/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần có các quy định ràng buộc trong hoạt động kêu gọi từ thiện cá nhân

Cần có các quy định ràng buộc trong hoạt động kêu gọi từ thiện cá nhân

26/02/2025 05:10 |1 tháng trước

(LSVN) - Theo các chuyên gia pháp lý, những hoạt động từ thiện cá nhân còn đang thiếu những quy định cụ thể, ràng buộc chặt chẽ nên lĩnh vực này đã nảy sinh khá nhiều bất cập. Do đó, cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn để các cá nhân, tổ chức thực hiện từ quyên góp, vận động cho tới sử dụng, phân phối, thậm chí sau này có thể đánh giá hiệu quả được thực hiện một cách công khai và minh bạch.

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc một người nổi tiếng trên mạng xã hội kêu gọi từ thiện cho mẹ bệnh nhi để có tiền chữa bệnh cho bé.

Cụ thể, một người nổi tiếng đã đứng ra kêu gọi sự hỗ trợ từ mạnh thường quân để giúp đỡ mẹ của một bệnh nhi, nhưng lại xuất hiện những nghi vấn về tính minh bạch trong việc sử dụng số tiền quyên góp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người mẹ của bệnh nhi cũng bị cho là mập mờ trong việc cập nhật tình trạng sức khỏe của con mình, không cung cấp các khoản chi phí điều trị của con. Điều này đã dẫn đến sự bức xúc và hoài nghi từ phía cộng đồng.

Trước những quan điểm từ dư luận, mẹ của bệnh nhi cho rằng số tiền trên là tự nguyện quyên góp, không ai bị ép buộc, do đó không cần thiết phải sao kê hay giải trình. Phát ngôn của mẹ bệnh nhi càng đẩy cuộc tranh cãi về việc có cần sao kê tiền từ thiện hay không trên mạng xã hội.

Người kêu gọi từ thiện phải có trách nhiệm công khai minh bạch số tiền

Theo Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, pháp luật Việt Nam cho phép cá nhân đứng ra kêu gọi, tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền từ thiện để hỗ trợ bệnh nhân hiểm nghèo, hoặc đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt. Tuy nhiên, việc kêu gọi, tiếp nhận, quản lý, phân phát tiền từ thiện phải tuân thủ quy định của pháp luật để đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, tránh những trường hợp lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để trục lợi. Đối với sự việc kêu gọi ủng hộ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì khoản 2 Điều 23 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định cá nhân tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện và sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Cá nhân tổng hợp đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và thực hiện công khai trên các phương tiện truyền thông.

Như vậy, người kêu gọi từ thiện giúp cần có trách nhiệm công khai minh bạch số tiền từ thiện và kiểm soát số tiền từ thiện mà người đó kêu gọi được sử dụng đúng mục đích.

Người được nhận từ thiện không bị bắt buộc, ép buộc phải sao kê. Lúc này việc sao kê chỉ để cho người khác biết những cá nhân nào là người đóng góp. Do đó, việc sao kê là để xác nhận việc người nhận từ thiện sử dụng số tiền có đúng mục đích hay không, nếu sử dụng sai mục đích ban đầu đưa ra thì có khả năng sẽ vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp của mẹ bệnh nhi nêu trên, với vai trò là người nhận từ thiện để lo cho con, người nhận được tiền từ thiện cần phải thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội hay cụ thể hơn là những người đã chung tay giúp đỡ con mình như công bố số tiền được nhận, công bố số tiền còn lại sau khi đã thanh toán chi phí lo cho con… để người khác nhận được các thông tin liên quan và được biết.

Đồng thời, trong tình huống này mẹ bệnh nhi cũng cần phải lên tiếng, xác nhận là đã nhận được bao nhiêu tiền và có sử dụng tiền đúng mục đích hay không để công khai minh bạch các khoản hỗ trợ thiện nguyện, tuân thủ các quy định của pháp luật về kêu gọi, tiếp nhận, sử dụng tiền từ thiện.

Người từ thiện có quyền giám sát khoản tiền mình đã ủng hộ qua yêu cầu sao kê

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định rõ hành vi bị cấm trong vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bao gồm báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Do đó, người đã chuyển tiền vào các tài khoản này hoàn toàn có quyền giám sát việc sử dụng tiền, yêu cầu sử dụng tiền đúng mục đích, đúng cam kết. Mọi người gửi tiền vào tài khoản nhận tiền từ thiện là tặng cho có điều kiện, tặng cho để chữa bệnh chứ không để dùng vào mục đích khác.

Trong trường hợp nghi ngờ có sự không trung thực, không minh bạch thì có thể đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ để có kết luận, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Theo Luật sư, có thể thấy, việc quyên góp làm từ thiện cơ bản là rất tốt, phù hợp với truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam ta. Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP như là một hành lang pháp lý cho các hoạt động quyên góp triển khai từ thiện, nhất là đối với các cá nhân. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo quá trình vận động, quyên góp, triển khai thực hiện được minh bạch và hiệu quả, đảm bảo sự hỗ trợ của công chúng tới được những người có hoàn cảnh khó khăn hay đến được địa chỉ cần thiết.

Tuy nhiên, những hoạt động từ thiện cá nhân còn đang thiếu những quy định cụ thể, ràng buộc chặt chẽ nên lĩnh vực này đã nảy sinh khá nhiều bất cập. Do đó, cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn để các cá nhân, tổ chức thực hiện từ quyên góp, vận động cho tới sử dụng, phân phối, thậm chí sau này có thể đánh giá hiệu quả được thực hiện một cách công khai và minh bạch.

Để tránh những tiêu cực trong hoạt động thiện nguyện, Luật sư kiến nghị các tổ chức, cá nhân tham gia cần phải tổ chức, thực hiện một cách chuyên nghiệp trên cơ sở pháp luật, như phải có tài khoản riêng cho hoạt động từ thiện, công khai các khoản quyên góp, các địa chỉ hỗ trợ từ thiện, giá trị các khoản hỗ trợ với hóa đơn, chứng từ hợp pháp và hợp lý...

Những hành vi lợi dụng, trục lợi từ thiện khi bị phát hiện cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thiện nguyện cùng với hệ thống pháp luật, quy định đầy đủ, chuyên nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để công tác này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và thực hiện hiệu quả hơn.

QUÝ MINH

Các tin khác