Ảnh minh họa.
Theo đó, tại Điều 15, Quyết định số 02-QĐ/BCĐ, cán bộ được cử đi bồi dưỡng có quyền lợi:
- Được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật và quy chế của cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ.
- Được cơ quan quản lý, sử dụng bố trí thời gian và kinh phí theo quy định.
- Được tính thời gian bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục.
- Được hưởng các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật.
- Được cung cấp đầy đủ thông tin về Quy chế này và các nội dung liên quan đến khóa bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, tại Điều 16, Quyết định số 02-QĐ/BCĐ cũng quy định rõ về trách nhiệm của cán bộ được cử đi bồi dưỡng.
Cụ thể, đối với trách nhiệm chung:
Cán bộ được cử đi bồi dưỡng phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam và pháp luật của nước sở tại (trong trường hợp đi bồi dưỡng ở nước ngoài).
Cán bộ phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật của Đảng, các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ.
Giữ nghiêm kỷ luật học tập, kỷ luật phát ngôn.
Đồng thời, thực hiện Quy chế bồi dưỡng này và các quy định hiện hành khác về bồi dưỡng cán bộ; chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo và các cơ quan quản lý có liên quan trong thời gian tham gia khóa bồi dưỡng.
Báo cáo kết quả học tập, bồi dưỡng bằng văn bản về Cơ quan thường trực trong vòng 10 ngày sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng. Đối với đoàn được cử đi bồi dưỡng từ 03 tháng trở lên, Trưởng đoàn báo cáo hằng tháng và báo cáo sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng. Đối với cán bộ đi bồi dưỡng ở nước ngoài, báo cáo kết quả học tập, bồi dưỡng bao gồm cả nội dung thực hiện quy định về bảo vệ chính trị nội bộ trong thời gian bồi dưỡng ở nước ngoài.
Trường hợp vắng mặt, cán bộ phải có đơn xin nghỉ, gửi về Cơ quan thường trực trước khi nghỉ ít nhất 01 ngày.
Đối với trách nhiệm của cán bộ được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài thì Trưởng đoàn là thành viên đoàn do Lãnh đạo Ban Chỉ đạo chỉ định. Trưởng đoàn là người đại diện, phát ngôn chính thức của đoàn cán bộ Việt Nam, có trách nhiệm và quyền hạn sau:
- Phụ trách, quản lý đoàn nhằm thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung bồi dưỡng của đoàn. Chịu trách nhiệm chung về các hoạt động học tập, quan hệ đối ngoại của đoàn; điều phối, phân công nhiệm vụ cho phó Trưởng đoàn, Thư ký đoàn và các thành viên của đoàn.
- Giữ mối liên hệ thường xuyên với Cơ quan thường trực và các cơ quan, tổ chức có liên quan; thay mặt đoàn trao đổi với cơ sở đào tạo, các cơ quan của nước sở tại về những việc liên quan đến quản lý, học tập, ăn, ở, đi lại, sinh hoạt của đoàn trong thời gian ở nước ngoài.
Phó Trưởng đoàn là thành viên đoàn do Lãnh đạo Ban Chỉ đạo chỉ định; thực hiện nhiệm vụ do Trưởng đoàn phân công. Trưởng đoàn ủy quyền cho một phó Trưởng đoàn quản lý đoàn khi vắng mặt hoặc có lý do bất khả kháng.
Thành viên đoàn chấp hành sự phân công của lãnh đạo đoàn, tham gia đầy đủ chương trình, kế hoạch học tập; thực hiện các quy định về tổ chức nội bộ của đoàn; tích cực tham gia các hoạt động chung để xây dựng đoàn thống nhất về tổ chức, hoạt động chuyên môn có hiệu quả, thực hiện đúng các quy định về đối ngoại.
Có trách nhiệm báo cáo với Trưởng đoàn về các công việc cá nhân có ảnh hưởng tới các hoạt động của đoàn; trong thời gian học tập và sinh hoạt phải phối hợp chặt chẽ với các thành viên đoàn, người hỗ trợ đoàn và phiên dịch; thể hiện ứng xử có văn hóa, tôn trọng đối tác.
Trường hợp phải về nước sớm vì lý do chính đáng, thành viên đoàn phải báo cáo với Trưởng đoàn; Cơ quan quản lý cán bộ có văn bản đề nghị với Cơ quan thường trực để báo cáo Lãnh đạo Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.
Thư ký đoàn là thành viên đoàn do Lãnh đạo Ban Chỉ đạo chỉ định, có nhiệm vụ chuẩn bị các báo cáo của đoàn về kết quả bồi dưỡng, nghiên cứu; tổng hợp ý kiến góp ý của các thành viên trong đoàn để hoàn thiện báo cáo; trình Trưởng đoàn hoặc lãnh đạo đoàn ký phát hành.
Đối với những đoàn không có người hỗ trợ, Thư ký đoàn có trách nhiệm giúp Trưởng đoàn thực hiện các giao dịch thường xuyên theo lịch trình làm việc, công tác lễ tân, đối ngoại của đoàn; kết nối thông tin với các bên liên quan để đảm bảo các hoạt động, sinh hoạt nội bộ của đoàn; tập hợp hóa đơn, chứng từ, hoàn thành hồ sơ quyết toán tài chính cho đoàn trong vòng 10 ngày sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng.
Về trách nhiệm của cán bộ được cử đi bồi dưỡng ở trong nước thì Ban cán sự lớp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc lớp thực hiện chương trình học tập, nội dung bồi dưỡng; chịu trách nhiệm chung về các hoạt động học tập của lớp; điều phối, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của lớp.
Đồng thời, thường xuyên giữ mối liên hệ với ban quản lý khóa bồi dưỡng; báo cáo đầy đủ, trung thực về tình hình học tập, rèn luyện của lớp khi có yêu cầu của ban quản lý khóa bồi dưỡng.
Xây dựng lớp đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, thi đua học tập, rèn luyện thực hiện tốt kế hoạch, nội dung, chương trình khóa bồi dưỡng.
Nhiệm vụ của các thành viên lớp chấp hành phân công của ban cán sự lớp, tham gia đầy đủ chương trình, kế hoạch học tập; thực hiện tốt các nội quy lớp học, nội dung đã cam kết; tích cực trao đổi, thảo luận và tham gia hoạt động chung.
Có trách nhiệm báo cáo với Ban cán sự lớp về các công việc cá nhân có ảnh hưởng tới chương trình bồi dưỡng; thực hiện ứng xử văn hóa trong học tập và sinh hoạt.
TRẦN MINH
Đề xuất 6 nhóm chính sách của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất