/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần đấu giá công khai việc cho thuê sử dụng lòng đường, hè phố

Cần đấu giá công khai việc cho thuê sử dụng lòng đường, hè phố

04/07/2023 06:51 |

​(LSVN) - Vừa qua, tại dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. HCM do Sở Giao thông Vận tải TP. HCM xây dựng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này sẽ làm ảnh hưởng đến việc sử dụng không gian của người đi bộ; làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, dù nhiều người không đồng tình với chủ trương này nhưng vẫn thừa nhận một thực tế, đó là tình trạng lấn, chiếm lòng đường, vỉa hè để làm nơi kinh doanh, buôn bán của một bộ phận người dân diễn ra phổ biến, khó kiểm soát; tình trạng bảo kê, tranh giành địa bàn xảy ra liên tục; lực lượng chức năng thiếu và yếu nên rất khó khăn trong việc quản lý.


Ảnh minh họa.

Do đó, thay vì cấm đoán thì nên đặt vấn đề quản lý sao cho hiệu quả, không để lãng phí việc sử dụng lòng đường, hè phố, việc này sẽ góp phần quan trọng trong việc kích thích nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân và tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại một số địa phương tác giả kiến nghị cần chú trọng thực hiện có hiệu quả một số giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, cần phải phân lô và tổ chức đấu giá quyền thuê lòng đường, vỉa hè để kinh doanh. Thời gian thuê có thể tính theo tháng, theo năm hoặc dài hơn, tùy thuộc vào chủ trương của cấp có thẩm quyền. Giá thuê cần phải được xây dựng trên cơ sở lợi thế vị trí, mặt hàng được phép kinh doanh, buôn bán. Đồng thời, việc tổ chức đấu giá quyền thuê lòng đường, vỉa hè để kinh doanh phải được thực hiện rộng rãi, công khai, minh bạch, thu hút được nhiều người tham gia để đảm bảo tính cạnh tranh và tăng nguồn thu cho ngân sách. Nghiêm cấm việc cho thuê lòng đường, vỉa hè để kinh doanh không thông qua đấu giá, vì việc này sẽ phát sinh tiêu cực, không công bằng và có nguy cơ thất thu ngân sách.

Thứ hai, phải xác định việc kinh doanh dưới lòng đường, vỉa hè được thực hiện vào ban đêm, với khung giờ từ 19 giờ đến 24 giờ hoặc muộn hơn (tùy vào nhu cầu của người dân và khách du lịch). Không cho phép kinh doanh dưới lòng đường, vỉa hè vào ban ngày, vì thời gian này phải phục vụ cho hoạt động của các trụ sở cơ quan, tổ chức; phục vụ các hoạt động giao thông, người đi bộ và sinh hoạt của người dân.

Ba là, ngoài việc trả tiền thuê lòng đường, vỉa hè để kinh doanh thì người thuê cần phải cam kết hoàn trả lòng đường vỉa hè khi kết thúc việc kinh doanh, buôn bán theo khung giờ trong ngày đã được xác định; đồng thời, phải trả các chi phí các dịch vụ có liên quan đến điện, nước, môi trường và giữ gìn an ninh trật tự.

Bốn là, chính quyền địa phương phải lập quy hoạch, kế hoạch cho thuê việc sử dụng lòng đường, vỉa hè phục vụ cho việc phát triển kinh tế nhưng không được thực hiện tràn lan mà phải có trọng tâm, trọng điểm và chỉ thực hiện ở các khu vực nội thị, các khu du lịch để thu hút du khách và góp phần phát triển kinh tế đêm. Người thuê lòng đường, vỉa hè phải đăng ký kinh doanh các hàng hóa, sản phẩm hoặc các dịch vụ ăn uống phải nằm trong danh mục do cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Thiết nghĩ, hiện nay một số địa phương có chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè để kinh doanh là phù hợp. Tuy nhiên, cần phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và phải đảm bảo phát huy các lợi thế, nhất là phát triển kinh tế đêm, thu hút khách du lịch và giúp địa phương có nguồn thu. Bên cạnh đó, việc cho thuê lòng đường, vỉa hè để kinh doanh nhưng phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và bảo vệ môi trường.

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Cách xử lý khi gặp lỗi đăng ký tài khoản định danh điện tử 

Bùi Thị Thanh Loan