(LSVN) - Bạo hành trẻ là tội ác, nó để lại di chứng dai dẳng trong cuộc đời một con người. Những vết thương này sẽ lưu lại trong cơ thể và tuổi thơ của các em. Chỉ có làm tốt công tác phòng chống vi phạm, loại bỏ các nguyên nhân và điều kiện vi phạm, cũng như tăng cường các cơ chế giám sát thì mới có thể giải quyết được triệt để, hiệu quả và bền vững nhất vấn nạn này.
Ngay những ngày đầu xuân sau Tết Nguyên đán 2021, nhiều người dân trên địa bàn phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP. Hà Nội không khỏi xót xa và bức xúc trước hình ảnh một cháu bé bị chính mẹ đẻ và người tình bạo hành.
Chẳng như những đứa trẻ khác được người thân cưng chiều, cô bé đáng thương lại bị chính mẹ của mình thường xuyên dùng dây điện, móc quần áo, thép bện thành sợi... đánh đập dã man và bị người tình của mẹ nhiều lần xâm hại.
Gia đình, đáng lẽ là mái nhà bình yên che chở cho tuổi thơ của trẻ lại trở thành nơi bạo hành và tạo những ký ức hãi hùng cho trẻ. Những bậc làm cha làm mẹ sẵn sàng trút cơn thịnh nộ lên đầu những đứa trẻ không có khả năng tự vệ.
Bạo hành trẻ là tội ác, nó để lại di chứng suốt cuộc đời một con người. Những vết thương này sẽ lưu lại trong cơ thể và tuổi thơ của các em. Thương tổn về tinh thần là điều không thể tránh khỏi. Trẻ bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti hoặc thù hận đối với xã hội. Hành vi của trẻ trong một hành trình tương lai cũng dễ bị lệch lạc một cách đáng tiếc!
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình, trước hết phải kể đến nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào còn bị xem nhẹ.
Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Tuy nhiên, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Trong nhiều gia đình, bạo lực được sử dụng làm phương tiện để thiết lập hệ thống phân cấp. Hành vi như vậy bị ảnh hưởng bởi khả năng tài chính, trình độ học vấn của cha mẹ và các vấn đề khác như lạm dụng rượu hoặc ma túy.
Do kỷ luật mang tính bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương khi các em có hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra. Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này và mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ.
Quan niệm của người lớn về giáo dục trẻ bằng roi chính là mắt xích gây ra những sự việc này. Lối suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, “con hư thì phải dạy” đã ăn sâu khiến người ta coi chuyện đánh đập, đối xử hung bạo với con trẻ là bình thường. Sự thiếu hiểu biết và “lạm quyền” của người lớn đã gây tổn hại cho trẻ nhỏ.
Có thể thấy một thực tế hiện nay là môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như: cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; cha mẹ mâu thuẫn hoặc ly hôn, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái… Còn những trường hợp “thú tính” từ trong bản chất thì tất yếu dẫn đến hành vi bạo lực với trẻ.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vấn đề này, Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: "Đây là vụ việc bạo hành trẻ em đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cháu bé, đặc biệt mẹ đẻ cũng là trực tiếp người đánh cháu rất tàn nhẫn nên càng khiến chúng ta thêm xót xa, bức xúc và phẫn nộ".
Nội dung vụ án và trách nhiệm pháp lý của mẹ cháu và người tình ra sao sẽ còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Nếu những hành vi đánh đập, hành hạ và xâm hại tình dục đối với cháu bé là có thật, thì hành vi của các đối tượng đã có các dấu hiệu của nhiều tội phạm.
Cụ thể, Cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm trưng cầu giám định thương tích của cháu bé. Nếu kết quả giám định và điều tra cho thấy người mẹ đã có hành vi đánh, gây thương tích cho cháu bé, xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể (dù là dưới 11%) thì người mẹ sẽ phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với các tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội “đối với người dưới 16 tuổi” và “có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm c và điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với tội danh này thì việc xác định khung hình phạt cho người mẹ sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của cháu bé (nếu có).
Trong trường hợp, cơ quan giám định không xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể của cháu bé nhưng có đủ căn cứ chứng minh người mẹ đã thường xuyên đối xử tồi tệ, đánh đập làm cho cháu bé đau đớn về thể xác, tinh thần thì hành vi này cũng đủ yếu tố cấu thành tội “Ngược đãi hoặc hành hạ con”, với tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội “đối với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015, có khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Đối với hành vi xâm hại tình dục, do cháu bé chưa đủ 13 tuổi nên nếu có đủ căn cứ chứng minh người tình của mẹ cháu đã nhiều lần có hành vi quan hệ tình dục với cháu (không phân biệt có trái ý muốn hay không) thì người này đã phạm vào tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, với tình tiết định khung tăng nặng là “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, có khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
"Qua vụ việc này một lần nữa cho thấy, có rất nhiều trẻ em trong các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như: Bố mẹ ly hôn, cha hoặc mẹ rơi các tệ nạn xã hội (rượu chè, cờ bạc, nghiện ma túy)… đã không nhận được sự chăm sóc và bảo vệ đầy đủ, đúng đắn của gia đình, rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực, bị xâm hại về cả thể xác, danh dự, nhân phẩm và tinh thần, thậm chí là trong chính ngôi nhà của mình, bởi những người thân thiết nhất của các em. Do đó, các cơ quan chức năng, cũng như các đoàn thể xã hội cần phải có sự quan tâm lớn hơn, phải có những biện pháp và cơ chế hỗ trợ, giám sát và bảo vệ tốt hơn đối với các em, để phòng tránh các vụ việc đau lòng tương tự. Chỉ có làm tốt công tác phòng chống vi phạm, loại bỏ các nguyên nhân và điều kiện vi phạm, cũng như tăng cường các cơ chế giám sát thì mới có thể giải quyết được triệt để, hiệu quả và bền vững nhất vấn nạn này", Luật sư Hùng chia sẻ.
Có thể thấy Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em vào năm 1990; Luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được năm 1991; Luật Trẻ em năm 2016, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Lao động, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và hàng trăm văn bản dưới luật quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Có thể khẳng định không thiếu văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, kể cả biện pháp chế tài hình sự lẫn hành chính.
Cùng với đó, Nhà nước còn giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em cho 15 tổ chức có chức năng bảo vệ quyền lợi trẻ em, từ cấp trung ương đến tận xã, phường, từ cơ quan nhà nước đến đoàn thể, tổ chức xã hội.
Vấn đề là công tác kiểm tra, giám sát thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em ở nhiều nơi còn chưa tốt, thiếu đồng bộ. Một yêu cầu nữa đặt ra là cần xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em để tạo sự răn đe cho xã hội. Người bạo hành trẻ dù là ruột thịt cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật.
Tuy nhiên, trừng trị không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà quan trọng hơn là tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng.
Cần tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ để thúc đẩy các các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc bảo vệ trẻ em. Theo đó, cần tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức về quyền trẻ em và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đến từng khu phố, từng gia đình.
Mỗi chúng ta hãy góp một chút tình yêu hy vọng như một lời cam kết để chấm dứt bạo lực, cùng bảo vệ trẻ em - những mầm xanh tương lai của đất nước để các em được sống trong tình yêu thương của người thân và xã hội.
TRÀ MY
Tung tin giả về Nhạc sĩ Trần Tiến qua đời: Hành vi rất đáng lên án, cần xử lý nghiêm