Toàn cảnh buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc, về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có: Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Lê Cao Long, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật; Luật sư Lê Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật; Luật sư Nguyễn Thị Mai, Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Xuân Anh, Chánh Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Nhà báo Trần Mạnh Quyết, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam...
Về phía Bộ Tư pháp có: Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật; bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật; cùng các cán bộ thuộc Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được Liên đoàn Luật sư Việt Nam đẩy mạnh với nhiều hoạt động, trong đó Tạp chí Luật sư Việt Nam - tiếng nói của giới Luật sư là nòng cốt.
Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Luật sư Thịnh cũng cho rằng, buổi làm việc là cơ hội để Liên đoàn Luật sư Việt Nam được đề xuất các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cùng những hoạt động khác để tham gia góp ý, triển khai các công việc của Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, các hoạt động khác của Bộ Tư pháp.
Theo ông Lê Vệ Quốc, buổi làm việc là dịp để hai bên cùng trao đổi kinh nghiệm, triển khai những vấn đề thuộc phạm vi, chức năng của mỗi bên và công tác phổ biến pháp luật trong thời gian tới. Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật hy vọng các đại biểu sẽ trao đổi thẳng thắn, tâm huyết để đưa ra được những giải pháp, đề xuất tối ưu nhất.
Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Luật sư Lê Cao Long, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trình bày Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện các chương trình, đề án về tiếp cận pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Cụ thể, đối với kết quả thực hiện Đề án 977 về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân:
- Về công tác góp ý, xây dựng, tuyên truyền phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam giao cho Ủy ban Xây dựng pháp luật phối hợp với Cơ quan truyền Thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng Đoàn Luật sư các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tích cực tham gia đóng góp, xây dựng các dự thảo luật.Trong năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, Liên đoàn đã đóng góp cho 37 văn bản pháp luật và các văn bản khác theo yêu cầu của các cơ quan.Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã tổ chức 05 cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng pháp luật, gồm: Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của luật sư đối với dự thảo Luật Đất đai (tổ chức tại Hà Nội), 02 cuộc Hội thảo tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những bất cập, vướng mắc và kiến nghị sửa đổi (tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh); Hội thảo lấy ý kiến đóng góp về Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở (tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh); Hội thảo lấy ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài Thương mại và Luật Đất đai (tại TP. Hồ Chí Minh)…
Luật sư Lê Cao Long, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện các chương trình, đề án về tiếp cận pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
- Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư,năm 2023, Liên đoàn và các Đoàn Luật sư tiếp tục triển khai các lớp bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến qua phần mềm Zoom Cloud Meetings, nhờ đó số lượng lớp bồi dưỡng được mở ra đa dạng, linh hoạt hơn về nội dung, thời lượng, giáo viên... đông đảo Luật sư cũng như những người làm việc trong lĩnh vực pháp luật tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng này. Bên cạnh đó, Liên đoàn chú trọng và thường xuyên tổ chức các chương trình bồi dưỡng luật sư với chủ đề về thương mại quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu trang bị kiến thức, kỹ năng về hội nhập kinh tế quốc tế của đội ngũ luật sư trong giai đoạn hiện nay.
- Về công tác góp ý xây dựng, tuyên truyền phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý của các Đoàn Luật sư địa phương,các Đoàn luật sư và cá nhân các Luật sư đã kết hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các nội dung liên quan đến tuyên truyền các văn bản pháp luật cũng như việc thực thi pháp luật, áp dụng pháp luật. Các Đoàn Luật sư đã kết hợp với Hội Luật gia, Hội Phụ nữ tỉnh, thành phố tư vấn pháp luật trực tuyến về Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Phòng cháy và chữa cháy cho bạn đọc của báo; phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình thực hiện chuyên mục pháp luật tư vấn miễn phí cho gia đình chính sách, người nghèo và trẻ em và các đối tượng thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các văn bản, chương trình, đề án.
Theo đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và việc nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân chưa được triển khai hiệu quả ở một số ủy ban, đơn vị của Liên đoàn Luật sư và Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh và ông Lê Vệ Quốc chủ trì buổi làm việc.
Luật sư Long cho biết, nhiệm kỳ I và II, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chưa có cơ quan, đơn vị làm đầu mối phụ trách công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và cơ quan chuyên trách về truyền thông. Đến nhiệm kỳ III (2021-2026), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã giao cho Trung tâm Tư vấn pháp luật làm đầu mối tham mưu giúp cho Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong lĩnh vực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và thành lập Cơ quan truyền thông. Có thể nói, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam còn tương đối non trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động này.
Ngoài ra, kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam còn hạn hẹp, chủ yếu lấy từ nguồn phí đóng góp của thành viên nên kết quả đạt được còn hạn chế.
Trước những kết quả đã đạt được và những tồn tại, hạn chế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo đảm yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tính khả thi trong thực hiện, trong đó chú ý tới việc phát huy vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư, cá nhân các Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư tham gia công tác này. Nghiên cứu việc giao cho Liên đoàn Luật sư một số chương trình, kế hoạch của nhà nước trong công tác nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để Liên đoàn Luật sư có thể tham gia, đóng góp hiệu quả.
Đồng thời, cần bổ sung quy định trong Nghị định số 123/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện công tác trợ giúp pháp lý của Luật sư. Để thực hiện tốt trách nhiệm tuyên truyền pháp lý vì cộng đồng, vì người nghèo thì không chỉ là trách nhiệm của Đoàn Luật sư, của tổ chức hành nghề Luật sư mà là sự phối hợp của cơ quan nhà nước với Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, từng Luật sư.
Nhanh chóng xây dựng, ban hành Đề án Chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn mới; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số khả thi, hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; có những nền tảng phổ biến giáo dục pháp luật dành riêng cho mỗi đối tượng được phổ biến giáo dục pháp luật; phát triển nền tảng để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi- đáp, tình huống; phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa. Nghiên cứu cơ chế, chính sách hướng dẫn, thu hút các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư tham gia phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Đặc biệt, nên có chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí hàng năm cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam để triển khai tích cực Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân...
Tham gia thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình thực hiện các chương trình, đề án về tiếp cận pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.
Có thể thấy, công tác tiếp cận pháp luật và hỗ trợ pháp lý luôn được Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam coi trọng. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường, hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra những góp ý nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, tuyên truyền phổ biến pháp luật; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư…
Các cán bộ nhân viên trực thuộc Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cũng Liên đoàn Luật sư Việt Nam chụp ảnh lưu niệm.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong công tác thực hiện các chương trình, đề án về tiếp cận pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua. Cục Phổ biến giáo dục pháp luật khẳng định sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất mà đơn vị thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đưa ra, sau đó nghiên cứu để có phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian tới, Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Liên đoàn Luật sư Việt Nam để triển khai các hoạt động, nhiệm vụ đã đưa ra.
PV