Cá nhân, tổ chức dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật

04/03/2021 09:08 | 3 năm trước

(LSVN) - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: “Về vấn đề tiền ảo, đây không phải là tiền pháp lệnh, không phải là phương tiện thanh toán. Việc cá nhân, tổ chức dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật”.

Website mua bán đồ điện tử bằng Pi.

Mới đây, xuất hiện một trang thương mại sử dụng đồng Pi có tên Pi***.vn được thành lập để người sở hữu đồng tiền này thanh toán, mua bán và trao đổi hàng hóa Việt Nam. Danh mục hàng hóa được niêm yết trên trang trải dài từ các sản phẩm điện tử, thời trang cho đến thực phẩm, dịch vụ...

Hiện tại, người tham gia không mất gì về mặt tiền bạc mà chỉ phải trải qua KYC - định danh khách hàng. Theo đó, người sử dụng phải cung cấp thông tin cá nhân như tên, tuổi, số điện thoại,… và phải đồng ý cho Pi Network quyền truy cập vào bộ lưu trữ USB, xem ID thiết bị và thông tin cuộc gọi, đọc danh bạ hay nhận dữ liệu từ Internet... Những thông tin này hết sức quan trọng và liên quan trực tiếp đến người dùng và sẽ rủi ro lớn nếu rơi vào tay người có ý đồ xấu.

Dựa theo một hợp đồng mua bán đã thực hiện, trang này định giá 1 Pi tương đương 100.000 đồng. Người mua có thể lựa chọn các tỉ lệ trao đổi gồm: 100% đồng Pi, 50% Pi + 50% VNĐ, 40% Pi + 60% VNĐ hoặc 30% Pi +70% VNĐ. Tuy nhiên, do Pi chưa được lên sàn, những định giá này đều là tự phát.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính vừa cho biết, thời gian qua, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan Công an về các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch, tiền ảo, chứng khoán có tính chất tương tự đã xẩy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn. Đồng thời, Bộ Tài chính khẳng định: “Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo”. Bộ Tài chính cũng cảnh báo, người dân cần nâng cao nhận thức về tài sản ảo, tiền ảo để tránh rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

Theo Luật sư Phan Vũ Tuấn, đại diện công ty Luật Phan Law, việc trao đổi, mua bán bằng các đồng tiền thuật toán trong lưu thông tiền tệ là hành vi trái pháp luật.

Theo khoản 6, Điều 4, Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dung tiền mặt, Luật sửa đổi bổ sung Nghị định 80/2016/NĐ-CP, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được thừa nhận hợp pháp mới có quyền sử dụng. Theo khoản 7, Điều 4, các phương tiện thanh toán không thuộc quy định khoản 6, Điều 4, Nghị định 101/2012/NĐ-CP đều là bất hợp pháp.

Việc áp dụng các khung pháp lý đối với Pi còn tùy thuộc vào việc đây có phải là đồng mã hóa thực sự hay không. Tuy vậy, đồng Pi không có trong danh mục cho phép nói trên. Do đó, việc dùng nó để trao đổi, mua bán hàng hóa là hành vi bị cấm.

Với trường hợp trang mua bán Pi***.vn, Luật sư Tuấn cho rằng trang này đã có các hành vi tổ chức giao dịch bằng đồng mã hóa. Vì vậy, cả người lập lẫn bên mua bán hàng đều đang vi phạm pháp luật.

* Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2021, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định: Về vấn đề tiền ảo, đây không phải là tiền pháp lệnh, không phải là phương tiện thanh toán. Việc cá nhân, tổ chức dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật.

“Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đang phối hợp làm rõ cơ sở pháp lý của việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa. Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm cả bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở 1 trong 4 dạng. 

Thứ nhất, vật đó phải là bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại dưới dạng chất rắn, lỏng, khí và con người có thể chiêm ngưỡng, kiểm soát được, như nhà cửa, xe cộ, bàn ghế…

Thứ hai, tiền - phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành và được Nhà nước bảo hộ - dùng để định giá các loại tài sản khác bao gồm tiền nội tệ và ngoại tệ, tiền điện tử.

Thứ ba, giấy tờ có giá trị, có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự.

Thứ tư, quyền tài sản, tức quyền giá trị được thể hiện bằng tiền, bao gồm quyền đòi nợ, quyền sử dụng đất, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ... Đối chiếu các quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong 4 dạng trên.

Theo quy định tại khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt thì: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định vừa nêu.

Theo quy định này, đồng Pi sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp.

Tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.

Theo quy định tại khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (các loại tiền ảo) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 - 100 triệu đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;

- Cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên;

- Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tại Điều 206 sửa đổi về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, từ 01/01/2018, người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Như vậy, Việt Nam không công nhận đồng tiền ảo là một phương tiện thanh toán, nếu phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để tạo lòng tin và đánh vào tính hám lợi nhằm lôi kéo người dân tham gia, các đối tượng luôn cung cấp những thông tin sai sự thật về lợi ích của việc tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp, về tính chất, công dụng, đặc biệt là tuyên truyền sai về thu nhập, tiền thưởng, lợi nhuận, hoa hồng mà những người đang hoặc sẽ tham gia vào hệ thống được hưởng, hoặc “tô vẽ” ra viễn cảnh giàu sang, không cần làm gì cũng có thu nhập cao.

Họ thường dụ dỗ với nhiều phương thức dựa vào lòng tham. Các hoạt động biến tướng đa cấp đã gây ảnh hưởng cho xã hội, nhiều người dùng sập bẫy vì về bản chất đây là hoạt động lừa đảo và lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp. Nếu phát hiện có sự dụ dỗ lôi kéo cũng có thể được khởi tố xử lý hình sự theo Điều 290 của Bộ luật Hình sự quy định tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Đó là hoạt động lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, thanh toán điện tử, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng...

Hiện nay, khi sử dụng app, người dùng phải cung cấp các thông tin cá nhân như cấp quyền cho họ được truy cập vào điện thoại, hình ảnh...Tùy từng mục đích mà họ sử dụng và cam kết. Tuy nhiên, việc rò rỉ thông tin người dùng hoàn toàn có thể xảy ra khi các ông lớn như Facebook, Google đều vướng phải dẫn đến nhiều lỗ hổng bảo mật không mong muốn, ảnh hưởng đến khá nhiều người dùng trên thế giới.

Thông tin cá nhân là loại dữ liệu bị đánh cắp nhiều nhất và dễ sử dụng thông tin nhất. Những kẻ tấn công thường dùng thông tin đánh cắp để nộp đơn xin vay tiền hoặc thẻ tín dụng dưới tên của người sử dụng và xin vay vốn dưới tên của nạn nhân. Do đó, tùy từng trường hợp mà chúng ta có những xử lý hành chính hoặc hình sự về các hành vi vi phạm này.

* Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, trước thực tế hiện nay việc lộ, lọt, hoạt động đánh cắp và mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra khá phổ biến trên không gian mạng, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo. Theo đó, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, áp dụng các hình phạt bổ sung theo quy định của pháp luật. Đây sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ sự an toàn thông tin cá nhân chủ thể cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân trên không gian mạng. Đồng thời, quy định này tạo tiền đề thuận lợi cho công tác xử phạt, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an trong thời đại mới. Thêm vào đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả áp dụng luật trên thực tế nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, trong thời gian tới dự thảo Nghị định cũng cần xem xét nghiên cứu tăng mức xử phạt cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.

YÊN CHI

Mức xử phạt của dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân: Xem xét tăng mức xử phạt cho phù hợp với tình hình thực tế

Từ khoá : lsvn.vn LSVN tiền ảo