/ Góc nhìn
/ Cần có chế tài nghiêm khắc với người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Cần có chế tài nghiêm khắc với người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

09/04/2025 19:07 |

(LSVN) - Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu (gọi chung là người nổi tiếng) đứng ra quảng cáo cho các sản phẩm không đúng sự thật. Việc này đã "đánh cắp" niềm tin của công chúng, nhất là người hâm mộ để thu lợi bất chính, đặc biệt, sẽ gây tổn hại sức cho người tin dùng đối với các sản phẩm được quảng cáo không đúng sự thật… Vấn đề trên cho thấy, vẫn còn những khoảng trống pháp lý cần phải được nghiên cứu, bổ sung để tăng cường các biện pháp quản lý đối với người nổi tiếng đứng ra quảng cáo cho các sản phẩm.

Hiện nay, Quốc hội đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đây là cơ hội để nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể để quản lý, nhất là các chế tài để xử lý thật nghiêm người nổi tiếng vi phạm trong hoạt động quảng cáo; đồng thời, ngăn chặn hành vi tận dụng sự nổi tiếng với sức ảnh hưởng của họ trên không gian mạng đứng ra đảm bảo về tính năng sản phẩm của hàng hóa để bán cho người tiêu dùng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thực tế, người nổi tiếng đứng ra quảng cáo cho các sản phẩm nhưng những sản phẩm quảng cáo này lại thể hiện trái ngược chất lượng sản phẩm, làm mất lòng tin của người sử dụng sản phẩm. Nhiều người nổi tiếng, các TikToker, Facebooker có danh tiếng tổ chức các phiên livestream thu hút số lượng người xem và chốt đơn hàng rất “khủng”. Nếu cung cấp các thông tin sai sự thật, hoặc chất lượng hàng hóa không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Các cá nhân, tổ chức có sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật hoặc khuếch đại chất lượng sản phẩm sẽ thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng chủ yếu là nhờ người nổi tiếng đứng ra quảng cáo cho các sản phẩm của họ.

Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét, bổ sung các chế tài xử lý vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi sai phạm, phát ngôn lệch chuẩn hoặc vi phạm đạo đức trên không gian mạng; áp dụng cơ chế xử phạt thật nghiêm, ngoài phạt tiền, cần bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung như: Tạm ngừng trong một thời gian nhất định hoặc cấm tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, hoặc tham gia các nền tảng mạng xã hội; buộc họ phải công khai xin lỗi, trả tiền lại và bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng (nếu có yêu cầu bồi thường).

Công khai danh sách người nổi tiếng vi phạm, đồng thời, cảnh báo và yêu cầu họ phải chuẩn mực, thận trọng và trách nhiệm hơn khi phát ngôn hoặc quảng cáo sản phẩm.

Nếu hành vi của người nổi tiếng gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng cần xem xét, xử lý hình sự và hạn chế hoặc nghiêm cấm vĩnh viễn họ tham gia các hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội hoặc các hoạt động hoạt nghệ thuật.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế để công chúng theo dõi, giám sát và kiến nghị xử lý đối người nổi tiếng có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo các sản phẩm không đúng sự thật như hiện nay.        

ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp Kon Tum

Các tin khác