Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2017.
Theo đó, phát hiện hàng loạt sai phạm để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng… Những điều này chủ yếu tập trung ở huyện đảo Phú Quốc.
Nát bấy vì phân lô, tách thửa
Theo tài liệu, ngày 28/03/2018, trước tình hình sốt giá đất và việc phân lô tách thửa đất nông nghiệp diễn ra tràn lan ở Phú Quốc, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo tổng Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra về việc quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Dù thời hạn thanh tra ban đầu dự kiến 70 ngày, nhưng sau đó do phải bổ sung nội dung thanh tra nên thời gian tiến hành thanh tra kéo dài gấp gần 10 lần.
Đúng như thực tế những gì đã diễn ra ở Phú Quốc thời điểm các năm 2016, 2017, 2018, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu:
Thời điểm từ năm 2016 đến tháng 06/2018, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc huyện này buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị, dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp sau đó chuyển nhượng.
Trong thời gian này, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Kiên Giang đã cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp diện tích dưới 500m2 trên địa bàn huyện Phú Quốc. Việc cho phép phân lô tách thửa tràn lan đã thổi bùng cơn sốt giá đất chưa từng thấy trên đảo Phú Quốc. Đất đai khắp hòn đảo bị xẻ ra thành hàng trăm khu dân cư tự phát.
Giá đất bị đẩy lên gấp hàng trăm lần so với bình thường. Hàng đoàn người từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đổ ra đảo Phú Quốc đầu cơ đất đai, đẩy cả hòn đảo du lịch vào cơn sốt đất "vô tiền khoáng hậu".
Không chỉ mất đất nông nghiệp, kết luận còn chỉ ra trách nhiệm của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang không đôn đốc các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất rừng khi chuyển mục đích sử dụng đất phải trồng rừng thay thế.
Sở NN&PTNT, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Ban quản lý Vườn quốc gia Phú Quốc buông lỏng quản lý rừng, dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng. Thậm chí, nhiều hộ dân còn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lên diện tích đất thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý.
Gần như không còn tầm nhìn ra biển
Đảo Phú Quốc hiện nay gần như đã không còn tầm nhìn ra biển từ bất kỳ hướng nào. Dân muốn tắm biển phải xin tắm nhờ các khách sạn, resort do các lô đất ven những con đường chạy dọc bờ biển ở đây đều đã "có chủ".
Nguyên nhân của tình trạng này là do vào năm 2016, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản có nội dung: "Không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại 20 bãi biển trên đảo Phú Quốc".
Điều này chưa phù hợp với quy định tại Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tại khu vực Bãi Trường (dài 13km, dài nhất đảo Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang còn thiết lập hành lang biển trái với quy hoạch chung đã được Chính phủ phê duyệt.
Kết luận Thanh tra Chính phủ cũng nêu con số thiệt hại lên tới hàng trăm tỉ đồng do các sai phạm của UBND tỉnh Kiên Giang, các sở, ngành và UBND huyện Phú Quốc gây ra. Cụ thể, Sở Tài chính Kiên Giang xác định sai giá đất khi thu tiền sử dụng đất tại dự án khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc do Công ty CP Sài Gòn Sovico Phú Quốc làm chủ đầu tư khiến ngân sách thiệt hại trên 17,72 tỉ đồng.
UBND tỉnh Kiên Giang xác nhận ưu đãi, hỗ trợ bổ sung cho Công ty TNHH Ngôi Sao tại dự án khu du lịch sinh thái Ngôi Sao - Lucky star resort khiến ngân sách thiệt hại trên 62 tỉ đồng…
Cục Thuế tỉnh Kiên Giang giảm 50% tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư nhiều dự án trên đảo Phú Quốc khiến ngân sách thiệt hại trên 255,82 tỉ đồng. Đồng thời không phạt chậm nộp đối với các tổ chức chậm nộp tiền sử dụng đất, tính tiền thuê đất chưa chính xác, chưa điều chỉnh đơn giá theo quy định làm thiệt hại trên 255,4 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các bước theo quy định của pháp luật để xem xét thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với 43 dự án (chủ yếu ở Phú Quốc) đầu tư chậm tiến độ nhiều năm.
Về phía tỉnh, ông Phạm Vũ Hồng - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết UBND tỉnh thống nhất với toàn bộ nội dung kết luận thanh tra.
Trách nhiệm chính thuộc về chủ tịch UBND tỉnh thời kỳ 2011 - 2017 Để xảy ra các sai phạm nói trên, Thanh tra Chính phủ nhận định trách nhiệm chính thuộc về chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011 - 2017. Cùng chịu trách nhiệm còn có thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND huyện Phú Quốc thời kỳ 2011 - 2017. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có liên quan kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra những thiếu sót, vi phạm đã nêu tại kết luận. Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất trái mục đích đối với đất nông nghiệp trên địa bàn huyện; thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân liên quan đến đất rừng thuộc Vườn quốc gia và rừng phòng hộ Phú Quốc. |
H.T.DŨNG - K.NAM - T.HOÀNG/TTO