/ Pháp luật - Đời sống
/ Cần có cơ chế về trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước nhân dân

Cần có cơ chế về trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước nhân dân

14/02/2025 18:34 |1 tháng trước

(LSVN) - Theo Đại biểu Quốc hội, việc minh bạch thông tin và giải trình chính sách vẫn còn nhiều hạn chế trong thực tế. Do đó, cần bổ sung quy định về cơ chế trách nhiệm giải trình với nội dung “Chính phủ có trách nhiệm giải trình công khai trước nhân dân và Quốc hội về các chính sách lớn, thông qua các báo cáo định kỳ, phiên chất vấn công khai, và cơ chế phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức”.

Ngày 14/02, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đồng tình và đánh giá cáo việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới đổi mới sáng tạo và vươn mình của dân tộc.

Để hoàn thiện dự thảo, Đại biểu góp ý tại khoản 5 Điều 5 dự thảo đã nêu nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, không có cơ chế cụ thể để thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước nhân dân.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Đại biểu, việc minh bạch thông tin và giải trình chính sách vẫn còn nhiều hạn chế trong thực tế. Do đó, cần bổ sung quy định về cơ chế trách nhiệm giải trình với nội dung “Chính phủ có trách nhiệm giải trình công khai trước nhân dân và Quốc hội về các chính sách lớn, thông qua các báo cáo định kỳ, phiên chất vấn công khai, và cơ chế phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức”.

Về nguyên tắc phân định thẩm quyền, đại biểu chỉ ra khoản 3 Điều 6 quy định Chính phủ hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền nhưng chưa làm rõ ranh giới giữa phân quyền (trao quyền quyết định độc lập) và phân cấp (trao quyền thực hiện nhưng vẫn chịu sự chỉ đạo từ trên xuống).

Nếu không có ranh giới rõ ràng, đại biểu cho rằng có thể xảy ra tình trạng Chính phủ vẫn can thiệp sâu vào công việc của địa phương, làm giảm tính chủ động của chính quyền địa phương.

Từ đó, Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm "phân quyền" và "phân cấp" theo hướng: phân quyền là chính quyền địa phương có quyền quyết định độc lập trong một số lĩnh vực. Phân cấp là việc chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ, nhưng vẫn chịu sự giám sát.

Đối với quy định Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Đại biểu nhận xét dự thảo vẫn chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các Bộ trưởng trong trường hợp Bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Thực tế, Đại biểu chỉ ra, đã có nhiều trường hợp Bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng. Do đó, cần bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với Bộ trưởng. Chẳng hạn, nếu Bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của Bộ đó.

MINH QUÝ (t/h)

Các tin khác

LSVN