/ Chưa được phân loại
/ Cải cách thủ tục hành chính về đất đai là bảo đảm các quyền tài sản của công dân

Cải cách thủ tục hành chính về đất đai là bảo đảm các quyền tài sản của công dân

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đất đai là một loại tài sản đặc biệt và có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, với tính chất là một loại tư liệu sản xuất không thể tách rời của nhiều ngành nghề. Do đó, đối với mỗi quốc gia, các chính sách về đất đai và quản lý đất đai luôn có vai trò quan trọng và bất cứ thay đổi nào về chính sách đất đai đều khiến cả xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt là đối với các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính về đất đai, với sự ra đời của Luật Đất đai 2013, Nhà nước ta có nhiều quy định có tính cải cách mạnh mẽ đến các thủ tục hành chính. Trong các nội dung cải cách thủ tục hành chính đất đai, hai nội dung nhận được sự quan tâm nhiều nhất của người dân đó là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thủ tục về thu hồi đất. Mặc dù, Luật Đất đai 2013 có rất nhiều quy định về vấn đề này nhưng sau một thời gian thi hành, các thủ tục này cũng bộc lộ một số điểm bất cập nhất định.

Ảnh minh họa.

Những vướng mắc trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Chúng ta cần nhìn nhận rằng đây là một thủ tục hết sức quan trọng. Việc cá nhân, hộ gia đình, tổ chức được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là một sự khẳng định và bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền của một đối tượng sử dụng đất nhất định, từ đó cũng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức đó với tư cách pháp lý là một người sử dụng đất theo Luật Đất đai. Là một thủ tục quan trọng với những quy định tương đối chặt chẽ trong Luật Đất đai, tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện thủ tục này vẫn còn một số vướng mắc, cụ thể:

Một là, sự mâu thuẫn giữa quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 và Luật Đất đai 2013 liên quan đến vấn đề cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình. Trong thực tế hiện nay, có rất nhiều vụ tranh chấp liên quan đến vấn đề hộ gia đình được cấp GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất, mà GCNQSDĐ này được cấp trước thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực thi hành, theo đó, chỉ ghi họ, tên của chủ hộ gia đình, hoặc ghi cả họ, tên của cả hai vợ chồng mà một trong hai là chủ hộ gia đình, nhưng lại không liệt kê các thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất chung. Chính vì vấn đề này nên khi tiến hành giải quyết các tranh chấp nói trên có hai luồng quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất căn cứ vào nội dung của Điều 212 BLDS 2015:

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình:

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này”.

Căn cứ vào quy định nói trên, đất được cấp cho hộ gia đình được coi là tài sản chung, theo đó, để được công nhận là thành viên có quyền sử dụng đất cấp cho hộ thì họ phải có công sức tạo lập nên khối tài sản chung đó. Điều này có nghĩa rằng sẽ có sự loại trừ về mặt quyền lợi đối với các thành viên trong hộ gia đình không chứng minh được công sức đóng góp để hình thành nên tài sản, cho dù trong thời điểm hộ gia đình được Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất và thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ họ thực tế là thành viên đang có tên trong trong sổ hộ khẩu, có xác nhận nhân khẩu và đang sinh sống trên thửa đất đó.

Trái với luồng quan điểm trên, luồng quan điểm thứ hai cho rằng đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình từ trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2017) mà phát sinh tranh chấp thì áp dụng điểm c khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 để giải quyết “c) Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của BLDS số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS số 33/2005/QH11 để giải quyết” để từ đó làm rõ thêm vai trò thành viên trong hộ có chung quyền sử dụng đất trong việc làm tăng thêm giá trị đất trong quá trình cùng quản lý, canh tác, sử dụng (nếu có). Những người ủng hộ quan điểm này thừa nhận quyền sử dụng đất của từng thành viên đối với tài sản chung hợp nhất là quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình, với điều kiện hồ sơ quy trình cấp GCNQSDĐ cho hộ đúng với quy định của pháp luật.

Chính sự bất đồng về cách hiểu của các quy định nói trên về việc xác định quyền quyền sở hữu chung trong thủ tục cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình đã gây ra không ít vấn đề, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến loại GCNQSDĐ này khi giải quyết tại Tòa án; việc Thẩm phán có cách hiểu như thế nào thuộc vào hai trường hợp trên cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các thành viên trong hộ.

Ngoài ra, cũng xuất phát từ những cách hiểu không thống nhất nên khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, nhiều cơ quan có thẩm quyền yêu cầu đồng thời cả xác nhận của cơ quan giao đất và xác nhận nhân khẩu của công an hộ tịch, gây chồng chéo, tốn kém thời gian và chi phí cho người dân khi làm thủ tục.

Hai là giữa Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có các quy định mâu thuẫn về vấn đề thẩm quyền thực hiện thủ tục GCNQSDĐ. Cụ thể, trong khoản 1 Điều 105 Luật Đất đai 2013 quy định:

1. UBND cấp tỉnh cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho Cơ quan TN&MT cùng cấp cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

...”.

Trong khi đó, cũng với nội dung này, điểm a khoản 2 Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP lại quy định: "Sở TN&MT cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài".

Khi đánh giá tính tương thích giữa hai quy định trên có thể thấy, Luật Đất đai 2013 phân định rất rõ về mặt thẩm quyền của UBND cấp tỉnh đối với việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, theo đó UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

Ngoài ra, Luật cũng cho phép UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho Cơ quan TN&MT cùng cấp cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các trường hợp được nêu tại khoản 1 Điều 105 Luật Đất đai. Rõ ràng, thẩm quyền cấp GCNQSDĐ thuộc về UBND cấp tỉnh, Sở TN&MT chỉ được phép cấp giấy chứng nhận khi có sự ủy quyền từ phía UBND. Thế nhưng, trong quy định của Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP lại không hề nêu rõ căn cứ để sở TN&MT cấp GCNQSDĐ là từ ủy quyền của UBND tỉnh, điều này sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng và có thể gây ra nhầm tưởng rằng sở TN&MT có thể trực tiếp cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao mà không cần thông qua UBND tỉnh. Luật Đất đai 2013 quy định rất rõ, trường hợp UBND cấp tỉnh ủy quyền cho cơ quan TN&MT cùng cấp cấp GCNQSDĐ cho tổ chức nước ngoài thì tổ chức nước ngoài đó phải có chức năng ngoại giao nhưng Nghị định số 43/2014/NĐ-CP không quy định cụ thể như vậy.

Ngoài ra, Luật Đất đai 2013 cũng không xác định cá nhân nước ngoài là đối tượng được cấp GCNQSDĐ như trong Nghị định số 43//2014/NĐ-CP. Quy định này của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP trái với quy định của Luật Đất đai 2013 và có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quản lý, sử dụng tài nguyên quan trọng nhất của đất nước - đất đai. Những bất cập về cơ bản sẽ dẫn đến việc cấp nhầm, cấp sai thẩm quyền từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp, thu hồi, hủy giấy chứng nhận do cấp sai, gây ra sự phiền hà, thiệt hại về cả thời gian và chi phí. Hơn nữa, trong các đối tượng được cấp giấy chứng nhận của UBND cấp tỉnh có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu như các quy định chồng chéo gây thiệt hại cho đối tượng này có thể chúng ta sẽ mất đi những nguồn đầu tư đó và các lợi ích mà nó đem lại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách thu hút nguồn vốn FDI của Nhà nước.

Bất cập trong thủ tục hành chính về thu hồi đất

Trong thực tiễn thực hiện Luật Đất đai hiện nay, công tác thu hồi đất đang diễn ra tương đối phức tạp và căng thẳng, bằng chứng cho những sự phức tạp đó là hàng loạt các vụ án hành chính, đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến công tác này. Nguyên nhân của vấn đề nhức nhối nói trên không gì khác ngoài những quy định về thủ tục hành chính hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều bất cập.

Thứ nhất, các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất hiện nay nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như tại Điều 67, 69, 70, 71 và 93 Luật Đất đai; Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; Điều 28 và 30 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP; Điều 13 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT và tại các văn bản của địa phương như quyết định về bảng giá đất, quyết định quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất,… Việc quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc tìm hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật và khiến cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng sai lệch, không đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố.

Thứ hai, việc xây dựng giá đền bù còn chưa tương xứng, nhất là đối với giá đền bù đất nông nghiệp. Nhiều hộ gia đình đang sử dụng một số diện tích đất không có nhiều giá trị kinh tế hoặc không đủ điều kiện là đất nông nghiệp như đất ao, đất vườn... và kể cả trong trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng lúa thì thực tế cho thấy khi có quyết định thu hồi đất, số tiền đền bù mà người dân nhận được quá thấp, không tương xứng với giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi. Phải nói rằng việc đền bù đất nông nghiệp giá “bèo” là câu chuyện chung diễn ra ở rất nhiều địa phương dẫn đến bức xúc trong nhân dân.

Xin nêu một ví dụ: Ngày 31/3/2016, UBND TP. Cần Thơ ban hành Quyết định số 878 phê duyệt chủ trương đầu tư, cải tạo xây dựng Trường Trung Hưng 1 tại huyện Cờ Đỏ với diện tích dự kiến thu hồi là 11.378m2.  Tuy nhiên, đến ngày 09/12/2016, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 65, điều chỉnh diện tích thu hồi là 7.500m2. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và hợp lý, phù hợp với thực tế. Vậy nhưng, UBND huyện Cờ Đỏ vẫn ban hành quyết định thu hồi đất của bảy hộ dân tại địa bàn này với diện tích lên tới 10.959,7m2 (vượt hạn mức quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP. Cần Thơ gần 3.500m2). Chẳng hạn như hộ ông Huỳnh Văn Lắm bị thu hồi trắng 5.172,2m2, hộ ông Huỳnh Văn Chờ bị thu hồi trắng 88m2, hộ ông Nguyễn Thanh Nam bị thu hồi trắng 789m2… Thời điểm UBND huyện Cờ Đỏ ra quyết định cưỡng chế vào tháng 3/2018, mỗi mét vuông đất nông nghiệp tại đây chỉ được bồi thường 91.000 đồng. Đáng nói là phần diện tích đất bị thu hồi của người dân ở đây nằm sát bên khu chợ sầm uất của xã, có giá chuyển nhượng ngoài thị trường lên đến vài triệu đồng/m2. Chính việc xây dựng bảng giá đền bù không hợp lý cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc người dân có xu hướng phản kháng do bị thiệt hại các quyền lợi chính đáng, khiến công tác thu hồi đất ngày càng kéo dài, thậm chí xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Bất cập về thủ tục hành chính đất đai gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp

Hiện nay, các tranh chấp về đất đai càng ngày càng trở nên nóng bỏng với nhiều loại tranh chấp khác nhau và giữa nhiều đối tượng khác nhau. Một trong các dạng tranh chấp có tính chất phổ biến nhất hiện nay đó là các tranh chấp liên quan đến mốc giới, ranh giới của thửa đất, tranh chấp này có thể diễn ra giữa các cá nhân có quyền sử dụng đất liền kề hoặc việc xác định đất thực tế khi thu hồi đất. Dù trong trường hợp nào, khi Tòa án tiến hành giải quyết vẫn cần căn cứ vào các tài liệu về quyền sử dụng đất, hồ sơ kỹ thuật thửa đất để có thể xác định được ranh giới cụ thể.

Thông thường, Tòa án sẽ căn cứ vào phương pháp trùng khớp bản đồ để giải quyết tranh chấp. Việc đo vẽ hiện nay sử dụng bằng máy, chỉ cần vài phút là sẽ có bản đồ thể hiện hiện trạng của thửa đất, lên sơ đồ về ranh giới, mốc giới thửa đất có tọa đồ đầy đủ. Sau đó, cần làm một bước về mặt kỹ thuật, chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới thực hiện được, cá nhân sẽ không thực hiện được, đó là thực hiện thủ tục chồng ghép các mảnh bản đồ với nhau. Lấy mảnh bản đồ hiện trạng hiện nay để chồng ghép với mảnh bản đồ cũ để xác định nguồn gốc đất. Khi chồng ghép các mảnh bản đồ với nhau sẽ có một vấn đề là khác về mặt tọa độ thì khi đó cần làm một kỹ thuật nữa là chuyển hệ tọa độ để cho cùng về một hệ tọa độ. Khi đã cùng một hệ tọa độ thì có thể chồng ghép các mảnh bản đồ với nhau, khi đó thể hiện rất rõ là hiện trạng nhà nào đang chồng lấn vào hiện trạng nhà nào trên một bản đồ chồng ghép như thế để xác định ra ranh giới, mốc giới thửa đất.

Đây là vấn đề về mặt kỹ thuật để có thể giải quyết triệt để tranh chấp về mốc giới, ranh giới quyền sử dụng đất. Luật Đất Đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng có những hướng dẫn rất cụ thể về việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa chính, lập bản đồ địa chính. Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu được thực hiện sau thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, nhưng hầu hết các tranh chấp hiện nay lại liên quan đến những thửa đất đã được cấp từ các giai đoạn trước đây khi mà việc đo vẽ bản đồ địa chính còn được thực hiện thủ công, hồ sơ địa chính tại cơ quan có thẩm quyền còn chưa đồng bộ dẫn đến việc bị mất mát, thất lạc hồ sơ gây nhiều khó khăn cho công tác xét xử. Mặt khác, cũng gây ra rất nhiều phiền hà cho việc cấp GCNQSDĐ sau này vì trong thủ tục này vẫn cần có sự xác nhận về ranh giới thửa đất với các hộ liền kề, trong trường hợp có một bên không đồng ý thỏa thuận mốc giới thì việc cấp GCNQSDĐ bị kéo dài đáng kể.

Vấn đề thu hồi hoặc hủy GCNQSDĐ do quyết định của tòa án cũng còn nhiều bất cập. Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.

2. Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.

3. Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là một quyết định của cơ quan hành chính nhà nước mà cụ thể ở đây là UBND có thẩm quyền. Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự đã trao cho Tòa án quyền được tuyên hủy các quyết định cá biệt này khi nó trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích của đương sự. Theo lý mà nói thì nếu như UBND cấp GCNQSD đất sai quy định, TAND khi giải quyết tranh chấp có quyền hủy giấy chứng nhận đó. Tuy nhiên, trên thực tế việc này lại khó hơn rất nhiều bởi mặc dù theo Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án có quyền tuyên hủy GCNQSD đất, tuy nhiên Điều 106 Luật Đất đai 2013 lại quy định thẩm quyền thu hồi GCNQSDĐ thuộc về UBND. Trên thực tế đã xảy ra trường hợp mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng UBND lại không chịu thu hồi dẫn đến quá trình thi hành án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự.

Một số kiến nghị

Có thể thấy rằng trong những năm qua Nhà nước ta đã có rất nhiều nỗ lực trong vấn đề cải cách hành chính tiến tới đơn giản hóa đến mức tối đa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy vậy, thực tế cho thấy những quy định của Luật Đất đai và một số văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn nhiều điểm mâu thuẫn, bất cập gây khó khăn trong công tác thực hiện và cản trở trực tiếp đến nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính. Để khắc phục những vấn đề nói trên, pháp luật đất đai nên có những quy định rõ ràng hơn đối với các vấn đề như sau:

Thứ nhất, đối với vấn đề cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình cần có quy định hướng dẫn xác định cụ thể thành viên hộ gia đình sử dụng đất khi Nhà nước cấp GCNQSDĐ lần đầu tiên cho hộ và được cùng ghi tên trên GCNQSDĐ đó. Để khắc phục những bất cập do quy định của pháp luật chưa thật đầy đủ, thống nhất cộng với nhận thức chưa rõ về quyền, nghĩa vụ cá nhân đối với tài sản trong khái niệm hộ gia đình, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích cụ thể những quy định của pháp luật để họ hiểu và kê khai chính xác tên người có quyền sử dụng đất được ghi trên GCNQSDĐ. Đối với tộc họ có quá đông thành viên thì có thể căn cứ vào ý chí của tộc họ thể hiện trong biên bản họp của hội đồng tộc họ, nhất trí cho một hoặc một số thành viên trong tộc họ là người đại diện theo ủy quyền thay tộc họ đứng tên trong GCNQSDĐ của tộc họ. Điều này là cần thiết để tránh trường hợp một quy định hai cách thực hiện và dẫn tới việc phát sinh thêm nhiều loại giấy tờ, gây khó khăn cho người dân làm thủ tục như hiện nay.

Thứ hai, cần quy định đồng bộ và xuyên suốt về thẩm quyền của các cơ quan khi cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trong Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, tránh trường hợp xung đột, mâu thuẫn về thẩm quyền hoặc thẩm chí là quy định của văn bản hướng dẫn lại “vượt quyền” quy định của luật như trường hợp Điều 105 Luật Đất đai 2013 và Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như đã trình bày ở trên.

Thứ ba, đối với thủ tục thu hồi đất, nên có sự rà soát sửa đổi các quy định về vấn đề này một cách đồng bộ, thống nhất thay vì quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật như hiện nay. Mặt khác, cần phải có quy định cụ thể về vấn đề xây dựng bảng giá đất đền bù giải phòng mặt bằng, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp, nên bổ sung quy định khi xây dựng bảng giá đất đền bù cần có sự thống kê, điều tra giá trị chuyển nhượng thực tế ở địa phương, điều này có thể giúp các cơ quan nhà nước xây dựng một khung giá đền bù có tính thực tế hơn nhằm giải quyết triệt để việc đền bù đất giá “bèo” đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân hiện nay.

Thứ tư, như đã trình bày ở trên, rõ ràng các nội dung của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Đất đai 2013 đang có những sự mâu thuẫn về việc hủy quyết định cá biệt của cơ quan nhà nước. Trong nhiều trường hợp, điều này tạo ra những sự "oái oăm" trong công tác thi hành án khi có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng cơ quan hành chính lại không chịu hủy GCNQSDĐ cấp sai. Vậy, ở đây hành vi của cơ quan hành chính và cá nhân có thẩm quyền thu hồi có đang được coi là hành vi xâm phạm vào hoạt động bình thường của cơ quan tư pháp hay không. Vấn đề này thiết nghĩ các nhà làm luật nên có những quy định cụ thể bởi nó không chỉ là quyền lợi của đương sự mà còn là hoạt động bình thường của cơ quan tư pháp.

Cần phải quy định rõ về trách nhiệm cũng như chế tài đối với các cơ quan hành chính cố tình không thi hành án hoặc có thể xem xét chỉ quy định thống nhất Tòa án nhân dân có thẩm quyền hủy quyết định cá biệt của cơ quan nhà nước sai pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất và bảo đảm thực hiện của cơ quan tài phán.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Đất đai 2013.

2. Bộ luật Dân sự 2015.

3. Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

4. Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai.

5. Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Luật sư TRƯƠNG QUỐC HÒE

Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả: Cơ hội và thách thức

Lê Minh Hoàng