Ảnh minh họa.
Hiệp ước WIPO về quyền tác giả 1996 (The WIPO Copyright Treaty - WCT) được ký kết vào năm 1996 và có hiệu lực vào năm 2002. Hiệp ước là một hiệp định đặc biệt theo Công ước Berne liên quan đến việc bảo vệ các tác phẩm và quyền của các tác giả trong môi trường kỹ thuật số. Hiệp ước dành cho các Quốc gia thành viên của WIPO và Liên minh Châu Âu. Hội đồng do Hiệp ước thành lập có thể quyết định kết nạp các tổ chức liên chính phủ khác trở thành thành viên của Hiệp ước. Các văn bản phê chuẩn hoặc gia nhập phải được gửi cho Tổng giám đốc của WIPO.
Hiệp ước WCT đề cập đến hai vấn đề cần được bảo vệ bởi bản quyền là (i) các chương trình máy tính (computer programs), bất kể phương thức hoặc hình thức thể hiện; và (ii) tổng hợp dữ liệu hoặc tài liệu khác ("cơ sở dữ liệu") (Databases), dưới bất kỳ hình thức nào tạo thành những trí tuệ sáng tạo. (Trong trường hợp cơ sở dữ liệu không cấu thành sự sáng tạo như vậy, thì cơ sở dữ liệu đó nằm ngoài phạm vi của Hiệp ước này).
Đối với các quyền cấp cho tác giả, ngoài các quyền được Công ước Berne công nhận, Hiệp ước còn trao thêm 3 quyền, bao gồm:
(i) Quyền phân phối: là quyền cho phép cung cấp cho công chúng bản gốc và bản sao của tác phẩm thông qua hình thức bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu khác.
(ii) Quyền cho thuê: là quyền cho phép công chúng cho thuê thương mại bản gốc và bản sao của ba loại tác phẩm: (i) chương trình máy tính (trừ trường hợp bản thân chương trình máy tính không phải là đối tượng cần thiết của việc cho thuê); (ii) các tác phẩm điện ảnh (nhưng chỉ trong trường hợp việc cho thuê thương mại đã dẫn đến việc sao chép rộng rãi các tác phẩm đó, làm mất quyền độc quyền sao chép một cách nghiêm trọng); và (iii) các tác phẩm được thể hiện trong bản ghi âm như được xác định trong luật quốc gia của các Bên ký kết.
(iii) Quyền thông tin rộng rãi hơn cho công chúng: là quyền cho phép mọi thông tin liên lạc tới công chúng, bằng phương tiện hữu tuyến hoặc vô tuyến, bao gồm "việc cung cấp cho công chúng tác phẩm theo cách mà các thành viên của công chúng có thể tiếp cận tác phẩm từ một nơi và tại một thời điểm do họ chọn". Biểu thức được trích dẫn bao gồm giao tiếp theo yêu cầu và tương tác thông qua Internet.
Thời hạn bảo hộ từ 50 năm trở lên đối với bất kỳ loại công trình nào.
Hiệp ước buộc mỗi Bên ký kết phải thông qua các biện pháp cần thiết mà phù hợp với hệ thống pháp luật của mình để đảm bảo việc áp dụng Hiệp ước. Đặc biệt, mỗi Bên ký kết phải đảm bảo rằng các thủ tục thực thi có sẵn theo luật của mình để cho phép hành động hiệu quả chống lại bất kỳ hành động vi phạm các quyền được quy định trong Hiệp ước. Hành động đó phải bao gồm các biện pháp khắc phục nhanh chóng để ngăn chặn vi phạm cũng như các biện pháp ngăn chặn vi phạm tiếp theo.
Cơ hội và thách thức của Việt Nam
Ngày 17/11/2021, Việt Nam đã ký văn kiện gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả 1996 (the WIPO Copyright Treaty - WCT) của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, trở thành thành viên thứ 111 của WCT. Các quy định của WCT sẽ chính thức có hiệu lực tại Việt Nam sau 3 tháng kể từ ngày văn bản được giao cho Tổng giám đốc WIPO, vào ngày 17/02/2022 [1]. Việc Việt Nam gia nhập WTC mang lại nhiều cơ hội:
Thứ nhất, giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Trong hai năm liên tiếp 2019, 2020, hai hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực tại Việt Nam sau nhiều năm đàm phán. Hiệp định CPTPP đã quy định mỗi bên ký kết phải phê chuẩn hoặc gia nhập WCT không muộn hơn ngày Hiệp định này có hiệu lực đối với bên ký kết đó. [2] Tiếp đó, Hiệp định EVFTA cũng đã yêu cầu các bên phải gia nhập WCT trong vòng 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. [3] Do đó, việc gia nhập WCT của Việt Nam dường như là một kết quả tất yếu cho các nghĩa vụ trong hai Hiệp định CPTPP và EVFTA.
Thứ hai, giúp tạo nền tảng pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tác phẩm và quyền tác giả trên môi trường số
Hiện nay, vấn đề bảo vệ tác phẩm và quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số là một trong những vấn đề sở hữu trí tuệ nhức nhối ở Việt Nam. Do sự phát triển của khoa học công nghệ đã thuận lợi cho việc chuyển đổi, lưu trữ và sao chép, trong đó có nhiều tác phẩm được bảo hộ bởi bản quyền. Việc bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số thật sự khó khăn, là một thách thức to lớn đối với cả tác giả lẫn các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo hộ quyền tác giả, bởi lẽ môi trường kỹ thuật số là một môi trường ảo thông qua mạng Internet và các trình duyệt Web. Do đó, việc Việt Nam gia nhập WCT là phù hợp với nhu cầu tất yếu của xã hội và các quan hệ xã hội đòi hỏi phải có khung pháp lý để điều chỉnh.
Thứ ba, góp phần bảo vệ quyền tác giả một cách minh bạch và hiệu quả, đặc biệt là trên không gian mạng
Việc gia nhập WTC đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh cho phù hợp với việc bảo vệ quyền tác giả trên không gian mạng. Do đó, đây chính là cơ hội để quyền tác giả trong không gian mạng được chính thức bảo vệ một cách minh bạch và hiệu quả. Các sở hữu quyền tác giả các tác phẩm và cơ quan có thẩm quyền sẽ có cơ chế để ngăn chặn và xử lý hành vi xâm hại quyền tác giả trên không gian mạng. Đối với các chủ sở hữu thì có có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ mà pháp luật sở hữu trí tuệ đã ghi nhận. Đối với cơ quan nhà nước thì có cơ sở để xác định chủ thể vi phạm cũng như kết hợp của khoa học công nghệ để xác định đúng các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, việc gia nhập WCT cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số
Hiện nay các văn bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả đã có. Tuy nhiên, các quy định hiện tại không đủ tính răn đe hoặc không có tiêu chí để xác định thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm gây ra, đã dẫn đến các cơ quan xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm cũng như xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, pháp luật hiện nay chưa bắt kịp với sự phát triển của công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ví dụ như các công nghệ sao chép lậu tinh vi trên môi trường số[4]. Trước diễn biến đó, đòi hỏi pháp luật cần phải được sửa đổi, bổ sung cho vấn đề này. Mặc dù hiện nay Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung mới nhất là năm 2019 để cho phù hợp và tương thích một phần với nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam khi gia nhập các Hiệp định CPTPP và EVFTA. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số điều khoản của pháp luật Việt Nam chưa hoàn toàn tương thích với các hiệp định trên. Do đó, trong tương lai việc sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục đặt ra. Tuy nhiên, ngay lúc này cần phải có các văn bản quy phạm pháp luật ở hình thức khác điều chỉnh về vấn đề quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Thứ hai, áp dụng sự phát triển tiên tiến của khoa học công nghệ vào trong việc phát hiện và xử lý hành vi xâm hại quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số
Vì việc gia nhập Hiệp ước WCT là một hiệp ước về quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số, do đó đòi hỏi việc quản lý, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm cần phải được áp dụng bởi công nghệ khoa học hiện đại tiên tiến. Một mặt, việc sử dụng này sẽ đáp ứng được yêu cầu về của việc gia nhập WCT, mặt khác cũng sẽ giúp cho các các bộ thuộc các cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động này nâng cao các kiến thức về công nghệ để áp dụng trong các thủ tục hành chính.
============= [1] https://www.wipo.int/treaties/en/notifications/wct/treaty_wct_102.html, truy cập ngày 12/12/2021. [2] Điểm g Khoản 2 Điều 18.7 Hiệp định CPTPP. [3] Điểm b khoản 2 Điều 12.5 Hiệp định EVFTA. [4] https://phapluatbanquyen.phaply.vn/xam-pham-quyen-tac-gia-trong-moi-truong-ky-thuat-so-dang-dien-ra-tran-lan-chuyen-gia-binh-luan-gi-bv288/, truy cập ngày 12/12/2021. |
Thạc sĩ NGUYỄN MAI LINH
Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội
Thông cáo báo chí Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026