Ảnh minh họa.
Một số hàng hóa được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%
Hàng hóa, dịch vụ, trừ một số nhóm như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, được giảm VAT 2% kể từ ngày 01/01 đến giữa năm 2024.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết trước đó của Quốc hội. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ, sẽ được duy trì mức thuế VAT ưu đãi 8% (tức giảm 2%) đến giữa năm sau. Tuy nhiên, một số mặt hàng gồm: viễn thông; tài chính - ngân hàng; chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản; kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than) không thuộc nhóm được ưu đãi thuế.
Cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ (người nộp thuế sẽ không trực tiếp đi nộp mà tiền thuế sẽ được trừ vào thu nhập hoặc chi phí mua hàng của người nộp thuế) được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu được giảm 20% trên tỉ lệ % để tính thuế khi xuất hóa đơn.
Bộ Tài chính ước tính, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong 06 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỉ đồng. Như vậy, đây là năm thứ 3 Quốc hội, Chính phủ quyết định giảm thuế VAT hỗ trợ nền kinh tế, tăng kích cầu tiêu dùng.
Áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu
Ngày 29/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Nghị quyết số 107/2023/QH15 quyết nghị, đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên, trừ các trường hợp sau đây: Tổ chức của chính phủ; Tổ chức quốc tế; Tổ chức phi lợi nhuận; Quỹ hưu trí; Quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; Tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao; Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức quy định từ điểm a đến điểm e khoản này.
Nghị quyết số 107/2023/QH15 có hiệu lực từ 01/01/2024.
Cho phép đấu thầu tập trung thuốc hiếm
Luật Đấu thầu (sửa đổi) hiệu lực từ ngày 01/01, bổ sung quy định có thể mua sắm tập trung với thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít, nhằm bảo đảm khả thi trong đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp.
Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục tập trung nếu đáp ứng điều kiện, được áp dụng hình thức đàm phán giá. Luật thông qua cũng bổ sung quy định, nhiều cơ quan, tổ chức có nhu cầu mua sắm cùng loại, có thể gộp thành gói thầu để một cơ quan mua sắm tập trung. Mua sắm tập trung phải qua đấu thầu rộng rãi. Hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng cần mua để phòng, chống dịch bệnh, được chỉ định thầu.
Luật cũng bổ sung quy định cho bệnh viện có thể lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Bên trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp hóa chất, thiết bị y tế, nhưng chỉ được chuyển giao quyền sử dụng, không được chuyển giao quyền sở hữu thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh. Luật cũng quy định thời hạn thực hiện sẽ theo hợp đồng nhưng không quá 05 năm.
Đây là phương thức mới được đưa vào luật để khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện mua hóa chất gắn với "máy đặt, máy mượn", đảm bảo tính khả thi, minh bạch, hiệu quả trong thực hiện.
Ngoài ra, thời hạn áp dụng 05 năm là phù hợp với thực tiễn, đủ đảm bảo thời gian để chuyển sang hình thức khác công khai, minh bạch hơn.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh, tự chủ trong cơ sở y tế
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) hiệu lực từ ngày 01/01, cho phép cơ sở y tế được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, phát triển các hoạt động chuyên môn và phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện được quyết định mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, trừ trường hợp do Nhà nước định giá.
Bệnh viện cũng được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám chữa bệnh; được quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không vượt quá giá do Bộ trưởng Y tế quy định, trừ giá dịch vụ theo yêu cầu và giá hình thành từ hoạt động hợp tác công tư.
Về giá dịch vụ khám bệnh, Bộ trưởng Y tế phối hợp Bộ trưởng Tài chính quy định phương pháp định giá với dịch vụ khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Y tế quy định giá dịch vụ thuộc danh mục Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, giá dịch vụ do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ không phải do BHYT thanh toán cũng không phải dịch vụ theo yêu cầu.
Quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ.
Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Nghị định số 83/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024.
Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ như sau: Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua.
Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau: Đối tượng mua trái phiếu; Khối lượng dự kiến phát hành; Kỳ hạn trái phiếu; Lãi suất dự kiến; Thời gian dự kiến phát hành; Dự kiến hình thức phát hành riêng lẻ (Kho bạc Nhà nước phát hành trực tiếp hoặc lựa chọn đại lý phân phối).
Bộ Tài chính chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ theo các nội dung quy định trên.
Ngoài ra, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3, Điều 22 về trái phiếu ngoại tệ.
Chính phủ sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí:
Ngày 28/11/2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung tên Điều và các khoản 1, khoản 2 và khoản 3, Điều 3, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP như sau:
Điều 3. Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí và quyết toán phí Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp. Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được như sau: Định kỳ hằng ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà nước; tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí thu được vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc nộp lệ phí vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước. Căn cứ số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí, lệ phí xa hay gần Kho bạc Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định định kỳ ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách, tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc tài khoản thu ngân sách nhà nước. Tổ chức thu phí kê khai, nộp tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng, quyết toán năm và tổ chức thu lệ phí kê khai, nộp lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng theo quy định của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Tổ chức thu phí hải quan, lệ phí hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện lập và cấp chứng từ thu phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ, Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. |
Nghị định số 82/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/01/2024.
Quy định quản lý hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP
Nghị định 77/2023/NĐ-CP về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Nghị định này chỉ áp dụng đối với việc nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP và cùng chủng loại với hàng hóa đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định pháp luật.
Nghị định này không áp dụng đối với việc nhập khẩu hàng hóa tân trang phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Đối tượng áp dụng của Nghị định này là các doanh nghiệp tân trang, cơ sở tân trang, chủ sở hữu nhãn hiệu, thương nhân nhập khẩu hàng hóa tân trang và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định CPTPP.
QUẾ MINH