/ Thư viện pháp luật
/ Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Khởi tố vụ án hình sự là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng xác định có sự việc phạm tội để tiến hành điều tra phát hiện tội phạm. Đây là một giai đoạn tố tụng độc lập, mở đầu các hoạt động điều tra. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể các căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.

Tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy đinh các căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Theo đó, chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

- Tố giác của cá nhân: Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân: Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước: Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

- Người phạm tội tự thú.

Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
    
Có thể thấy, căn cứ khởi tố vụ án hình sự được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chặt chẽ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của Bộ luật Tố tụng hình sự, đó là bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không đê lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phân bảo vệ công lý, bảo vệ quyên con người, quyên công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Điều luật quy định cụ thể điều kiện khởi tố vụ án hình sự là khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Các cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, chi khi có chứng cứ xác định dấu hiệu tội phạm thì mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
    
Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

- Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

- Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

- Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

THANH THANH

Bảo mật thông tin trên căn cước công dân gắn chip

Lê Minh Hoàng