/ Trợ giúp pháp lý
/ Các trường hợp ngân hàng được kinh doanh bất động sản từ ngày 01/7/2024

Các trường hợp ngân hàng được kinh doanh bất động sản từ ngày 01/7/2024

21/02/2024 19:11 |

(LSVN) - Từ ngày 01/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó, có quy định rõ về các trường hợp ngân hàng được kinh doanh bất động sản.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Điều 139, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định tổ chức tín dụng (trong đó có ngân hàng) không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp:

Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng;

Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng chưa sử dụng hết;

Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này. Trường hợp mua lại bất động sản phải bảo đảm mục đích sử dụng quy định tại (1) mục này và tỉ lệ đầu tư vào tài sản cố định quy định tại khoản 3, Điều 144, Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Cụ thể, không được vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô; Không được vượt quá 100% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với quỹ tín dụng nhân dân; Không được vượt quá 50% vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp ghi trên sổ sách kế toán đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Như vậy, theo quy định trên thì tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản trừ các trường hợp nêu trên.

Trong khi đó, tại Điều 132, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì chỉ quy định tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp:

Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng;

Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng;

Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỉ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định quy định tại Điều 140, Luật Các tổ chức tín dụng 2010: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động không quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ đối với tổ chức tín dụng hoặc không quá 50% vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Giảm hệ số rủi ro một số khoản vay bất động sản từ ngày 01/7/2024

Trước đó, ngày 29/12/20223, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó, Thông tư 22/2023/TT-NHNN điều chỉnh giảm hệ số rủi ro một số khoản vay bất động sản như nhà ở xã hội, bất động sản khu công nghiệp và cho vay nông nghiệp nông thôn.

Theo đó, các khoản vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà, xây nhà theo chương trình, dự án hỗ trợ của chính phủ sẽ được điều chỉnh hệ số rủi ro xuống tối đa là 50%. tỉ lệ đảm bảo (LTV) cũng được điều chỉnh từ 100% trở lên và tỉ lệ thu nhập (DSC) trên 35%. Hệ số rủi ro tối thiểu là 20%, tương ứng với tỉ lệ đảm bảo dưới 40% và tỉ lệ thu nhập dưới 35%.

Hệ số rủi ro đối với các trường hợp vay mua nhà còn lại sẽ được giữ nguyên trong khoảng từ 25% đến 100% như trong Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, tùy thuộc vào tỉ lệ tỉ lệ đảm bảo và tỉ lệ thu nhập.

Bên cạnh đó, Thông tư 22/2023/TT-NHNN cũng điều chỉnh hệ số rủi ro tín dụng đối với các tài sản là khoản cấp tín dụng chuyên biệt dưới hình thức cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp từ 200% xuống 160%.

Đối với các khoản vay phục vụ mục đích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ, Thông tư 22/2023/TT-NHNN cũng quy định thêm hệ số rủi ro là 50%.

Thông tư 22/2023/TT-NHNN quy định ngân hàng là bên nhận chuyển giao bắt buộc và các tổ chức tín dụng khác được áp dụng hệ số rủi ro 0% đối với các khoản cho vay, bảo lãnh, tiền gửi tại bên được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Thông tư này cũng có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

MINH TRẦN

Điều kiện chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế đất đai từ 01/01/2025

Nguyễn Hoàng Lâm