Cụ thể, đối với dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật và trình Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; bảo đảm nội luật hóa các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành. Thống nhất sự cần thiết xây dựng dự án Luật.

Ảnh minh họa.
Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, kết luận của Chính phủ để hoàn thiện dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm yêu cầu sau:
- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, trao đổi với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm trình Quốc hội đồng thời với các dự án Luật được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; phối hợp với các cơ quan có liên quan để chỉnh lý dự án Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự; nghiên cứu cắt giảm triệt để các thủ tục, giấy tờ không cần thiết hoặc có thể thực hiện qua môi trường điện tử (nếu có) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các bên tham gia hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2025).