/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng tới pháp luật hợp đồng thương mại điện tử quốc tế tại Việt Nam

Cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng tới pháp luật hợp đồng thương mại điện tử quốc tế tại Việt Nam

23/11/2024 07:35 |

(LSVN) - Những năm qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của giao dịch điện tử nói chung và thương mại điện tử quốc tế nói riêng với sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam có sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà cung cấp đến từ các quốc gia khác nhau với đa dạng các môi trường giao dịch như website, sàn giao dịch điện tử hay thậm chí là mạng xã hội. Sự tác động của các công nghệ trong thời đại số đã ảnh hưởng không nhỏ tới các giao dịch thương mại điện tử quốc tế và cụ thể hơn là hợp đồng thương mại điện tử quốc tế. Bài viết tập trung phân tích những ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới hợp đồng thương mại điện tử quốc tế tại Việt Nam, thực trạng pháp luật Việt Nam về vấn đề này cũng như xu hướng hoàn thiện khung pháp lý trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

Trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp từ năm 1760, thế giới đã chứng kiến những sự thay đổi không ngừng về kinh tế, xã hội và con người. Ý tưởng về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay “Insustry 4.0” được xuất hiện đầu tiên trong Chiến lược phát triển công nghệ cao tại Đức (từ năm 2011- 2015) nhằm thúc đẩy điện toán hóa quá trình sản xuất. Đến năm 2016, Klaus Schab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, đã xuất bản cuốn sách: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đưa thuật ngữ chính thức về cuộc cách mạng lần thứ tư trở nên phổ biến. Và từ đó, khái niệm về cách mạng 4.0 trở thành đề tài của toàn thế giới. Với cuộc cách mạng 4.0, nền kinh tế - xã hội của thế giới đã tiến tới sự thay đổi mạnh mẽ bởi sự xuất hiện của hang loạt những công nghệ hỗ trợ như: công nghệ thực tế ảo (VR), Internet vạn vật (Internet of Thinsgs - IoT), không gian dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) hay Blockchain... Những công nghệ này đã làm thay đổi diện mạo của nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội thế giới nói chung và lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng.

Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligance) là công nghệ sử dụng kỹ thuật số nhằm thay thế trí thông minh của con người bằng một trí tuệ nhân tạo, được thiết lập bởi các phần mềm có sẵn. Với tính chất là một máy tính có khả năng “tự học”, AI có thể phán đoán, phân tích dữ liệu mà không cần sự can thiệp của con người, đặc biệt là có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng lớn và trong thời gian nhanh chóng. AI chính là một cơ sở dữ liệu lớn được con người xây dựng nên bởi những thuật toán để có thể xử lý các vấn đề và giao tiếp như con người. Theo PwC, dự báo đến năm 2030, GDP toàn cầu có thể tăng trưởng thêm 14% từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. AI đang có ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực như tư vấn trực tuyến, ngân hàng số, các dịch vụ tài chính và đặc biệt là thương mại điện tử. Với bản chất là một công nghệ xử lý dữ liệu, AI có thể được ứng dụng trong việc thu thập số liệu bán hàng và hành vi của khách hàng để có thể dự đoán khả năng tiêu thụ hàng hóa và định hướng sản phẩm cho các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, là một trí thông minh nhân tạo, AI có thể dự đoán xu hướng mua sắm của khách hàng bằng những hành vi mua sắm của từng cá nhân, từ đó gợi ý những sản phẩm liên quan cho từng khách hàng. Từ việc phân tích hành vi mua sắm của khách hàng, AI cũng có thể giúp nhà cung cấp duy trì mức tồn kho tối thiểu để nguồn cung cho khách hàng mua sắm.

Công nghệ thực tế ảo (VR- Virtual Reality) là thuật ngữ miêu tả một môi trường được giả lập (ảo hóa) được tạo ra bởi con người nhờ vào các phần mềm chuyên dụng, và được điều khiển bởi một thiết bị thông minh. VR được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và gần đây, VR được ứng dụng phố biến trong thương mại điện tử. Với công nghệ VR, người mua có thể vào thăm gian hàng trực tuyến, lựa chọn sản phẩm với trải nghiệm hoàn toàn giống với những gì diễn ra tại cửa hàng truyền thống. Hơn nữa, với công nghệ VR, khách hàng còn có thể được xem hình ảnh khi mình thử một món đồ muốn mua như nào để lựa chọn cho phù hợp. Công nghệ VR đang đưa thương mại điện tử lên một bước tiến mới.

Công nghệ Big Data - Dữ liệu lớn là thuật ngữ đề chỉ tập hợp dữ liệu có kích thước vô cùng lớn hoặc vô cùng phức tạp vượt xa khả năng của các công cụ phần mềm xử lý dữ liệu truyền thống. Kích cỡ của Big data đang từng ngày tăng lên, tính đến năm 2012 mỗi ngày có 2,5 exabyte dữ liệu được sinh ra (exabyte bằng 1 tỷ gigabyte) và đến năm 2025 IDC dự đoán số liệu này sẽ là 163 zettabyte (zettabyte bằng I nghìn exabyte)...(1) Dữ liệu lớn ở đây được đặc trưng bởi 3Vs, đó là: Volume - khối lượng dữ liệu, Velocity - tốc độ xử lý dữ liệu, Variety - đa dạng dữ liệu. Đây là những lợi ích mà Big Data mang lại với doanh nghiệp thương mại điện tử. Với những ưu điểm này, Big Data sẽ có thể đóng góp cho sự phát triển của thương mại điện tử với những ứng dụng như: dự báo nhu cầu sản phẩm, marketing online, tối thiểu chi phí, chống gian lận, phân tích khách hàng và hoạt động doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong các giao dịch thương mại điện tử quốc tế, việc thông tin dữ liệu giữa các chủ thể góp phần quan trọng trong việc xác định danh tính của người tham gia giao dịch.

Công nghệ “Blockchain (chuỗi khối)” xuất phát từ cầu trúc của hệ thống số cái: các khối lưu trữ thông tin (block) được liên kết với nhau, tạo thành một chuỗi (chain). Chuỗi của các khối này trở thành một cơ sở dữ liệu để chia sẻ thông tin với nhau trong một mạng lưới các máy tính, liên kết bằng các node (nút). Những nút này giúp duy trì blockchain bằng cách xác nhận và truyền dữ liệu về các thông tin và giao dịch. Trong thương mại điện tử quốc tế, các chủ thể giao dịch thường sẽ ở những quốc gia khác nhau, việc thông tin trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng là rất quan trọng. Công nghệ Blockchain có thể tạo ra một sự phát triển mới trong hợp đồng thương mại điện tử, đó là hợp đồng thông minh, một loại giao dịch mà ở đó, mọi hoạt động của các chủ thể đều được lưu trữ trên một hệ thống số cái và được thực hiện khép kín.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ hiện đại đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung và sự phát triển của hợp đồng thương mại điện tử quốc tế nói riêng. Tại Việt Nam, thương mại điện tử cũng phát triển một cách nhanh chóng với sự gia tăng của các giao dịch thương mại điện tử qua các website, các sàn giao dịch điện tử và cả các mạng xã hội với hàng triệu nhà cung cấp đến từ trong và ngoài nước. Các hình thức mua hàng cũng rất đa dạng như: mua trực tiếp trên website quốc tế; thông qua website Việt Nam mua hộ hàng quốc tế hay thông qua người bán trung gian trên mạng xã hội. Có thể thấy rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự tăng trưởng thương mại điện tử đáng kể trên thế giới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 tới hợp đồng thương mại điện tử quốc tế tại Việt Nam

Thứ nhất, sự thay đổi về chủ thể giao kết hợp đồng

So với hợp đồng truyền thống và các hợp đồng được giao kết qua email trước đây, những công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng thúc đẩy giao kết hợp đồng thương mại điện tử khác, bao gồm cả các giao dịch xuyên biên giới, đó chính là các mạng xã hội và sàn thương mại điện tử trực tuyến. Đối với các hợp đồng thương mại trước đây, chủ thể trong hợp đồng bao gồm hai bên giao kết. Tuy nhiên, các giao dịch thương mại điện tử quốc tế sẽ xuất hiện thêm nhiều chủ thể liên quan trong hợp đồng như: các bên trung gian thương mại, các chủ thể cung cấp dịch vụ thanh toán hay các chủ thể cung cấp dịch vụ chứng thực. Đối với các bên giao kết hợp đồng cũng có những sự thay đổi khá rõ rệt. Nếu như các giao dịch thương mại trước đây được quy định trong Luật Thương mại năm 2005, các bên tham gia giao dịch sẽ có ít nhất một bên là thương nhân, “bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Tuy nhiên, khi sàn thương mại điện tử trở nên phổ biến và sự gia nhập nhanh chóng của người dùng internet thì căn cứ vào chủ thể, các hợp đồng thương mại điện tử quốc tế có thể được chia thành 3 loại hình: B2B, B2C và C2C. Đối với loại hình B2B (business to business) và B2C (business to customer) thì về chủ thể sẽ có ít nhất một bên là thương nhân như quy định tại Luật Thương mại năm 2005. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của mô hình kinh doanh C2C (customer to customer) cũng diễn ra vô cùng sôi động trên các sàn thương mại điện tử. Trong mô hình này, giao dịch được thực hiện bởi các cá nhân mà cả hai đều không phải thương nhân theo quy định tại Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 39/2007/ NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, mô hình này xuất hiện và phát triển rất nhiều tại các quốc gia trên thế giới như Amazon hay Ebay. Tại Việt Nam, mô hình này phát triển mạnh trên các sàn thương mại như Shopee, Lazada hay Sendo với rất nhiều chủ thể nước ngoài tham gia.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của thương mại điện tử, các chủ thể khác cũng có thể tham gia vào giao dịch với vai trò tạo nền tảng và hỗ trợ như các chủ thể cung cấp dịch vụ hoạt động thương mại là các sàn thương mại điện tử, các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số, chứng thực chữ ký số và hợp đồng điện tử, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hay thậm chí là các mạng xã hội. Những chủ thể này không trực tiếp tham gia giao dịch nhưng đóng vai trò xúc tiến và thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, việc xác minh thông tin và năng lực chủ thể của các bên khi tham gia hợp đồng là không dễ dàng khi số lượng người dùng trên môi trường số trở nên quá lớn.

Thứ hai, sự thay đổi về hình thức hợp đồng

Đối với các hợp đồng truyền thống, một số các phương thức giao kết được biết đến như: giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc hành vi pháp lý đơn phương. Tuy nhiên, khi các phương tiện truyền thông phát triển, đặc biệt là internet, hợp đồng điện tử đã được công nhận giá trị pháp lý khi tồn tại dưới hình thức dữ liệu điện tử. Thời gian đầu, các hợp đồng điện tử đa phần là những hợp đồng truyền thống được trao đổi và tồn tại dưới dạng các dữ liệu như file tài liệu hay trên email. Nhưng khi các công nghệ mới trong cuộc cách mạng 4.0 xuất hiện, đặc biệt là công nghệ AI, hình thức hợp đồng điện tử đã được thay đổi một cách đầy mới mẻ. Một số các hình thức hợp đồng thương mại điện tử phổ biến hiện nay gồm: hợp đồng thương mại điện tử được hình thành qua giao dịch tự động, hợp đồng thương mại điện tử hình thành qua thư điện tử, hợp đồng thương mại điện tử có sử dụng chữ ký số. Bên cạnh đó, xu hướng mới sử dụng công nghệ blockchain đó chính là sự xuất hiện của hợp đồng thông minh, mà tại đó, tất cả các bước khởi tạo, giao kết và thực hiện hợp đồng đều được thực hiện trên một nền tảng khép kín bởi công nghệ chuỗi khối. Như vậy, với tác động của cách mạng công nghệ, các hình thức hợp đồng thương mại quốc tế ngày càng trở nên đa dạng hơn và có thể kết nối với các chủ thể ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, liệu các hợp đồng điện tử được ký kết trực tuyến tự động có bảo đảm được quyền và lợi ích của các bên tham gia và điều kiện kỹ thuật và pháp lý giữa các quốc gia có được tương thích hay không?

Thứ ba, sự thay đổi về phương thức thực hiện hợp đồng

Đối với các hợp đồng thương mại truyền thống hay những hợp đồng thương mại điện tử trước đây, sau khi hợp đồng được ký kết, các bên thực hiện nghĩa vụ của mình, đa phần là nghĩa vụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ và nghĩa vụ thanh toán, có thể thanh toán trực tiếp tiền mặt. Tuy nhiên, với hợp đồng thương mại điện tử hiện nay, các nghĩa vụ có thể được thực hiện hoặc theo dõi trực tuyến. Với nghĩa vụ cung cấp hàng hóa, người mua có thể theo dõi đơn hàng và tiến trình cung cấp hàng hóa. Đặc biệt, với các giao dịch xuyên biên giới, vấn đề về vận chuyển hàng hóa còn liên quan đến các thủ tục hải quan. Với nghĩa vụ thanh toán, hiện nay, xu hướng thanh toán trực tuyến như: qua thẻ ATM nội địa, thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ, ví điện tử,… đang ngày một gia tăng và có thể trở thành xu hướng chính trong thời gian tới, đặc biệt với các giao dịch có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, các thách thức khi phát triển các dịch vụ thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử quốc tế đó là: về trình độ ứng dụng công nghệ của người mua (theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, 14% người tiêu dùng được hỏi về trở ngại khi mua hàng trực tuyến đó là thanh toán phức tạp) và về tính an toàn khi thanh toán trực tuyến, đặc biệt là với những thanh toán cho giao dịch nước ngoài.

Thứ tư, sự thay đổi về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng

Một trong những đặc trưng của hợp đồng thương mại điện tử quốc tế đó là “yếu tố nước ngoài” trong quá trình giao kết, thực hiện và đến khi giải quyết tranh chấp nếu có. Do đó, việc lựa chọn pháp luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp cũng là một yếu tố mới hiện nay khi các hợp đồng điện tử không chỉ được thể hiện dưới dạng hình thức hợp đồng truyền thống dưới dạng dữ liệu mà hợp đồng thương mại điện tử còn được giao kết và thực hiện trực tuyến. Vì vậy, việc xác định các yếu tố như thời điểm giao kết nhằm xác định hiệu lực của hợp đồng khi xảy ra tranh chấp là khá phức tạp, việc tính hợp pháp của chữ ký điện tử hay tính toàn vẹn của văn bản cũng là một trong những khó khăn của các bên khi đưa ra giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, xu hướng giao kết hợp đồng được soạn sẵn với các hợp đồng thương mại điện tử quốc tế đang trở nên phổ biến. Với những hợp đồng này, những người mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ sẽ ít được thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng hơn những hợp đồng truyền thống trước đây, đó cũng là bất lợi khi xảy ra tranh chấp.

Thực trạng pháp luật Việt Nam về hợp đồng thương mại điện tử quốc tế

Hiện nay tại Việt Nam, các giao dịch thương mại điện tử quốc tế được điều chỉnh bởi hai nguồn pháp luật chính là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các tập quán quốc tế được áp dụng rộng rãi và các quy định của pháp luật Việt Nam về giao dịch thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài. Đối với pháp luật quốc tế có thể kể đến những điều ước quốc tế đa phương quan trọng như: các điều ước của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thuế quan, xuất xứ hàng hóa hay về hàng rào kỹ thuật; Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG); các điều ước quốc tế trong khu vực ASEAN về khu vực mậu dịch tự do,… Những tập quán quốc tế được áp dụng rộng rãi trong các quan hệ thương mại quốc tế nói chung có thể kể đến như: Incoterms về quy tắc vận tải quốc tế hay UCP về quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ. Ngoài ra, một số các luật mẫu của Uncitral cũng là những nguồn rất quan trọng đối với hợp đồng thương mại điện tử quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có luật riêng về hợp đồng thương mại điện tử quốc tế mà các giao dịch này đang được điều chỉnh bởi những văn bản chính bao gồm: Luật Thương mại năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 và các nghị định hướng dẫn.

Thứ nhất, đối với Luật Thương mại năm 2005, những quy định về hoạt động thương mại được áp dụng trong giao dịch chủ yếu là giữa các bên chủ thể là thương nhân. Luật này và các văn bản hướng dẫn cũng không đưa ra khái niệm về hợp đồng thương mại điện tử quốc tế. Các hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế được quy định tại Điều 27. Theo đó, mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu. Như vậy, trong các hợp đồng về thương mại điện tử quốc tế hiện nay có thể xuất hiện cả hai bên chủ thể không phải thương nhân (như hợp đồng C2C) và các hợp đồng không xuất hiện các hình thức trao đổi hàng hóa khỏi lãnh thổ quốc gia nhưng hai bên chủ thể tham gia lại ở các quốc gia khác nhau. Như vậy, những hợp đồng này sẽ được điều chỉnh bởi các quy định về giao dịch có yếu tố nước ngoài tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thứ hai, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, các quy định về giao dịch thương mại điện tử quốc tế sẽ được điều chỉnh bởi các quy định chung về giao dịch có yếu tố nước ngoài chủ yếu về vấn đề pháp luật áp dụng trong các giao dịch quốc tế. Đặc biệt, Điều 683 có quy định chung về pháp luật áp dụng trong các hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Theo đó, các bên trong hợp đồng có thể tự do lựa chọn pháp luật áp dụng, tuy nhiên trên thực tế, các hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại điện tử quốc tế nói riêng rất ít thỏa thuận về pháp luật áp dụng trong hợp đồng mà thường thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp. Vậy nếu thỏa thuận về áp dụng pháp luật được hình thành riêng có được không? Và hình thức hợp pháp của thỏa thuận đó như nào nếu hợp đồng thương mại điện tử quốc tế được giao kết và thực hiện toàn bộ trên nền tảng trực tuyến? Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện tại quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng trong hợp đồng đó. Nếu hợp đồng không có quy định về pháp luật áp dụng thì cũng khó xác định hình thức hợp đồng.

Thứ ba, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đang là nguồn chính điều chỉnh các giao dịch điện tử nói chung và cũng không có khái niệm về hợp đồng thương mại điện tử quốc tế. Với các giao dịch có tính quốc tế, Luật này chỉ quy định về công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, còn lại những vấn đề về chủ thể, về hình thức, về giao kết hay giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại điện tử quốc tế sẽ lại cần áp dung quy định của Luật Thương mại năm 2005 (nếu hai bên chủ thể là thương nhân và áp dụng pháp luật Việt Nam) và Bộ luật Dân sự năm 2015 (về quy định giao dịch có yếu tố nước ngoài). Như vậy, có thể thấy rằng, quy định về hợp đồng thương mại điện tử quốc tế tại Việt Nam đang nằm rải rác trong các văn bản khác nhau và cũng chưa có những quy định hoàn chỉnh trước những thay đổi ngày càng gia tăng của các hợp đồng thương mại điện tử quốc tế.

Hoàn thiện khung pháp lý về hợp đồng thương mại điện tử quốc tế tại Việt Nam

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5/2020, Chính phủ đã đặt các mục tiêu tổng quát đến năm 2025 gồm: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phó lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới; Trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Theo đề xuất của PGS.TS Doãn Hồng Nhung, hoàn hiện pháp luật về thương mại điện tử phải đủ hai nguyên tắc sau: (i) Mở rộng không gian cho thương mại điện tử phát triển trên nguyên tắc người dân được làm những gì pháp luật không cấm; (ii) Bảo đảm an toàn về giao dịch cho các bên trong thương mại điện tử. Như vậy, có thể thấy xu hướng hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử nói chung và về hợp đồng thương mại điện tử quốc tế tại Việt Nam nói riêng có vài điểm như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định pháp luật về hợp đồng thương mại điện tử quốc tế được thống nhất trong các văn bản hiện tại và phù hợp với pháp luật quốc tế để điều chỉnh toàn diện về các vấn đề chủ thể, giao kết, thực hiện và giải quyết tranh chấp các hợp đồng điện tử có yếu tố nước ngoài. Cụ thể là các quy định về xác định danh tính chủ thể tham gia giao dịch; trách nhiệm của các chủ thể tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là chủ thể nước ngoài; xác định độ tin cậy của chữ ký điện tử hay các quy định về áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp các giao dịch điện tử quốc tế. Đặc biệt, cần thúc đẩy hoạt động giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) vì đây sẽ là giải pháp hữu ích, tạo thuận lợi cho các bên tranh chấp giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam ngày càng vươn xa.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật nhằm giao dịch an toàn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đầu tiên cần quy định trách nhiệm của các bên trong bảo mật thông tin khách hàng. Hiện nay nhiều đường dây, tổ chức, cá nhân có hoạt động thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân trái phép. Hoạt động này diễn ra phổ biến, đặt ra thách thức đối với an ninh dữ liệu quốc gia, uy tín của doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân với tính chất, mức độ và số lượng lớn. Bên cạnh đó, cần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong các hợp đồng mẫu khi mua bán hàng hóa trực tuyến với các nhà cung cấp nước ngoài vì khi tham gia những hợp đồng mẫu, người mua hàng thường không được thỏa thuận nhiều điều khoản và có thể bị bất lợi khi có tranh chấp xảy ra.

Thứ ba, xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động hỗ trợ thực hiện hợp đồng thương mại điện tử quốc tế như dịch vụ thanh toán trực tuyến, quy định về giá tín nhiệm website thương mại điện tử; đồng bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký điện tử, về thanh toán điện tử phù hợp với các quy chuẩn quốc tế. Ngoài các giao dịch thông qua website và các sàn giao dịch thương mại điện tử thì các mạng xã hội cũng là một môi trường đáng được lưu tâm bởi đây là môi trường xuất hiện nhiều giao dịch thương mại điện tử quốc tế nhưng cũng tồn tại rất nhiều rủi ro cho các bên chủ thể tham gia giao dịch.

Kết luận

Thương mại điện tử quốc tế là cơ hội đề thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi cho việc gia nhập thị trường quốc tế cũng như nền kinh tế số toàn cầu. Tuy nhiên, để thương mại điện tử quốc tế phát triển, một trong những yếu tố cần được pháp luật quan tâm điều chỉnh và được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ đó là hợp đồng thương mại điện tử quốc tế, để có thể tạo ra môi trường thực hiện lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia và một hành lang pháp lý đầy đủ trong nước, phù hợp với các quy định chung của các quốc gia khác trên thế giới.

(1)Trịnh Thu Trang (2019), Nghiên cứu về lợi ích của Dữ liệu lớn - Big Data với doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước và thế giới, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-ve-loi-ich-cua-du-lieu-lon-big-data-voi-doanh-nghiep-thuong-mai-dien-tu-trong-nuoc-va- the-gioi-6433 1.htm, ngày 18/6/2024.

 

Tài liệu tham khảo

1. Luật Thương mại năm 2005.

2. Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

3. Bộ luật Dân sự năm 2015.

4. Bộ Công thương, Sách trắng Thương mại điện tử 2022.

5. Chử Bá Quyết, Hoàng Cao Cường (2021), Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam: Tiếp cận theo mô hình kinh doanh, Tạp chí Kinh tế và dự báo, 8/2021, tr. 24-27.

6. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương (2020), Trí tuệ nhân tạo tác động ra sao đến thương mại điện tử?, https://idea.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=2ce64fb7-7d§e-4c90-§68a- 0bd87f768c96&id=8626c 1d0-ÊH9-484a-Sa8S-fdba6976e846, ngày 18/6/2024.

7. Lê Anh, Vũ Hà (2021), Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXII/Pages/danh- sach-ky-hop.aspx?ItemID=6144 I &CategoryId=0, ngày 18/6/2024.

8. Nguyễn Duy Phương, Nguyễn Duy Thanh (2019), Hợp đồng thương mại điện tử: thực trạng và hướng hoàn thiện, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 08(384)-2019).

9. Nguyễn Hà (2022), Thực trạng pháp luật Việt Nam về thương mại điện tử, http://hvta.toaan.gov.vn/ portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?p_page_id=E27677461&pers id=2§346379&folder id=&item id=125215535&p details=l

10. Trần Văn Biên (2018), Những vấn đề khác biệt trong giao kết hợp đồng điện tử, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, 60 (1l), tr. 16-21.

11. Trịnh Thu Trang (2019), Nghiên cứu về lợi ích của Dữ liệu lớn - Big Data với doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước và thế giới, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-ve-loi-ich-cua-du-lieu-lon-big- data-voi-doanh-nghiep-thuong-mai-dien-tu-trong-nuoc-va-the-gioi-6433 1.htm, ngày 18/6/2024.

TRẦN THANH NGÂN
Trường Đại học Luật Hà Nội

Các tin khác