(LSO) - Thời gian gần đây, nhiều trường Đại học tiếp tục “xé rào” bất chấp quy định của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh. Thậm chí, có trường còn chơi chiêu “bom bẩn” bằng cách sử dụng thư nặc danh gửi cho giáo viên chủ nhiệm, thí sinh để nói xấu trường khác nhằm có lợi cho trường mình.
“Bom bẩn” mùa chiêu sinh
Từ ngày 08/8 đến nay, các trường Đại học tại miền Trung rất bức xúc trước thông tin một trường Đại học ở Đà Nẵng do bộ phận tuyển sinh sử dụng thư nặc danh gửi giáo viên chủ nhiệm, thí sinh ở các trường THPT với nội dung phản cảm, bịa đặt.
Nội dung thư đánh máy tới 5 trang giấy A4 với các thông tin: “Thống kê điểm cộng, điểm trừ các trường Đại học ở Đà Nẵng gồm Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Trường ĐH Đông Á, Trường ĐH FPT. Sau chấm điểm là nêu nên chọn trường nào ở Đà Nẵng để học”...
Đáng nói là phần đánh giá trong nội dung thư nặc danh rất ẩu khi cho rằng: “Điểm trừ cho Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng là sinh viên thụ động, học nhiều lý thuyết dẫn đến sinh viên khó tiếp cận công việc ngay khi ra trường, học phí mới khoảng 70% chỉ tiêu các ngành lên đến 30 triệu đồng/năm, vào loại cao nhất miền Trung, cao hơn các trường trên cùng địa bàn như Đại học Duy Tân, Đại học Đông Á, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng; Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng điểm trừ là học phí khá cao, học phí và chất lượng chưa tương xứng, có nhiều phụ phí; Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng điểm trừ là chuyên môn giảng dạy khá thấp, cơ hội việc làm của sinh viên thấp”.
Trong khi đó, phần điểm cộng nội dung thư khen Trường Đại học Duy Tân hết lời như: “Trường ngoài công lập duy nhất ở miền Trung được xếp vào tốp 500 đại học tốt nhất châu Á. Các ngành Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử được kiểm định chất lượng bởi tổ chức uy tín quốc tế. Có nhiều giảng viên và sinh viên nước ngoài. Các ngành Y - Dược - Điều dưỡng có lực lượng giảng viên và cơ sở vật chất vào loại hoàn chỉnh nhất Đà Nẵng. Tỷ lệ có việc rất cao ngay khi ra trường; Trường ĐH FPT 95% sinh viên ra trường có việc làm nhưng tỷ lệ sinh viên đi bắt internet dạo hay tiếp thị điện thoại thì chưa được thống kê”…
Chưa dừng lại đó, nội dung thư còn chê bai các trường khác như “trường có nhiều điều tiếng, chất lượng đào tạo khá thấp”, thậm chí còn liệt kê những đường link thông tin về các trường bị sai phạm, xử lý trước đây, không đúng sự thật mà chỉ nhằm dèm trường bạn. Trước đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện hai fanpage dựng chuyện, nói xấu trường khác. Sau khi bị cộng đồng mạng phản ứng thì trang này gỡ bài.
Ngoài thư nặc danh, trong một số chương trình tư vấn tuyển sinh, có đại diện một trường A ở TP. HCM thẳng thừng chê bai sinh viên, chất lượng trường B không bằng trường mình. Và hệ quả là bị sinh viên trường B phản ứng gay gắt trên fanpage nên đại diện trường A phải xin lỗi. Cũng trong tháng 8, khi thí sinh còn chưa thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường Đại học tại TP. HCM đã in, gửi giấy báo trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học, có trường còn yêu cầu thí sinh đóng học phí giữ chỗ đến hạn chót là ngày 15/8.
Giá trị cao đẹp của giáo dục bị tổn thương
Ngay khi xuất hiện thư nặc danh nói xấu nêu trên, cộng đồng sinh viên Đại học Đà Nẵng đã phát đi thông điệp trên fanpage: “Hãy nói không với cạnh tranh không lành mạnh trong giáo dục. Vừa qua, nhiều phụ huynh, học sinh THPT ở Đà Nẵng và một số địa phương nhận được các tài liệu với thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác, có tính chất nâng mình, hạ người; tự cho các trường Đại học “điểm cộng, điểm trừ”, có thể gây tâm lý hoang mang cho thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành để đăng ký xét tuyển vào Đại học giữa lúc dịch Covid-19. Lãnh đạo các trường, thầy cô, cựu sinh viên, học sinh, sinh viên và một số báo, trang mạng xã hội đã lên tiếng phê phán, không đồng tình với kiểu cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh. Vì vậy, phụ huynh, học sinh hết sức cảnh giác khi tiếp nhận tài liệu, thông tin thiếu khách quan và không chính thống như thế này”.
Phải nói rằng, đây là hiện tượng rất xấu trong môi trường giáo dục khi người ta dùng chiêu trò để hạ uy tín nhau qua mạng xã hội, bằng thư nặc danh hoặc nhiều cách khác. Việc này làm vấy bẩn môi trường giáo dục, thông tin méo mó đến học sinh và phụ huynh khiến người ta có thể hiểu sai về trường và ngành học.
TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) cho rằng, hành động sử dụng thư nặc danh là đã vi phạm đạo đức và luật pháp rồi, lại còn thêm nội dung nói xấu trường bạn, đề cao trường mình là đi ngược lại những nguyên tắc của giáo dục, giáo dục sự chân thực, lòng trách nhiệm, nhằm hướng đến chân thiện mỹ...
Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á còn cho biết, bà đã bị bôi nhọ, những cá nhân xấu nói trên đã thông tin cho rằng bà Nguyễn Thị Anh Đào nguyên là Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân có quan hệ tốt với chính quyền địa phương nên được ưu ái về đất đai và một số cơ chế mở... đó là sự xúc phạm vào người đứng đầu tổ chức giáo dục và cả chính quyền. Trong khi bà đã tốt nghiệp xuất sắc đại học ngành Sinh hóa Vi sinh trường Đại học Tổng hợp Huế, khi ra trường được trường giữ lại làm giảng viên giảng dạy tại Bộ môn Sinh hóa Vi sinh thuộc Khoa Sinh Trường Đại học Tổng hợp Huế, nay là trường Đại học Khoa học Huế.
Khi lập gia đình, bà chuyển công tác về Đà Nẵng, làm việc tại Nhà máy bia Đà Nẵng. Với nhiều trải nghiệm trong ngành Vi sinh và lên men bia, bà khởi nghiệp Công ty Bia Khuê Trung. Vừa làm vừa theo học luật, quản trị khi doanh sau một thời gian bà chuyển về ngành giáo dục và mở trường. Bà tiếp tục đi học Cao học giáo dục tại Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng. Tại đây, bà Nguyễn Thị Anh Đào đã học tập và nghiên cứu xuất sắc nên hội đồng bảo vệ Luận văn Thạc sĩ Trường Đại học Sư phạm và Đại học Giáo dục Hà Nội đặc cách cho bà làm Luận án Tiến sĩ mà không qua thi làm nghiên cứu sinh. Bà tiếp tục nghiên cứu giáo dục học và tốt nghiệp Luận án Tiến sĩ vào năm 2012. Cả quá trình học tập và làm việc nghiêm túc không ngừng nghỉ để đồng hành cùng thầy cô và hỗ trợ các thế hệ sinh viên trên dải đất miền Trung và trong cả nước.
TS. Nguyễn Thị Anh Đào cho rằng, trường bạn hành xử lấn lướt, coi thường xã hội, coi thường luật pháp, sử dụng hàng loạt chiêu trò "bẩn" lạ lùng, nên thầy cô và sinh viên Trường Đại học Đông Á cùng 4 trường bạn trong Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Kiến trúc, Đại học FPT, cùng cộng đồng hết sức thất vọng, tất cả cùng gửi đơn qua Công an địa phương để điều tra làm rõ và xử lý.
Liên quan đến thư nặc danh nói trên, đại diện Trường Đại học Duy Tân cho hay, sau khi có nhiều thông tin phản ánh, trường đã rà soát lại tất cả bộ phận, việc gửi thư nặc danh đánh giá, cho điểm và một số nội dung không hay về trường bạn không phải là chủ ý của trường. Lãnh đạo Đại học Duy Tân cho biết, đây là việc làm tự phát của các cộng tác viên tham gia công tác tuyển sinh. Khi thực hiện việc này, các cộng tác viên không báo cáo và chưa được sự cho phép của trường. Nhà trường đã yêu cầu báo cáo và dừng ngay những việc làm không hay này, Đại học Duy Tân sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ xử lý trách nhiệm những người có liên quan.
Được biết, vào chiều 24/8, lãnh đạo 3 trường Đại học FPT, Kiến trúc Đà Nẵng, Đông Á (Đà Nẵng) đã có thư ngỏ gửi đến phụ huynh, học sinh, giáo viên thông tin về việc trong thời gian vừa qua, xuất hiện một số thư nặc danh gửi cho các thầy cô giáo tại các trường trung học phổ thông, các thí sinh và quý vị phụ huynh ở các tỉnh miền Trung với các thông tin sai lệch. Lãnh đạo 3 trường Đại học khuyến cáo thí sinh và phụ huynh hết sức cảnh giác với các thông tin nặc danh, không rõ nguồn gốc này.
NGÔ THÀNH NAM