Tại cuộc họp giao ban tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5 thường kỳ của Bộ Nội vụ diễn ra ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu Vụ Tổ chức - Biên chế lưu tâm nghiên cứu gấp chính sách hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách cấp xã bị tinh giản trong quá trình sắp xếp bộ máy.
Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề gấp nhất và phải hoàn thiện ngay.

Ảnh minh họa.
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Vũ Hải Nam (Bộ Nội vụ) cho biết, đơn vị đang chờ tổng hợp đề xuất của các địa phương để xây dựng chính sách phù hợp.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, nhìn chung có một số phương án như sau được đưa ra: Phương án thứ nhất là hỗ trợ tính theo số năm công tác còn lại trước khi đến tuổi hưu; Phương án thứ hai là tính theo quá trình, số năm công tác thực tế.
Ngoài ra, cũng có một số địa phương đưa ra đề xuất hỗ trợ theo con số tuyệt đối. Ví dụ như cán bộ còn 05 năm nữa đến tuổi hưu thì hỗ trợ 100 triệu, còn 10 năm nữa thì hỗ trợ 200 triệu. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hải Nam, chưa có cơ sở nào cho những con số này.
Ông Vũ Hải Nam cũng cho hay, Vụ Tổ chức - Biên chế sẽ tổng hợp ý kiến rồi đề xuất với Bộ trưởng, sau đó gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ.
Đồng thời, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế cũng cho biết, Nghị định về chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã bị tinh giản sẽ hoàn thành trong tháng 5.
Góp ý với Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu thống nhất luôn một phương án. Theo đó, phương án hợp lý nhất là tính mức hỗ trợ theo số năm công tác. Cán bộ có số năm công tác bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu.
Mức hỗ trợ này nên theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế nhưng không phải tính theo hướng số năm còn lại trước khi nghỉ hưu, mà tính theo số năm đã gắn bó với bộ máy. Những ai có thời gian cống hiến lâu thì sẽ được hưởng nhiều và ngược lại. Đồng thời, phải có đánh giá căn cơ, dựa trên cơ sở thực tiễn và pháp lý để đưa ra chính sách phù hợp, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào ý kiến của cấp cơ sở.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có những người trước đây đã là cán bộ, công chức, nhưng sau đó vì yêu cầu, nhiệm vụ, họ được chuyển sang làm cán bộ không chuyên trách. Ví dụ như Chủ tịch Hội phụ nữ, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc, Bí thư Đoàn thanh niên khi xuống cấp phó thì không còn là cán bộ chuyên trách nữa. Dù có nhiều năm công tác, nhóm này vẫn bị xác định cơ chế theo vị trí không chuyên trách hiện tại, có phần thiệt thòi. Vì vậy, phải xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp lý cho nhóm này.
Theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính sẽ được hưởng trợ cấp như sau:
Trường hợp giữ chức danh do bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ, được trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Nếu nghỉ hưu trước khi kết thúc lộ trình sắp xếp, số tháng trợ cấp tính theo số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu.
Trường hợp giữ chức danh không do bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp, được trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Nếu nghỉ hưu trước khi kết thúc lộ trình, số tháng trợ cấp tính theo số tháng nghỉ trước thời điểm nghỉ hưu.