bồi thường về tiền và lãi suất bị mất. Toà án giải quyết là toà án hành chính. Quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường khi trưng dụng, xuất phát điểm là chế định bảo đảm quyền sở hữu. Nguời bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường đặc biệt bằng tiền định hướng theo giá trị thị trường của thiệt hại nhưng không được Bồi thường toàn bộ và không tính lãi suất. Toà án giải quyết là Toà án dân sự, quy định trong Hiến pháp và theo án lệ. Quyền yêu cầu bồi thường vì trở thành nạn nhân bị thiệt hại đến các giá trị phi vật chất (mạng sống, sức khoẻ, tự do) bởi sự can thiệp của công quyền (kể cả biện pháp hoạch định, dự phòng và xã hội của Nhà nước), được quy định trong Luật Cảnh sát của liên bang và tiểu bang, Luật Hình sự, Luật Thủ tục hành chính của liên bang và tiểu bang, Bộ luật Xã hội VII…[4]

Tại Pháp, đặc điểm cơ bản trong chế định bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự gây ra oan, sai tại Cộng hoà Pháp không được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên biệt mà được quy định trong Luật Tố tụng hình sự. Đồng thời việc bồi thường gắn hiền chặt chẽ với trình tự xem xét lại Bản án hình sự theo trình tự phúc thẩm và giám đốc thẩm. Pháp luật của Cộng hoà pháp quy định về bồi thường do chế định này nằm trong hệ thống pháp luật tố tụng hình sự. Vì vậy, các bản án oan, sai của Toà án phúc thẩm và giám đốc thẩm được coi là cơ sở pháp lý cơ bản để xác định trách nhiệm bồi thường. Phạm vi trách nhiệm bồi thường gồm có: 

- Bồi thường về vật chất: Pháp luật của nước Cộng hoà Pháp quy định bồi thường án oan, sai là một khoản tiền bồi thường dành cho nạn nhân của oan, sai hoặc cho người thân của người đó tương ứng với những thiệt hại mà việc kết tội sai gây ra. Phạm vi xem xét trách nhiệm bồi thường vật chất bao gồm cả khoản thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần được tính ra bằng tiền. Chủ thể của quyền yêu cầu bồi thường được xác định chính là nạn nhân của oan, sai hoặc nếu anh ta đã mất thì vợ hoặc chồng, bố mẹ hoặc con. Trong trường hợp những người này không còn, thì chủ thể yêu cầu bồi thường được mở rộng đến người thân xa hơn nhưng khoản bồi thường lại được xác định hẹp hơn: Chỉ bao gồm những thiệt hại vật chất mà bản án sai đã gây ra cho nạn nhân.

- Bồi thường tinh thần: Đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần đuợc xem xét sau khi đã có quyết định của Toà án xét lại công nhận sự vô tội của người này. Quyết định đó sẽ được niêm yết tại thành phố mà quyết định kết án đã được công bố; tại địa phương nơi xảy ra vụ án và tại nơi thường trú của người đệ đơn, tại nơi sinh và nơi ở cuối cùng của người đã bị kết án sai nếu người ấy đã chết; với cùng một điều kiện văn bản của quyết định cũng được công bố toàn văn trong công báo và trong 05 tờ báo khác do Toà án chọn, chi phí công bố này do Nhà nước trả.  

- Thủ tục yêu cầu bồi thường vật chất: Đương sự phải làm một đơn viết tay trên giấy có dán tem và được đăng ký nếu không sẽ không được chấp nhận. Đơn yêu cầu bồi thường này phải đăng ký, việc đăng ký có thể được làm vào bất kỳ thời điểm nào của quá trình xem xét lại bản án nhưng không thể sau quyết định xem xét lại được công bố. Quyết định bồi thường về vật chất thuộc thẩm quyền của Toà án đã xem xét lại bản án hoặc là Toà án nếu Toà này đã ra quyết định cuối cùng mà không cần xem xét lại, hoặc Toà án đã xét lại. Cũng tương tự như vậy đối với  các vụ việc được xem xét lại ở Toà án công binh.

Tóm lại mọi trường hợp quyết định bồi thường đều do Toà án quyết định. Các khoản bồi thường này được Nhà nước chi trả và được chi như án phí hình sự, trừ những ngoại lệ trong các trường hợp việc bồi thường cần phải thông qua một quá trình chứng minh đánh giá, mà kết quả cho thấy việc thiệt hại chính do lỗi của nguyên đơn dân sự người tố giác hoặc nhân chúng giả mà bản án được tuyên[5].

Kinh nghiệm vấn đề bồi thường thiệt hại trong các vụ án kinh tế ở châu Âu tại Việt Nam

Ở Việt Nam, các quy định pháp luật hiện hành về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra còn có nhiều hạn chế, bất cập như: Hình thức văn bản quy phạm pháp luật quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra có hiệu lực pháp lý không cao; pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra chưa được xây dựng trên quan điểm coi đây là trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói chung mà chỉ coi là trách nhiệm bồi thường của từng cơ quan Nhà nước cụ thể (cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại); cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong nhiều trường hợp chưa được xác định rõ và đặc biệt là chưa quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp của các cơ quan Nhà nước khác có liên quan, nên việc giải quyết bồi thường không đạt được kết quả như mong muốn; các loại thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường và nhiều vấn đề liên quan khác được pháp luật quy định không thống nhất, chưa hợp lý, gây bất lợi cho cả cơ quan giải quyết bồi thường Nhà nước lẫn người bị thiệt hại; trách nhiệm hoàn trả của công chức chưa được quy định rõ ràng.

Tổng kết thực tiễn cho thấy, Nghị định số 47 hầu như không phát huy tác dụng, chưa được áp dụng để giải quyết bồi thường thiệt hại trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự và hành chính. Trong hoạt động quản lý hành chính, kết quả thi hành Nghị định này cũng rất hạn chế. Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành và địa phương cũng chỉ ra rằng: việc giải quyết bồi thường của các cơ quan hành chính Nhà nước chủ yếu được thực hiện gắn với thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính mà không trực tiếp áp dụng Nghị định số 47; số lượng vụ việc được giải quyết bồi thường không tương xứng so với yêu cầu thực tế, cụ thể trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2007 mới có khoảng 170 vụ việc được giải quyết, với số tiền bồi thường là hơn 16 tỷ đồng; ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có trường hợp nào áp dụng Nghị định số 47 để giải quyết yêu cầu bồi thường. Đối với bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan trong tố tụng hình sự theo quy định của Nghị quyết số 388, tính đến hết năm 2007 (sau 04 năm thi hành), các cơ quan tiến hành tố tụng đã giải quyết được gần 200 vụ, với số tiền phải bồi thường là gần 15 tỷ đồng. Việc ban hành Nghị quyết này đã được dư luận nhân dân ủng hộ và đồng tình cao. Tuy nhiên, do phạm vi điều chỉnh hẹp (chỉ bồi thường cho các trường hợp bị oan trong tố tụng hình sự), cho nên tác động của Nghị quyết này còn hạn chế. Chính vì vậy, nghiên cứu sẽ liên hệ quyền được bồi thường thiệt hại trong các vụ án ở Châu Âu với các vấn đề về quyền bồi thường thiệt hại tại Việt Nam[6].

Điều 302 Luật Thương mại 2005 có quy định: “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Cách tiếp cận này ngắn gọn và đơn giản hơn nhiều so với Bộ luật Dân sự 2015, nhưng lại chưa được bao quát hết các thiệt hại được bồi thường. Bộ luật Dân sự 2015, ngoài những tổn thất về vật chất thì tổn thất về tinh thần cũng được xem xét đến. Tổn thất về tinh thần đã rất phổ biến trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Khi tiến hành soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015, bồi thường thiệt hại về tinh thần đã được đưa vào cả lĩnh vực hợp đồng. Có thể xem đây là điểm tiến bộ, tiệm cận với pháp luật các quốc 13 gia trên thế giới, “để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên không được thực hiện đúng hợp đồng và để pháp luật Việt Nam không quá xa với xu hướng chung của thế giới, nên cho phép bồi thường tổn thất về tinh thần ngay cả đối với hợp đồng chịu sự chi phối của pháp luật thương mại nếu tổn thất đó thật sự tồn tại”. Bộ luật Dân sự 2015 cũng trao quyền cho Tòa án xác định mức bồi thường. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Tòa án nhân dân Tối cao vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực thi quy định này.

Theo quan điểm của tác giả, việc xác định tổn thất tinh thần do vi phạm hợp đồng hoàn toàn có thể áp dụng tương tự như xác định đối với thiệt hại ngoài hợp đồng tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, được quy định khá chi tiết tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do đó, tác giả kiến nghị Tòa án nhân dân Tối cao cần sớm có văn bản hướng dẫn các nội dung về việc áp dụng tương tự pháp luật trong việc xác định trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần do vi phạm hợp đồng. Cụ thể là áp dụng mức bồi thường tổn thất về tinh thần tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015. Đồng thời hướng dẫn cụ thể các khoản thiệt hại được bồi thường không trùng lặp với khoản thiệt hại thực tế, khoản lợi ích đáng lẽ được hưởng do hợp đồng mang lại và quy định về thỏa thuận bồi thường thiệt hại có được thỏa thuận vượt quá khoản thiệt hại thực tế hay không.

Một số khuyến nghị cho Việt Nam trong việc bồi thường thiệt hại trong các vụ án kinh tế:

Thứ nhất, có hướng dẫn cụ thể hoặc bổ sung quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về trình tự, thủ tục điều tra tài chính, đặc biệt là đối với việc điều tra hành vi tham nhũng, từ giai đoạn xác minh tài sản bị nghi ngờ; truy tìm tài sản; sử dụng các biện pháp tạm thời như phong toả, thu giữ khi thích hợp để tránh tẩu tán tài sản; thực hiện các biện pháp tịch thu tài sản; chứng minh hành vi tham nhũng.

Thứ hai, cần sử dụng tổng hợp và linh hoạt các biện pháp khác nhau (thu hồi tài sản thông qua hình thức kết án; thu hồi tài sản không qua hình thức kết tội; thu hồi tài sản thông qua thủ tục hành chính; thu hồi tài sản thông qua thủ tục dân sự) để thu hồi tài sản tham nhũng, căn cứ ưu điểm và nhược điểm của từng biện pháp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, từ đó nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, cần tăng cường áp dụng biện pháp thu hồi tài sản thông qua thủ tục hành chính bằng việc bổ sung quy định tại Mục 6 Chương 2 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 nội dung: “Những người có tài sản tăng lên bất thường và bị tình nghi có hành vi tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng phải chứng minh nguồn gốc tài sản”. Bổ sung thủ tục về việc tịch thu tài sản trong trường hợp người có tài sản tăng lên bất thường và bị tình nghi có hành vi tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng không chứng minh được nguồn gốc tài sản.

Thứ tư, hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao quản lý tài sản thuộc sở hữu Nhà nước trong việc khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại những tài sản thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức.

[1] Regulation 1/2003 did not harmonise sanctions for antitrust violations. This is probably because the EU seeks to comply with Art. 83(2) of the TFEU, which preserves the sovereignty of the EU Member States in criminal matters. For discussion on the issue, see Günsberg (2015), pp. 55–59.

[2] The exception of a stand-alone case in a civil law country can be found in the Lithuanian jurisdiction. See AB flyLAL-Lithuanian Airlines v. Air Baltic Corporation A/S and Airport Riga, Decision of the Court of Appeals of Lithuania of 31 December 2008, civil case No. 2-949/2008. For the discussion on stand-alone actions in the UK, see Kuijpers et al. (2017), pp. 56–58.

[3] Kuijpers M et al (2017) Actions for damages in the Netherlands, the United Kingdom, and Germany. J Eur Compet Law Pract 8(1):47–65

[4] Kuijpers M et al (2017) Actions for damages in the Netherlands, the United Kingdom, and Germany. J Eur Compet Law Pract 8(1):47–65

[5] Davis JP, Lande RH (2008) Benefits from private antitrust enforcement: an analysis of forty cases. Univ San Franc Law Rev 42:879–918

[6] Một số hạn chế, vướng mắc về việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 nhìn từ công tác thi hành án dân sự, https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=1069. 


Thạc sĩ  NGUYỄN ĐỨC SƠN

 Học viện Cảnh sát nhân dân 

Bàn về việc xác định tuổi của bị hại dưới 18 tuổi và bị hại đủ 70 tuổi trong vụ án hình sự

Nguyễn Mỹ Linh