Ảnh minh họa.
Khái quát về tình hình bạo lực trẻ em và các hình thức bạo lực trẻ em
Theo các nghiên cứu về bạo lực trẻ em, cứ mỗi 5 phút sẽ có một trẻ em thiệt mạng do là nạn nhân của các hành vi bạo lực. Mỗi một trẻ em đều dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo lực(1). Bạo hành trẻ em có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh. Trẻ em là đối tượng của bạo lực trong rất nhiều trường hợp, từ buôn bán trẻ em, lạm dụng lao động cho tới các hình phạt tại trường học, ngược đãi tại gia đình.
Trẻ em chiếm tới 30% nạn nhân của buôn bán người, với mục đích lạm dụng tình dụng. Theo các nghiên cứu, cứ 4 trẻ em dưới 5 tuổi có 3 trẻ em là nạn nhân của những hình phạt kỷ luật mang tính bạo lực bởi người nuôi dưỡng mình; gần 1/3 trẻ em là học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường ít nhất một lần trong một tháng(2).
Các nhà nghiên cứu về quyền trẻ em quốc tế đã phân loại các hình thức bạo lực đối với trẻ em thành ba nhóm chính, bao gồm: bạo lực trẻ em ở cộng đồng (community violence); bạo lực trẻ em tại nơi giáo dưỡng (institutional violence); bạo lực trẻ em có tính hệ thống (structural violence)(3).
Các hình thức bạo lực trẻ em trong cộng đồng
Các hình thức gây tổn thương khác nhau cho trẻ em như buôn bán trẻ em, nô lệ và nợ nần, bắt buộc tham gia vào chiến tranh, phục vụ gia đình, và các hình thức bạo lực trẻ em trong cộng đồng khác đã trở thành đối tượng của các hiệp ước về quyền trẻ em(4). Vấn đề sử dụng lao động trẻ em cũng là một vấn đề thuộc hình thức bạo lực trẻ em trong cộng đồng đáng quan tâm vì xuất hiện phổ biến ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Buôn bán lao động trẻ em là một hình thức bạo lực tương tự. Hình thức bạo lực này có thể xuất hiện trong các lĩnh vực sử dụng lao động trẻ em như nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ gia đình, nghề cá, lâm nghiệp, du lịch, sản xuất, khai khoáng, khai thác đá, nhà hàng và các ngành khác. Trong các trường hợp nói trên, trẻ em thường không có người chăm sóc và rơi vào các hoàn cảnh không có hỗ trợ nên bắt buộc phải trở thành lao động. Trẻ em thường dễ bị tổn thương hơn người trưởng thành trong các nghề này và dễ gặp nhiều nguy hiểm hơn trong vấn đề bạo lực tại cộng đồng(5).
Các nạn nhân của nạn buôn bán lao động trẻ em thường gặp phải các chấn thương nặng nề về thể chất và tâm lý. Trong nhiều trường hợp, ngay cả khi trẻ em không phải chịu những hình thức bạo lực trực tiếp, trẻ vẫn có thể trở thành nạn nhân khi điều kiện làm việc không bảo đảm yêu cầu, thậm chí là phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại của các ngành sản xuất công nghiệp(6).
Các hình thức bạo lực trong cộng đồng khác như làm việc trong lĩnh vực dịch vụ gia đình cho tới việc tuyển chọn trẻ em tham gia vào quân đội cũng có thể gây ra tác động lớn đối với trẻ em, khiến cho trẻ em dễ gặp phải các tổn thương tâm lý, sinh lý và xã hội nặng nề.
Các hình thức bạo lực trẻ em tại nơi giáo dưỡng
Trẻ em có thể trở thành nạn nhân của bạo lực trong tất cả các không gian nơi nuôi dưỡng trẻ, bao gồm tại nhà, tại trường, các cơ quan hoạt động phúc lợi trẻ em, thậm chí các trung tâm cải tạo và các cơ sở chăm sóc trẻ em. Tại các cơ sở giáo dưỡng trẻ em nói trên, các hình phạt về thân thể vẫn được công nhận hợp pháp tại nhiều quốc gia, ngay cả khi ở các quốc gia đã cấm việc sử dụng các hình phạt này thì việc thực thi quy định cấm vẫn còn nhiều hạn chế. Trẻ em cũng bị bạo hành từ bạn bè, đặc biệt dưới hình thức bắt nạt thậm chí là bắt nạt trực tuyến là một hình thức bạo lực trẻ em đang gia tăng về số lượng trong bối cảnh các phương tiện trực tuyến ngày càng phát triển như hiện nay(7).
Tại gia đình, ước tính có hàng triệu trẻ em trên thế giới là nạn nhân của việc lạm dụng về thể chất, tâm ý, tình dục và cảm xúc hoặc chứng kiến bạo lực giữa những người thân của mình. Trong nghiên cứu về bạo lực trẻ em của Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, tại tất cả các khu vực trên thế giới, có từ 80% đến 98% trẻ em phải chịu các hình phạt về thể chất tại nhà, với 1/3 hoặc hơn trải qua các hình phạt nặng nề. Vì vậy, nhà đáng lẽ ra là nơi an toàn nhất cho trẻ em, nhưng trên thực tế lại là nơi quá nhiều trẻ em phải gánh chịu những chấn thương và là nạn nhân của bạo lực(8).
Các hình thức bạo lực trẻ em có tính hệ thống
Đây là các hình thức bạo lực xuất phát từ những vấn đề tồn tại mang tính hệ thống trong các cấu trúc văn hóa và chính trị - kinh tế trong xã hội như sự bất bình đẳng, chế độ gia trưởng, chế độ nô lệ, sự phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tự do mới, nghèo đói, sự phân biệt giới tính, phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục, phân biệt đối với người nhập cư, tị nạn... Những vấn đề này luôn hàm chứa khả năng xảy ra các hình thức bạo lực nói chung và bạo lực trẻ em nói riêng, là nguyên nhân trực tiếp của những tai nạn, chết chóc, bệnh tật... đang diễn ra hàng ngày trên thế giới(9). Theo báo cáo chung của UNICEF và Ngân hàng Thế giới, 385 triệu trẻ em trên khắp thế giới đã sống trong cảnh nghèo đói nghiêm trọng vào năm 2013(10). Sự nghèo đói khiến cho trẻ em và gia đình của các em dễ trở nên bị tổn thương hơn, đẩy những người cha mẹ và cả trẻ em vào hoàn cảnh phải chấp nhận những công việc có nhiều rủi ro hơn để tồn tại, do đó trẻ em dễ trở thành nạn nhân của nhiều hình thức bạo lực.
Các quy định của pháp luật quốc tế về phòng, chống bạo lực trẻ em
Về việc xác định khái niệm bạo lực trẻ em
Văn bản pháp lý quốc tế quan trọng về bảo vệ quyền trẻ em - Công ước quốc tế về Quyền trẻ em (Công ước CRC) được thông qua năm 1989, có hiệu lực ngày 20/11/1990. Liên quan đến quyền của trẻ em được bảo vệ khỏi bạo lực, Điều 19 Công ước CRC quy định: “Các quốc gia thành viên phải thực hiện tất cả các biện pháp lập pháp, hành chính, xã hội và giáo dục thích hợp để bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các biện pháp bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị tổn thương hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc sao nhãng việc chăm sóc, bị ngược đãi hoặc bóc lột gồm cả lạm dụng về tình dục ngay cả khi trẻ em vẫn nằm trong vòng chăm sóc của cha mẹ hay người giám hộ hay người khác được giao quyền chăm sóc trẻ em”.
Định nghĩa về bạo lực trẻ em được quy định tại Điều 19 của Công ước CRC được xác định với phạm vi rộng, bao gồm tất cả các hình thức làm hại tới thể chất cũng như tinh thần của trẻ em. Theo Khuyến nghị chung số 13, Ủy ban về Quyền trẻ em giải thích rằng định nghĩa của CRC loại trừ các định nghĩa khác hẹp hơn về bạo lực, theo đó xác định bạo lực trẻ em chỉ bao gồm các hành vi gây hại về thể chất và có chủ đích(11). Xác định một định nghĩa hẹp về bạo lực trẻ em có thể khiến cho rất nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của bạo lực mà không có sự bảo vệ đầy đủ hoặc có những hỗ trợ kịp thời để ngăn chặn việc làm tổn thương trẻ em. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tác động đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em không chỉ đến từ bạo lực trực tiếp lên trẻ em, mà còn thông qua việc chứng kiến các hình thức bạo lực trong gia đình, trong cộng đồng, bao gồm cả việc chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang(12). Bằng việc xác định một định nghĩa rộng về “bạo lực trẻ em”, Công ước đã thiết lập một nền tảng pháp lý đầy đủ để các quốc gia có thể tăng cường bảo vệ trẻ em hơn nữa khỏi bất kỳ hình thức bạo lực, xâm phạm tới thể chất cũng như tinh thần hoặc sự phát triển bình thường của trẻ.
Việc xác định các hình thức bạo lực trẻ em theo quy định tại Điều 19 Công ước CRC cũng cần phải được xem xét kết hợp với các điều khoản khác trong Công ước và các văn bản pháp lý quốc tế khác có liên quan để bảo vệ một cách đầy đủ nhất quyền của trẻ em trước các hình thức bạo lực(13). Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (Ủy ban Quyền trẻ em) đã khuyến nghị về các hình thức bạo lực trẻ em, theo đó, “bạo lực tinh thần” bao gồm sự sỉ nhục, quấy rối, lạm dụng bằng lời nói, các tác động của sự cô lập và các hành động khác gây ra hoặc có thể dẫn đến những tổn thương về tâm lý. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tác động đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em không chỉ đến từ bạo lực trực tiếp lên trẻ em, mà còn thông qua việc chứng kiến các hình thức bạo lực trong gia đình, trong cộng đồng, bao gồm cả các cuộc xung đột vũ trang.
Về ngăn chặn tình trạng bạo lực trẻ em
Liên quan đến các hình thức bạo lực trẻ em trong cộng đồng, có nhiều văn bản pháp lý quốc tế điều chỉnh vấn đề này. Công ước ILO số 182 cấm tất cả các hình thức sử dụng lao động trẻ em (bao gồm nhưng không giới hạn bởi hành động buôn bán, ép buộc trẻ em lao động để trả nợ và tuyển dụng trẻ em tham gia trong các hoạt động xung đột quân sự), khai thác tình dục trẻ em, sử dụng trẻ em trong các hoạt động trái phép như buôn bán ma túy, khai thác tình dục, buôn bán người và các hình thức khác của khai thác (Điều 32 - Điều 36 Công ước ILO 182). Ngoài ra, hai trong số các Nghị định thư không bắt buộc của Công ước CRC - Nghị định thư về bán trẻ em, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em và Nghị định thư về sự tham gia của trẻ em vào xung đột quân sự tăng cường sự bảo vệ của luật quyền trẻ em liên quan đến những hình thức tồi tệ nhất của khai thác trẻ em. Có một số công cụ pháp lý về nhân quyền khu vực tập trung vào bảo vệ trẻ em, bao gồm Hiến chương châu Phi về Quyền và Phúc lợi trẻ em (African Charter on the Rights and Welfare of the Child) và Công ước của Ủy hội châu Âu về bảo vệ trẻ em khỏi khai thác và lạm dụng tình dục (Council of Europe Convention on the Protection of Children against Sexual Exploitation and Sexual Abuse) cũng xác định các hình thức khác nhau của bạo lực trẻ em trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các hiệp ước về nhân quyền cũng đưa ra một số quy định về bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực trong cộng đồng, chẳng hạn như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights) và Công ước của Liên hợp quốc chống lại việc tra tấn và các hình thức đối xử hoặc các hình phạt độc ác, phi nhân tính, tàn bạo (UN Convention Against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment).
Về ngăn chặn bạo lực trẻ em tại các cơ sở giáo dưỡng, khoản 3 Điều 3 Công ước CRC quy định rằng các cơ sở, nơi chăm sóc có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra liên quan tới nghiêm cấm bạo lực trẻ em bởi các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt trong vấn đề an toàn, sức khỏe trong hoạt động giám sát đối với các nhân viên của mình. Các cơ sở giáo dưỡng đối với trẻ được xác định bao gồm tại nhà, tại trường học và tại các cơ sở chăm sóc trẻ em khác như trường giáo dưỡng và phục hồi nhân phẩm, trung tâm bảo vệ trẻ mồ côi, các trung tâm tư pháp liên quan đến quyền trẻ em… Điều 19 Công ước CRC nhấn mạnh việc cấm cha mẹ và những người giám hộ khác lạm dụng trẻ em và bỏ rơi trẻ em. Bên cạnh đó, các quy định liên quan tới áp dụng các hình phạt kỷ luật đối với trẻ em cũng được pháp luật quốc tế điều chỉnh. Hiện nay, tại một số quốc gia, kỷ luật thân thể với trẻ em, kỷ luật hoặc các đối xử sỉ nhục trẻ em, các hình phạt thể chất bất hợp lý, giam cầm và các hình thức cách ly khác, giảm chế độ ăn uống, hạn chế giao tiếp với các thành viên gia đình hoặc bạn bè, lạm dụng ngôn từ hoặc mỉa mai… được xem như các hình phạt “hợp pháp” đối với trẻ em. Một số quốc gia cho rằng những hình phạt thân thể có một mức độ “hợp lý” nhất định được phép áp dụng với trẻ em(14). Để có thể bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trước các hình phạt được áp dụng phổ biến tại gia đình, Ủy ban Quyền trẻ em đã xác định khái niệm “hình phạt thân thể” được luật quốc tế coi là một hình thức bạo lực đối với trẻ là những hình phạt được áp dụng gây ra sự đau đớn hoặc không thoải mái cho trẻ em, bất kể mức độ của hình phạt đó. Hầu hết các hình phạt thân thể đều liên quan đến việc đánh trẻ em (tát, đánh đòn, đập phá), bằng tay chân hoặc bằng dụng cụ như gậy, thắt lưng, giày, thìa gỗ… Các hành động này có thể được thực hiện dưới hình thức như đá, lắc hoặc ném trẻ em, véo, đốt, gây bỏng hoặc ép ăn uống khiến trẻ em đau đớn như ép trẻ em nuốt xà phòng, nuốt gia vị cay, nóng… Ngoài ra, còn có thể là các hình thức trừng phạt “phi thể chất” khác cũng được cho là tàn nhẫn đối với trẻ em và vi phạm Công ước như làm nhục, chê bai, đe dọa, dọa nạt hoặc chế giễu trẻ(15).
Đối với ngăn chặn bạo lực trẻ em tại trường học, khoản 2 Điều 28 Công ước CRC yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm rằng kỷ luật tại trường được giám sát, phù hợp với nhân phẩm của trẻ và phù hợp với Công ước. Điều này có nghĩa là cần phải phù hợp với Điều 19, bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực thể chất hoặc tinh thần. Các hình phạt thể chất và các hình phạt mang tính sỉ nhục trẻ được xem là bạo lực tinh thần là vi phạm pháp luật. Như vậy, theo các quy định của pháp luật quốc tế về quyền trẻ em, các quốc gia cần phải bảo đảm rằng việc giáo dục tại trường học sẽ cần phải có những giới hạn nghiêm ngặt về viêc áp dụng các hình thức kỷ luật và thúc đẩy loại trừ bạo lực tại trường.
Bên cạnh đó, đối với môi trường nuôi dưỡng ngoài gia đình, trường học, tại các cơ sở giáo dưỡng trẻ em khác như trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi, trường giáo dưỡng, trung tâm giáo dưỡng và phục hồi nhân phẩm cho trẻ, trung tâm tư pháp trẻ vị thành niên…, Công ước CRC cũng thiết lập các quy định về nghĩa vụ bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực. Cụ thể, bất kỳ trẻ nào “tạm thời hoặc thường xuyên ra khỏi môi trường gia đình của chúng” cũng cần phải nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ đặc biệt bởi nhà nước” (Điều 20 Công ước CRC). Trong các vụ việc hình sự có người chưa thành niên tham gia thực hiện, Công ước CRC quy định rằng mỗi một đứa trẻ bị tước quyền tự do phải được đối xử với sự nhân văn và tôn trọng những phẩm giá của con người, và phù hợp với những nhu cầu con người ở lứa tuổi của trẻ (Điều 77, điểm c). Ủy ban Quyền trẻ em cũng nhận định rằng, tại một số quốc gia hình phạt về thân thể liên quan đến hình phạt tù đối với trẻ em dưới 18 tuổi được coi là trái với Điều 19 và các điều khoản khác của Công ước, cũng như trái với các quy tắc và hướng dẫn của Liên hợp quốc(16).
Điều 19 Công ước CRC không chỉ bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực trực tiếp đối với trẻ, mà còn khẳng định quyền được tôn trọng đầy đủ phẩm giá và tính toàn vẹn về thể chất và cá nhân của trẻ em. Điều 19 có mối liên hệ chặt chẽ với quyền được sống và được tồn tại tại Điều 6 Công ước. Công ước CRC trao quyền cho trẻ em trong việc tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ (Điều 12). Bên cạnh đó, các điều ước quốc tế về quyền trẻ em cũng điều chỉnh các vấn đề như đói nghèo, phân biệt đối xử, đối xử bất bình đẳng. Điều 2 Công ước CRC yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm các quyền trong Công ước tới mỗi một trẻ mà không có sự phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào. Điều khoản này cung cấp nền tảng pháp lý bảo đảm rằng quyền của mỗi trẻ em không bị xâm phạm bởi sự phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài ngoại, phân biệt giới tính, chủ nghĩa bài do thái, chủ nghĩa bài Hồi giáo hoặc bất kỳ hình thức nào khác của phân biệt đối xử. Hơn nữa, các điều khoản về không phân biệt đối xử của Công ước CRC còn quy định về các tác động từ thế hệ này qua thế hệ khác. Điều khoản này cũng có ý nghĩa yêu cầu các quốc gia thành viên cần phải có các quy định phù hợp để bảo vệ trẻ em khỏi sự phân biệt đối xử vì tình trạng của trẻ, cha mẹ của trẻ hoặc người giám hộ pháp lý của trẻ.
Không chỉ quy định về phân biệt đối xử, luật về quyền trẻ em còn điều chỉnh các vấn đề khác của bạo lực có tính hệ thống, bao gồm bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng nghèo đói. Công ước CRC yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho mỗi đứa trẻ có quyền được sinh tồn và phát triển, với tiêu chuẩn sống đầy đủ bao gồm thức ăn, mái ấm và tiếp cận với các cơ hội chăm sóc sức khỏe và giáo dục (Điều 6, Điều 24, Điều 27, Điều 28 Công ước).
Bên cạnh việc yêu cầu các quốc gia cần phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn bạo lực trẻ em dưới mọi hình thức, xảy ra trong mọi không gian giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em, khoản 2 Điều 19 Công ước CRC quy định nghĩa vụ của quốc gia thành viên không chỉ ngăn chặn các tổn thương đối với trẻ em mà còn phải thực hiện các biện pháp phản ứng hiệu quả đối với trẻ đã là nạn nhân của bạo lực. Nói cách khác, Công ước CRC yêu cầu các quốc gia thành viên bảo đảm cho những trẻ đã từng là nạn nhân của bạo lực nhận được những sự hỗ trợ và chữa trị cần thiết, bảo đảm rằng bạo lực sẽ không tiếp diễn đối với trẻ. Nghĩa vụ này được bổ sung thêm bởi yêu cầu tại Điều 39 Công ước, theo đó các quốc gia cần phải thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để thúc đẩy sự phục hồi về thể chất và tâm lý và tái hòa nhập xã hội của những trẻ là nạn nhân của bất kỳ hình thức nào của bỏ rơi, lạm dụng, tra tấn hoặc bất kỳ hình thức nào của sự ngược đãi hoặc kỷ luật phi nhân tính trên trẻ em. Các quốc gia thành viên cần phải hỗ trợ tất cả các khía cạnh trong việc phục hồi những nạn nhân của bạo lực trẻ em. Nghị định thư không bắt buộc về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Protocol to Prevent, Suppress and Punish Trafficking in Persons Especially Women and Children) năm 2012, cùng với Công ước phòng chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức của Liên hợp quốc cũng thiết lập các điều khoản liên quan tới vấn đề này. Điều 6 của Nghị định thư không bắt buộc xác định các biện pháp cần thiết đối với vấn đề phục hồi của trẻ em, bao gồm cung cấp mái ấm, tư vấn và thông tin, đặc biệt về các quyền pháp lý, sự hỗ trợ y tế, tâm lý và vật chất; và các cơ hội làm việc, giáo dục và đào tạo.
Như vậy, các quy định của Công ước CRC và các văn bản pháp lý quốc tế khác có liên quan yêu cầu các quốc gia không chỉ ban hành luật và chính sách để ngăn cấm tình trạng bạo hành trẻ em dưới mọi hình thức, từ bạo lực trẻ em trong cộng đồng, tới bạo lực trẻ em tại cơ sở giáo dưỡng, đến các hình thức bạo lực trẻ em mang tính hệ thống mà còn có nghĩa vụ phải thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm rằng mỗi một đứa trẻ phải được bảo vệ trước mọi hình thức bạo lực.
(1) United Nation, Keeping the Promise: Ending violence against children by 2030, 2019 (https://violenceagainstchildren. un.org/news/keeping-promise-ending-violence-against-children-2030, ngày 19/3/2023). (2) Pinheiro, Paulo Sérgio. World report on violence against children, United Nations, Geneva, 2006. (3) Jonathan Todres, Violence, Exploitation, and the Rights of the Child, in International Human Rights of Children (Ursula Kilkelly & Ton Liefaard eds., Springer Singapore, 2018), tr. 218. (4) Jonathan Todres, tlđd, tr. 215-237, tr. 218. (5) Van Bueren G, International law on the rights of the child. Kluwer, Amsterdam, 1995. (6) Oram S, Zimmerman C, The health of persons trafficked for forced labour. Global Eye on Human Trafficking, 4: 4, at (https://www.iom.int/jahia/webdav/site/myjahiasite/shared/shared/ mainsite/projects/showcase_pdf/global_eye_fourth_issue.pdf, truy cập ngày 19/3/2023, tr. 4). (7) INSPIRE, WHO, Seven strategies for ending violence against children. Geneva: World Health Organization; 2016, tại (https:// www.who.int/publications-detail/inspire-seven-strategies-for-ending-violence-against-children, ngày 19/3/2023). (8) INSPIRE, WHO, tlđd. (9) Rylko-Bauer B, Farmer P, Structural violence, poverty, and social suffering. In: Brady D, Burton LM (eds) The oxford handbook of the social science of poverty. Oxford University, Press, New York, 2016, tr. 47-74. (10) United Nations Children’s Fund (UNICEF) and The World Bank, Ending extreme poverty: a focus on children, October 2016, (https://www.unicef.org/publications/files/Ending_Extreme_Poverty_A_Focus_on_Children_Oct_2016.pdf, ngày 19/3/2023). (11) Jonathan Todres, tlđd, tr. 222. (12) Unicef, Implementation Handbook for the Convention on the Rights of the Child, 2007 (https://www.unicef.org/publications/files/Implementation_Handbook_for_the_Convention_on_the_Rights_of_the_Child_ Part_2_of_3.pdf, ngày 19/3/2023, tr. 256). (13) Xem Điều 32 quy định các khai thác kinh tế; Điều 34 Công ước CRC quy định về các khai thác tình dục; xem thêm Nghị định thư không bắt buộc về Công ước bán trẻ em, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em; Điều 36 Công ước CRC quy định các hình thức khác của khai thác. (14) Unicef, 2007, tlđd, tr.262. (15) Unicef, 2007, tlđd, tr.262. (16) Quy tắc tối thiểu Tiêu chuẩn của Liên hợp quốc về Thủ tục đối với tư pháp trẻ vị thành niên (còn được gọi là "Quy tắc Bắc Kinh”) - theo Quy tắc số 17.3 khẳng định: “Trẻ vị thành niên không được trở thành đối tượng của trừng phạt thân thể”. Quy tắc số 67 của Quy tắc về trục xuất và tự do của trẻ vị thành niên của Liên hợp quốc khẳng định “tất cả các biện pháp kỷ luật liên quan đến các đối đãi phi nhân tính, tàn ác cần phải được cấm một cách nghiêm ngặt, bao gồm cả các hình phạt thân thể…”. |
Thạc sĩ NGUYỄN THÙY DƯƠNG
Trường Đại học Luật Hà Nội
Hoàn thiện quy định pháp luật về chế định ‘Phòng vệ chính đáng’